Sa dây rốn khi mang thai

Sa dây rốn là tình trạng dây rốn bị sa trước ngôi thai, có thể xảy ra lúc còn ối (sa dây rốn trong bọc ối). Trường hợp này hay nguy hiểm hơn là sa dây rốn sau khi vỡ ối.

Khi bị sa dây rốn, thai phụ cần đến bệnh viện để được cấp cứu ngay, vì hiện tượng này dễ gây ra suy thai cấp do cuống rốn bị chèn ép giữa ngôi và thành chậu hông, hoặc do khi bị sa ra ngoài âm đạo, việc cung cấp máu của dây rốn cho thai bị đình trệ do co thắt của các mạch máu dây rốn. Nếu không lấy thai ra ngay thì có khả năng thai nhi sẽ bị chết trong vòng 30 phút.

Nguyên nhân

Về phía mẹ

– Đẻ nhiều lần nên ngôi thai bình chỉnh không tốt, gây ra các ngôi bất thường.

– Khung chậu hẹp, méo.

– Có khối u tiền đạo.

Về phía thai

– Các ngôi thai bất thường, ví dụ ngôi ngược, ngôi ngang do ngôi không tì vào cổ tử cung nên dây rốn có thể sa trước ngôi.

– Sa một chi, làm cho dây rốn sa theo.

Về phía phần phụ của thai

– Đa ối làm ối căng quá mức, có thể vỡ đột ngột và kéo dây rốn sa theo.

– Dây rốn dài bất thường.

– Nhau bám thấp.

Do bấm ối

Nếu bấm ối trong cơn co khi ngôi còn cao lỏng.

Chẩn đoán và xử trí

Chẩn đoán

Thường dễ phát hiện, trong quá trình chuyển dạ có thể xuất hiện các hiện tượng:

– Nhìn thấy dây nhau sa ra ngoài âm hộ.

– Thăm âm đạo thấy dây rốn nằm cuộn trong âm đạo.

– Thăm âm đạo thấy dây rốn ở cổ tử cung, bên cạnh ngôi qua màng ối chưa bị vỡ (sa dây rốn bên ngôi trong bọc ối), hoặc dây rốn ở trước ngôi trong bọc ối chưa bị vỡ (sa dây rốn trước ngôi trong bọc ối).

– Cổ tử cung thường chưa mở hết.

– Ngôi thai còn cao, có thể là ngôi bất thường.

Cách xử trí chung

Sa dây rốn trong bọc ối:

– Sản phụ nằm đầu thấp, mông cao, không rặn để bảo vệ ối khỏi bị vỡ.

– Cần được cấp cứu và mổ lấy thai càng sớm càng tốt.

Sa dây nhau khi đã vỡ ối:

– Xác định xem dây rốn còn đập không, bằng cách kẹp dây rốn vào giữa hai ngón tay để xem dây rốn đập mạnh hay yếu, đồng thời nghe tim thai trên bụng mẹ.

– Nếu xác định là thai đã chết (dây rốn hết đập, không nghe thấy tim thai) thì không còn cấp cứu. Theo dõi để cuộc đẻ tiến triển bình thường.

– Nếu thai còn sống: Sản phụ nằm chổng mông, nhẹ nhàng đẩy dây nhau lên và không nên rặn đẻ.

Bọc dây nhau bị sa vào gạc lớn, đóng khố vô khuẩn cho sản phụ, rồi đưa đi cấp cứu.

Phải kịp thời cấp cứu và mổ lấy thai càng sớm càng tốt.

Trong khi chờ đợi mổ, nên cho người bệnh nằm đầu thấp, mông cao để dây nhau đỡ bị ép chặt giữa ngôi và tiểu khung.

Theo Parentslink

Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276

Nguồn : bau.vn