Táo bón sau sinh: Nỗi khổ khó nói của bà bầu

Có ít nhất 20% các bà mẹ bị táo bón sau khi sinh. Với một cơ thể chưa kịp phục hồi và những khó khăn khi mới làm quen với việc chăm con nhỏ, táo bón có vẻ không còn là chuyện nhỏ nữa. Làm sao để giải phóng bản thân khỏi vị khách không mời này?

Trong suốt thai kỳ, lượng hormone progesterone tăng cao trong cơ thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng táo bón sau khi sinh. Bên cạnh đó, hệ tiêu hóa của bạn cũng làm việc chậm lại trong quá trình chuyển dạ. Đồng thời, tác động của các loại thuốc giảm đau cũng trì hoãn việc đi ngoài của bạn. