1. Nguyên nhân gây bệnh răng miệng ở bà bầu
Nguyên nhân gây chảy máu chân răng ở bà bầu chủ yếu là do có những thay đổi trong cơ thể bao gồm:
Thay đổi về hormone: Thường vào tháng thứ 2 của thai kỳ, lượng hormone estrogen và progesterone tăng nhanh làm gia tăng lưu lượng máu tới nướu gây nên tình trạng viêm nướu trầm trọng hơn bình thường. Biểu hiện là đau răng, chảy máu nướu khi đánh răng… hiện tượng này có thể nặng hơn vào tháng thứ 7, 8 và giảm dần vào tháng thứ 9 của thai kỳ.
Thay đổi về canxi: Nhu cầu canxi cho thai nhi rất cao, điều này có thể làm mẹ rơi vào tình trạng thiếu canxi, khiến răng trở nên xốp hơn và làm tăng nguy cơ bị sâu răng.
Thay đổi về chế độ dinh dưỡng: Những tháng đầu của thai kỳ, việc ốm nghén có thể gây nôn, thèm ăn chua ngọt… nhiều hơn bình thường, việc ăn nhiều thức ăn chứa glucose cũng là một trong những nguyên nhân gây sâu răng cao trong thời kỳ mang thai.
2. Chảy máu chân răng ở bà bầu là dấu hiệu cảnh báo những bệnh nào?
Chảy máu chân răng ở bà bầu có thể là dấu hiệu của một số vấn đề răng miệng như:
- Viêm nướu
- Viêm nha chu
- U nhú thai nghén
- Sâu răng
- Mòn răng
- Một số vấn đề răng miệng khác thường gặp: Khô miệng, tăng tiết nước bọt,…
* Viêm nướu (Viêm lợi)
Viêm nướu là vấn đề răng miệng phổ biến, chiếm 60 – 75% trong số những phụ nữ mang thai gặp vấn đề về răng miệng. Viêm nướu có thể bắt đầu từ tháng thứ 2 của thai kỳ và có khuynh hướng cao nhất vào tháng thứ 8, biểu hiện chủ yếu là nướu sưng nề, đỏ, dễ chảy máu đặc biệt là khi đụng chạm như đánh răng.
Viêm nướu là bệnh chiếm 60 – 75% trong số những phụ nữ mang thai gặp vấn đề về răng miệng
Nguyên nhân do sự tăng cao của hormon progesteron và estrogen trong thai kỳ làm thay đổi hệ vi khuẩn trong môi trường miệng. Một nửa các vấn đề này có thể tự động biến mất sau khi sinh. Nhưng nếu cứ để mặc và không điều trị, cộng thêm với vấn đề vệ sinh răng miệng không tốt có thể gây sâu răng và bị bệnh nha chu.
Một số trường hợp chảy máu chân răng khi đánh răng, nhức răng rất có thể do chân răng đã bị lộ từ trước, giờ đây những tác động cơ học và rối loạn tuần hoàn làm cho trầm trọng hơn.
* Viêm nha chu
Viêm nha chu là tình trạng nặng hơn của viêm nướu, có sự phá hủy các cấu trúc nâng đỡ xung quanh răng, dẫn đến răng lung lay và cuối cùng là mất răng.
Ngoài ra, các hóa chất trung gian được tiết ra trong quá trình viêm nha chu có thể ảnh hưởng đến bào thai, do sự hạn chế dòng máu đến nhau thai. Do đó, nếu bị viêm nướu, thai phụ cần điều trị sớm không để tiến triển sang viêm nha chu.
* U nhú thai nghén
U nhú thai nghén thường phát triển ở 3 tháng giữa thai kỳ. Có khoảng 2 – 10% thai phụ bị u nhú thai nghén. Đó là một u màu đỏ thường ở nướu răng, cũng có thể ở một vị trí khác trong miệng, có thể dễ bị chảy máu chân răng hoặc bị loét. Tuy nhiên, đây không thật sự là một khối u và không có tính chất ung thư.
