Rã đông thực phẩm cho bé: nguyên tắc mẹ cần biết

Ngày nay, rất nhiều mẹ chọn cách làm đông thực phẩm đã chế biến rồi hâm nóng lại để tiết kiệm thời gian nấu nướng thức ăn cho bé. Liệu cách chế biến này có làm mất đi giá trị thực phẩm và làm thế nào để tối ưu những chất dinh dưỡng mà con có được?

Nguyên tắc chung của việc rã đông và hâm nóng thực phẩm cho bé ăn dặm là chỉ nên dùng một lượng thức ăn vừa phải, vừa đủ cho khẩu phần ăn của bé trong ngày, nhiều nhất là trong 2-3 ngày. Việc rã đông rồi tái đông lại thực phẩm không chỉ làm ảnh hưởng đến mùi vị mà chất lượng thực phẩm cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, mẹ cũng nên lưu ý thêm một số điều sau:

1/ Rã đông thực phẩm

– Nếu sử dụng lò vi sóng, mẹ nên dùng tô, chén bằng thủy tinh. Vì theo nghiên cứu, so với nhựa, vật dụng bằng thủy tinh sẽ an toàn hơn. Khuấy đều thức ăn để đảm bảo thức ăn tan hết, không bị vón cục.

– Chưng cách thủy: Gỡ các viên thức ăn ra rồi cho vào một cái chén nhỏ. Sau đó lấy chén này đặt vào một cái tô lớn hơn đã có sẵn nước sôi trong đó hay chúng ta có thể đặt chén nhỏ này vào một cái nồi /chảo sâu đã đổ nước sẵn rồi bật bếp đun sôi nước khoảng 10-20 phút

– Rã đông bằng tủ lạnh: Chuyển thực phẩm từ ngăn đá xuống ngăn mát của tủ lạnh. Cách này sẽ mất thời gian nhiều hơn so với cách dùng lò vi sóng hay chưng cách thủy. Thức ăn sẽ cần khoảng 12 tiếng để rã đông. Vì vậy, khi chọn phương pháp này, các mẹ cần có kế hoạch từ trước nhé!

Lưu ý dành cho mẹ: Tuyệt đối không rã đông thực phẩm bằng cách để ra môi trường tự nhiên bên ngoài. Cách này chỉ khiến cho các loại vi khuẩn có nhiều cơ hội tấn công thức ăn của bé hơn.

2/ Hâm nóng thực phẩm

– Sử dụng lò vi sóng: Cho lượng thức ăn cần hâm nóng vào một chén thủy tinh, hâm nóng 15 giây/lần. Sau mỗi lần hâm, mẹ sẽ khuấy đều hỗn hợp và tiếp tục hâm thêm cho đến khi hỗn hợp tan đều và đạt độ đặc mong muốn.

– Hâm nóng bằng bếp: Sử dụng nồi nhỏ, lửa nhỏ và khuấy liên tay để thức ăn không bị cháy. Trước khi cho bé ăn dặm, mẹ nên kiểm tra nhiệt độ trước. Có thể thử một lượng nhỏ trên cổ tay.

Lưu ý dành cho mẹ: Lượng thức ăn còn thừa trong chén khi cho bé ăn dặm sẽ lẫn nước bọt hoặc bị nhiễm khuẩn. Mẹ nên bỏ đi phần thức ăn thừa này để đảm bảo cho sức khỏe của bé. Ngoài ra, mẹ cũng không nên hâm thức ăn quá nóng. Thức ăn sau khi rã đông và hâm nóng chỉ cần bằng nhiệt độ phòng là bé đã có thể ăn được.

Sau khi rã đông và tái đông lại, thực phẩm có thể bảo quản tối đa 72 giờ trong tủ lạnh. Hơn nữa, để tránh bị nhiễm khuẩn, thực phẩm này cần được bảo quản trong hộp có nắp đậy kín.

Nguồn : bau.vn