Đâu là khác biệt giữa ăn dặm kiểu Nhật và truyền thống, mẹ nên biết để dễ lựa chọn

Cho con ăn dặm kiểu Nhật hay kiểu truyền thống luôn là đề tài được các mẹ có con chuẩn bị bước vào giai đoạn ăn dặm đặc biệt quan tâm.

Trước khi quyết định sẽ áp dụng phương pháp nào, các mẹ cần biết rõ nhu cầu dinh dưỡng của bé trong từng giai đoạn ăn dặm cũng như đặc điểm của từng phương pháp.

Những so sánh thực tế dưới đây sẽ giúp các mẹ hiểu rõ hơn về hai phương pháp ăn dặm này:

1. Chế độ ăn

Theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, ở giai đoạn đầu, mỗi ngày bé được cho ăn 5 bữa, gồm 4 bữa sữa và 1 bữa mặn, mỗi bữa cách nhau 4 tiếng. Sang giai đoạn sau, mỗi ngày bé ăn 2 – 3 bữa mặn cùng thời gian với người lớn và 2 bữa sữa phụ xen kẽ 3 bữa chính. Với phương pháp ăn dặm truyền thống, mỗi ngày bé ăn từ 7 đến 9 bữa bao gồm cả sữa và bột, cháo trong suốt giai đoạn từ 6 đến 24 tháng tuổi. Như vậy, nếu chia đều khoảng cách giữa các bữa thì mỗi bữa cách nhau chưa đến 2 tiếng. Khoảng thời gian ngắn này chưa đủ để bé tiêu hóa hết thức ăn, dễ dẫn đến tình trạng chán ăn.

2. Cách chế biến

Nước hầm rau củ chứa rất nhiều vitamin cần thiết cho sự phát triển của bé, nên được các mẹ Nhật thường xuyên sử dụng để chế biến đồ ăn dặm cho con. Trong khi đó, mẹ Việt lại hay sử dụng nước xương hầm vì nghĩ rằng có chứa nhiều canxi và đạm tuy nhiên hai dưỡng chất này rất khó hòa tan trong nước nên vẫn ở lại trong phần xương và thịt.
Khẩu phần ăn dặm của trẻ em Nhật Bản rất giàu DHA. Do lợi thế có nguồn cá hồi dồi dào nên các mẹ Nhật thường sử dụng loại thực phẩm này để chế biến đồ ăn dặm cho con. Trong khi đó, các mẹ Việt lại rất chuộng thịt lợn, thịt bò, tôm, cua…
Thời điểm bắt đầu ăn dặm, các mẹ Nhật luôn nấu từng món riêng biệt để giúp bé cảm nhận rõ mùi vị của từng loại thức ăn khác nhau… Còn nếu chế biến theo kiểu truyền thống, các mẹ Việt sẽ nấu cháo bao gồm bột, rau, thịt… cho bé ăn suốt cả bữa. Đồ ăn như vậy sẽ khiến bé cảm thấy ngấy.
Theo cách ăn dặm kiểu Nhật, đến tháng thứ 7 bé bắt đầu có phản xạ nhai nên thức ăn của bé không cần nghiền quá nhuyễn. Sang tháng thứ 9, thức ăn của bé được cắt to khoảng 0,5 cm, dài khoảng 2 – 3 cm, nấu mềm sao cho bé có thể nhai được bằng lợi. Bước sang tháng thứ 12, các mẹ có thể cho bé ăn cơm nát rồi chuyển dần đến cơm. Phương pháp này sẽ giúp bé phát triển kỹ năng nhai và nuốt thức ăn. Với kiểu truyền thống, bé được cho ăn bột và cháo xay nhuyễn cùng các loại thực phẩm khác cho đến 2 tuổi. Như vậy, vô tình các mẹ đã làm mất phản xạ nhai của bé vào lúc bé được 7 tháng tuổi.

3. Cách cho bé ăn

Theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, khi bé không hứng thú với 1 loại đồ ăn các mẹ cũng sẽ không ép bé phải ăn bằng được. Trong khi đó, mẹ Việt vẫn hay có thói quen ép con ăn thật nhiều một loại đồ ăn vì nghĩ rằng nó có lợi cho sự phát triển của bé.
Dù bẩn và tung tóe nhưng bố mẹ Nhật bắt đầu cho con tự sử dụng muỗng xúc thức ăn từ rất sớm, điều này khuyến khích tính tự lập ở trẻ. Khi bé biết ngồi, bố mẹ Nhật thường cho bé ngồi ăn chung với cả gia đình. Trong giai đoạn ăn dặm, bố mẹ Việt không yên tâm để con tự xúc ăn nên vừa bón vừa dỗ trẻ bằng các món đồ chơi hay cho bé xem tivi…

Như vậy, điểm khác biệt cơ bản giữa ăn dặm kiểu Nhật và kiểu truyền thống là thời gian tập cho bé ăn thô. Trẻ ăn dặm theo phương pháp Nhật Bản sẽ được làm quen với thức ăn thô sớm hơn so với trẻ ăn theo phương pháp truyền thống.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cho trẻ ăn dặm theo kiểu Nhật rất tốt nhưng còn phải tùy xem nhu cầu, sự hợp tác của bé. Nếu trẻ không thích ăn thô, không thể cứ ép con theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, bởi trẻ có thể bị bỏ đói dài dẫn tới suy dinh dưỡng. Trong trường hợp này, các mẹ có thể thực hiện xen kẽ 2 phương pháp trên.

Nguồn : Sức khỏe cộng đồng