U nhú thai nghén thường phát triển ở 3 tháng giữa thai kỳ
U nhú thai nghén thông thường sẽ giảm dần và mất hẳn sau khi sinh mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu u cản trở việc ăn, nhai, dễ chảy máu, hoặc không biến mất sau khi sinh thì cần đi thăm khám bác sĩ để được cắt bỏ u.
* Sâu răng
25% số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có sâu răng. Sâu răng là sự kết hợp giữa chế độ ăn nhiều đường và các vi khuẩn trong miệng làm phá hủy men răng. Ban đầu, sâu răng là một đốm trắng, tiến triển dần thành lỗ sâu màu nâu. Bà bầu bị sâu răng nếu không điều trị có thể dẫn đến áp-xe chân răng, nặng hơn là viêm mô tế bào ở mặt.
* Mòn răng
Ở nhiều phụ nữ mang thai bị nôn ói, men răng có thể bị ăn mòn do lượng axit từ dịch trong dạ dày tiết ra có thể phá hủy men răng, gây ra tình trạng chảy máu chân răng. Để bảo vệ răng khỏi tác động này, nên đánh răng ngay sau khi nôn ói, đồng thời trước khi đánh răng nên súc miệng bằng dung dịch soda pha loãng và sử dụng kem đánh răng chứa fluor.
3. Cách phòng ngừa chảy máu chân răng cho bà bầu
Trong bất kỳ trường hợp nào, việc chăm sóc răng miệng trong thời gian mang thai là vô cùng quan trọng. Vì vậy, để tránh tình trạng bị chảy máu chân răng khi mang thai, mẹ bầu cần có cách phòng ngừa cho bản thân mình:
* Điều chỉnh chế độ chăm sóc răng miệng
– Đừng quên đánh răng thường xuyên vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi ngủ dậy.
Đánh răng thường xuyên vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi ngủ dậy
– Sử dụng các loại bàn chải mềm để tránh gây tổn hại đến răng và nướu.
– Sau khi ăn nên dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng để lấy thức ăn bám vào kẽ răng thay vì dùng tăm.
– Nên đi vệ sinh răng miệng và lấy cao răng trước khi mang thai định kỳ 6 tháng/ lần để loại bỏ những mảng bám có thể chứa vi trùng bám ở chân răng.
Dùng chỉ nha khoa để lấy thức ăn bám vào kẽ răng thay vì dùng tăm
* Điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày
– Hạn chế các loại thức ăn cay nóng, các loại chất kích thích như trà, cà phê,… thay vào đó chị em nên ăn nhiều rau củ quả bổ sung vitamin C, vitamin A để hạn chế tình trạng bị chảy máu chân răng.
* Nên có chế độ thăm khám và vệ sinh vôi răng định kỳ tại các trung tâm Nha Khoa uy tín
Mẹ bầu cần thăm khám và vệ sinh răng miệng định kỳ tại các trung tâm nha khoa uy tín, cần báo cho bác sĩ biết phụ nữ đang mang thai ở giai đoạn nào để bác sĩ có các biện pháp điều trị phù hợp. Tuyệt nhiên không nên tự ý dùng thuốc trị sâu răng hay bất kỳ loại thuốc nào mà chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
Với những thông tin ở trên đã lý giải cho thắc mắc bà bầu bị chảy máu chân răng có nguy hiểm không. Mức độ nguy hiểm nhiều hay ít sẽ tùy thuộc vào tình trạng răng miệng và chế độ chăm sóc vệ sinh răng miệng của bà bầu. Do đó, cần phải tuân thủ đúng các cách phòng ngừa bệnh để bảo vệ răng cũng như bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé.
Nguồn : Sức khỏe cộng đồng
http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/chay-mau-chan-rang-o-ba-bau-la-dau-hieu-canh-bao-nhung-benh-nao-a184305.html