Trí não “trẻ thơ”
Một bài báo trên tạp chí Journal of Clinical và Experimental Neuropsychology cho thấy, khoảng 80 phần trăm phụ nữ mang thai bị suy giảm trí nhớ. “Có thể là do khi mang thai, nội tiết tố thay đổi, chưa kể các mẹ bầu còn mắc chứng thiếu ngủ hoặc cảm giác căng thẳng, đó được coi là một trong những nguyên nhân làm suy giảm trí nhớ của phụ nữ mang thai”, Tiến sĩ Cutler cho biết.
Hiện tượng “trí não trẻ thơ” khiến các mẹ bầu rất phiền muộn. Bởi nó kéo theo hàng loạt vấn đề như hay quên, mất trí nhớ tạm thời, khó tập trung vào công việc.
Để khắc phục hiện tượng này, các bà bầu nên tạo dựng nếp sinh hoạt khoa học, ghi chép những thứ quan trọng một cách cẩn thận. Đặc biệt cố gắng nên ngủ nhiều và ngủ sớm hơn mỗi ngày.
Khối lượng máu tăng gấp đôi
Bắt đầu từ những tuần đầu tiên của thai kỳ, cơ thể của bạn thực sự làm tăng lượng máu và huyết tương 30-50 phần trăm. Lượng máu tăng lên nhanh chóng nhưng các tế bào hồng cầu trong máu tăng lên không nhiều.
Do đó việc thiếu đi các tế bào hồng cầu này còn dẫn đến tình trạng thiếu máu trong quá trình mang thai. Đây là một trong những triệu chứng hết sức nguy hiểm với các bà bầu. Nhẹ thì nó gây ra hiện tượng chóng mặt, buồn nôn, khó thở, mệt mỏi, nặng thì ảnh hưởng đến thai nhi, khiến thai nhi sinh non, bị dị tật hoặc nhẹ cân.
Để khắc phục hiện tượng này, các bà bầu nên thường xuyên đi xét nghiệm màu và bổ sung sắt trong suốt thai kì.
Da trở nên tối màu
Một đường sọc nâu xuất hiện ở bụng dưới trong quá trình mang thai là bà bầu nào cũng dễ dàng nhận ra khi mang thai. Nó thường chạy từ rốn dọc tới gần vùng kín và càng gần ngày sinh nở, nó càng sậm màu và to hơn.
Đó là chưa kể da mặt bạn có thể sẽ xuất hiện tàn nhang, vùng da dưới nách, khuỷu tay cũng thâm và đậm màu hơn. Sự thay đổi sắc tố da này là do thay đổi các hormon trong quá trình mang thai.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo việc sử dụng kem dưỡng da và kem chống nắng an toàn là cách hiệu quả để ngăn chặn tình trạng da bị thâm sạm đi, kể cả vùng da bụng.
Bạn không nhận ra “vùng kín” của mình
Khi mang thai, “vùng kín” của bạn có sự thay đổi đáng kể từ màu sắc, kích thước, cảm giác… Do lượng máu tăng nhiều và lưu thông mạnh tới tử cung để giúp nuôi thai nhi nên “vùng kín” của các bà bầu thường bị căng và sưng lên.
Thêm một hệ lụy kéo theo của việc gia tăng lưu lượng máu quanh cổ tử cung là nó khiến cho “vùng kín” trở nên sậm màu. Ngoài ra, càng về cuối thai kì, bạn càng thấy khó chịu với mùi của vùng kín bởi nó trở nên nặng mùi và dễ bị viêm nhiễm hơn so với trước kia.
Thêm một thay đổi ở “vùng kín” đối với các mẹ bầu là khi mang thai, ngoài tăng estrogen, cơ thể còn thêm nồng độ progesterone khiến nó tiết dịch nhiều. Một số bà bầu chia sẻ họ thậm chí phải thay quần lót nhiều lần trong ngày vì “vùng kín” tiết dịch quá nhiều.
Chảy máu răng
Do lượng máu trong cơ thể thời kì mang thai tăng lên 30-50%, quá trình lưu thông máu nhanh hơn trước, hàm lượng hoormon trong cơ thể cũng tăng lên, bạn có thể bị nhiều vi khuẩn xâm nhập trong miệng, mụn mọc tùm lum, thậm chí có thể khiến lợi chảy máu và hơi thể có mùi. Không ít bà bầu chia sẻ họ cảm thấy đau đớn, lợi có dấu hiệu bị sưng tấy trong giai đoạn bầu bí. Ước tính có đến 50% chị em phụ nữ mang thai mắc phải chứng bệnh này. Nó thường xuất hiện từ tháng thứ hai, bị nặng vào tháng thứ 8 và thậm chí có thể kéo dài đến 6 tháng sau khi sinh.
Một số dấu hiệu dễ nhận ra như bà bầu thấy lợi bị sưng tấy, chảy máu lợi khi đánh răng.
Phụ nữ mang thai bị viêm lợi sẽ nguy hiểm hơn nhiều so với những người bình thường vì đó là tiền nguyên nhân gây nên hiện tượng sinh sớm. Vì vậy, trong thai kì, các bà bầu cũng nên chú ý chăm sóc răng miệng, nếu bị chảy máu nhiều nên đếm khám bác sĩ.
Tìm thấy lông ở khắp mọi nơi
Thay đổi hormone trong thai kỳ có thể gây ra hiện tượng lông, tóc mọc nhiều hơn bình thường. Nhiều bà bầu nhìn thấy lông mọc ở những nơi chưa bao giờ xuất hiện như mặt, ngực, bụng, cánh tay, vùng kín cũng nhiều hơn trước.
Sau khi sinh, phụ nữ mang thai lại phải đối mặt với một hiện tượng phiền toái khác là tóc rụng quá nhiều. Đây là hiện tượng rất bình thường với phụ nữ sau sinh do thay đổi nội tiết tố trong cơ thể.
Bàn chân “quá khổ”
Đáng buồn thay, khi mang bầu nhiều người sẽ phải tạm biệt những đôi giày dễ thương bởi kích thước bàn chân đã tăng lên đáng kể cùng với sự phát triển của bụng.
Thực tế, có đến 60-70 phần trăm phụ nữ mang thai chân dài và to hơn trước kia. Sự tích nước còn làm cho chân bị sưng lên nhanh chóng. Yên tâm, sau khi sinh nó sẽ trở lại bình thường.
Nguồn : Sức Khoẻ Cộng Đồng
http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/khi-mang-thai-me-se-phai-doi-dien-voi-nhung-phien-toai-nay-a182001.html