Khi bạn mang thai, bác sĩ sẽ theo dõi kích thước của thai nhi để đánh giá mức độ tăng trưởng của con. Mức độ tăng trưởng là một chỉ số tốt, thể hiện tình trạng sức khỏe của thai nhi. Trong một số trường hợp, mẹ mang thai to lại phát triển vượt quá mong đợi.
Thai to là gì?
Cân nặng của trẻ sơ sinh trung bình khoảng 2,8 – 3,5kg nếu bé sinh đủ tháng. Một thai nhi nặng hơn 4kg thì sẽ được gọi là thai to. Trong trường hợp thai to, nguy cơ mẹ bầu gặp khó khăn khi sinh nở và bé cưng bị chấn thương trong quá trình sinh sẽ tỷ lệ thuận với cân nặng của trẻ. Ngoài ra, nguy cơ gặp phải biến chứng cũng tăng lên khi em bé nặng hơn 4,5kg và nguy cơ cao nhất khi em bé nặng hơn 5kg.
Nguyên nhân gây thai to
Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến kích thước của bé và đôi khi chính bác sĩ cũng không biết vì sao thai nhi lại phát triển đến kích thước to. Một số ý kiến cho rằng cân nặng của mẹ bầu, sức khỏe và yếu tố di truyền đều góp phần dẫn đến tình trạng thai to. Ngoài ra, còn có các yếu tố sau:
Lượng đường trong máu cao:
Mẹ bầu có nhiều nguy cơ sinh con nặng cân nếu bị đái tháo đường trước khi mang thai hoặc mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ.
Từng có thai to trước đây:
Nếu em bé trước đó chào đời nặng hơn 4kg, bạn có khả năng gặp lại điều này ở lần mang thai tiếp theo.
Thừa cân trước khi mang thai:
Nếu bị béo phì trước lúc mang thai, mẹ bầu dễ gặp phải thai to.
Tăng cân quá nhiều khi mang thai:
Những gì bạn bạn ăn và số cân nặng tăng lên trong thời gian bầu bí sẽ ảnh hưởng đến trọng lượng của em bé khi chào đời.
Mang thai nhiều lần trước đó:
Trường hợp này không phải lúc nào cũng xảy ra nhưng thông thường, bé sau thường nặng cân hơn bé sinh trước đó.
Mang thai con trai:
Con trai có xu hướng nặng hơn bé gái.
Vượt qua ngày dự sinh:
Em bé tiếp tục tăng cân và phát triển khi ở trong bụng mẹ. Vì vậy, nếu thời gian mang thai kéo dài hơn 40 tuần, em bé sẽ càng lớn.
Tuổi tác của người mẹ:
Bạn có nhiều khả năng gặp phải thai to nếu mang thai trên 35 tuổi.
Ăn các loại tinh bột đã qua chế biến:
Nhiều nghiên cứu đã chỉ rằng việc ăn các thực phẩm giàu chất bột đường không chỉ khiến mẹ bầu tăng cân quá nhiều mà còn có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của thai nhi. Điều này còn làm tăng nguy cơ cơ quan của thai nhi phát triển một cách phì đại.
Dấu hiệu nhận biết thai to
Bề cao tử cung:
Khi bạn đi khám thai, bác sĩ sẽ đo bề cao tử cung (khoảng cách từ xương mu đến đỉnh tử cung) của mẹ bầu. Thông thường, khi thai kỳ bước qua tuần thứ 16, độ dài đo được của bề cao tử cung sẽ tương ứng với tuổi thai tính theo tuần. Nếu bề cao tử cung có kích thước lớn hơn dự kiến, đây có thể là dấu hiệu thai to.
Nước ối quá nhiều:
Việc mẹ bầu có quá nhiều nước ối có thể là một dấu hiệu cho thấy thai lớn hơn mức trung bình. Lượng nước ối phản ánh lượng nước tiểu của em bé và thai to sẽ tiết ra nhiều nước tiểu hơn.
Nguồn : Sức khỏe cộng đồng
http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/me-mang-thai-to-tim-hieu-ngay-nguyen-nhan-va-dau-hieu-de-nhan-biet-a192019.html