Xông hơi có nhiều tác dụng đối với cơ thể, nhưng liệu bà bầu xông hơi được không? Nếu lỡ xông hơi khi mang thai có sao không? Câu trả lời dành cho mẹ có ngay trong bài viết này.
1. Bà bầu xông hơi được không?
Đau lưng và những khó chịu trong thai kỳ dễ khiến cho chị em chỉ muốn được xông hơi. Tuy nhiên xông hơi giải cảm không còn là một thói quen có lợi cho mẹ bầu nữa.
Nhiệt độ cao và kéo dài liên tục có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, thậm chí gây sảy thai. Nhiệt độ cao có thể giúp mẹ thư giãn nhưng lại không an toàn cho bé. Lý giải nguyên nhân, do thai nhi trong tử cung không thể tự điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể.
Thực tế, khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, nhiệt độ cơ thể mẹ có thể lên đến trên 38 độ C, trong khi đó, giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ nếu thân nhiệt tăng đột ngột sẽ dễ khiến thai nhi bị khuyết tật ống thần kinh và mất nước trong thai kỳ. Nếu thai phụ xông hơi nóng giải cảm vào những tháng sau có thể ít nguy hiểm hơn nhưng vẫn có thể dẫn đến những hậu quả như dị dạng, vẹo cột sống, xương khớp của trẻ bị ảnh hưởng.
Bà bầu tắm nước nóng được không?
Khi bạn mang thai, những thay đổi của hormone trong cơ thể bạn có thể làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi thường xuyên hơn. Tắm nước nóng ở nhiệt độ cao tại bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ cũng có thể làm tăng thân nhiệt và làm giảm huyết áp, ảnh hưởng đến khả năng cung cấp oxy cho em bé và làm cho bạn cảm thấy choáng váng, và có thể khiến bạn bị ngã.
Nhiệt độ thích hợp cho phụ nữ mang thai
Các chuyên gia sản phụ khoa khuyến cáo rằng nếu bạn đang tập thể dục trong nước – ví dụ, tại một lớp học tiền sản – nhiệt độ của nước không được quá 32°C. Nếu bạn đang sử dụng một hồ thủy liệu (một loại hồ cạn đặc biệt nóng hơn mức bình thường), nhiệt độ của hồ không nên vượt quá 35°C. Một số bồn tắm nước nóng có thể được làm nóng tới 40°C, vì vậy tốt nhất bạn không nên tắm nước ở bồn tắm nước nóng.
Các lưu ý khác về tắm nước nóng khi mang thai
Nếu bạn muốn tắm trong bồn tắm nóng trong quá trình mang thai, bạn hãy làm theo các bước hướng dẫn sau đây:
- Giới hạn thời gian nằm trong bồn ít hơn 10 phút;
- Tránh ngồi gần cửa , nơi cung cấp nước mới được đun nóng vào;
- Ra khỏi bồn tắm nếu bạn bắt đầu đổ mồ hôi hoặc cảm thấy khó chịu;
- Không dùng bồn tắm nằm nếu bạn đã có thân nhiệt cao do sốt, tập thể dục hoặc sử dụng phòng tắm hơi trước đó.
Thay vì bà bầu xông hơi để thư giãn, tại sao mẹ không thử tìm đến những giải pháp an toàn mà có lợi cho thai nhi hơn như tập yoga, massage. Hy vọng những thông tin được chia sẻ sẽ giúp mẹ có sự lựa chọn an toàn nhất để thư giãn.
Nguồn : bau.vn