Thiếu máu là một tình trạng y tế xảy ra khi cơ thể không có đủ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển oxy và dưỡng chất thiết yếu đến các mô. Tình trạng này xảy ra sẽ khiến nhiều cơ quan và chức năng của cơ thể bị ảnh hưởng. Phụ nữ mang thai có nguy cơ bị thiếu máu cao hơn do cơ thể cần tạo ra nhiều máu để giúp cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho sự phát triển của thai nhi.
Vì sao mẹ bầu thiếu máu?
Nếu trước và trong thai kỳ, bạn không nhận đủ khoáng chất sắt và một số dưỡng chất (folate, vitamin B12), cơ thể sẽ không thể sản xuất đủ lượng tế bào hồng cầu cần thiết, do đó làm gia tăng nguy cơ thiếu máu. Thêm vào đó khi mang thai, mẹ bầu có nguy cơ bị thiếu máu cao hơn do cơ thể cần tạo ra nhiều máu để giúp cung cấp đầy đủ oxy và chất dinh dưỡng cho sự phát triển của thai nhi.
Bà bầu thiếu máu thường là do những nguyên nhân sau:
- Chế độ ăn uống không cung cấp đủ sắt: Nếu không ăn đủ thực phẩm giàu chất sắt hoặc cơ thể không có khả năng hấp thụ chất sắt sẽ dẫn đến tình trạng mẹ bầu bị thiếu máu do thiếu sắt.
- Quá trình mang thai: Ở giai đoạn này, cơ thể bạn cần lượng sắt lớn hơn để có thể tạo ra lượng máu nhiều hơn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng sắt mà mẹ bầu cần vào khoảng 1,5 – 3mg nguyên tố sắt/ngày. Thêm vào đó tình trạng ốm nghén khi mang thai khiến mẹ bầu nôn nhiều, ăn uống kém… làm gia tăng nguy cơ bị thiếu dưỡng chất, vô tình dẫn đến thiếu máu.
- Thiếu máu trước khi mang thai: Mẹ bầu có nguy cơ bị thiếu máu cao nếu trước khi mang thai từng bị chảy máu kinh nguyệt nặng, bị viêm loét hay từng hiến máu…
Thai nhi phải đối mặt với nguy cơ nào nếu mẹ bầu thiếu máu?
Mẹ bầu thiếu máu, nhất là những mẹ bầu thiếu máu nặng mà không được điều trị có thể khiến thai nhi phải đối mặt với các nguy cơ sau:
- Thiếu máu
- Chậm phát triển, thậm chí là bị dị tật nếu nguyên nhân mẹ bầu bị thiếu máu là do thiếu vitamin B12
- Sinh non
- Cân nặng khi sinh thấp
Ngoài ra, nếu bị thiếu máu nặng, mẹ bầu có thể phải đối mặt với các vấn đề như: trầm cảm sau sinh, cần được truyền máu (nếu trong khi sinh bị mất nhiều máu), thậm chí là tử vong.
Giải pháp cho mẹ bầu thiếu máu do thiếu sắt
Để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu khi mang thai, bạn hãy thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng thông qua việc bổ sung thực phẩm giàu sắt và vitamin C vào chế độ ăn hằng ngày.
+ Các thực phẩm giàu sắt bao gồm:
- Thịt nạc, thịt đỏ (thịt bò, thịt bê, thịt heo…), thịt gia cầm và cá
- Rau có màu xanh đậm như: cải bó xôi, bông cải xanh, rau dền, rau ngót, rau mồng tơi, cải xanh, cải xoong, rau lang, cải xoăn kale, cải Brussel…
- Ngũ cốc nguyên hạt
- Các loại đậu như: đậu đỏ, đậu xanh, đậu đen, đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu gà, đậu thận…
- Gan động vật
- Hải sản
- Trứng.
+ Thực phẩm chứa vitamin C:
- Trái cây các loại: đu đủ, dâu tây, sơ ri, xoài, hồng, hồng xiêm, kiwi, cam, bưởi, quýt, ổi, mâm xôi…
- Nước ép trái cây họ cam quýt (bưởi, cam, quýt, chanh), nước ép chanh dây…
- Các loại rau: cà chua, ớt chuông, khoai tây…
Việc tiêu thụ thực phẩm giàu vitamin C giúp cơ thể bạn có thể hấp thu được nhiều sắt hơn. Hãy kết hợp các thực phẩm giàu sắt với thực phẩm có chứa nhiều vitamin C, chẳng hạn như: bạn có thể nhấm nháp một ly sinh tố dâu sau khi ăn thực phẩm giàu sắt.
Mách mẹ bầu cách chọn sản phẩm bổ sung sắt
Hiện nay, có rất nhiều sản phẩm bổ sung sắt dành cho mẹ bầu được bày bán rộng rãi tại các nhà thuốc. Thế nhưng để chọn được sản phẩm bổ sung sắt phù hợp, bạn nên tham khảo các gợi ý dưới đây:
Ưu tiên chọn sản phẩm có chứa loại sắt hữu cơ (sắt fumarate) có hàm lượng sắt cao, dễ hấp thu, ít gây táo bón so với sắt vô cơ.
Sản phẩm bổ sung sắt trên thị trường có hai dạng: nước và viên. Mẹ bầu nên chọn sản phẩm ở dạng viên nang mềm vừa dễ uống vừa có hương vani giúp che giấu được mùi vị khó chịu của sắt.
Mẹ bầu nên chọn các sản phẩm có chứa sắt kết hợp với axit folic cùng vitamin B12. Nguyên do là 2 thành phần axit folic và vitamin B12 là các dưỡng chất thiết yếu cho quá trình sản xuất hồng cầu, duy trì sự khỏe mạnh của các tế bào máu, tăng cường quá trình trao đổi chất cho cơ thể…
Nguồn : bau.vn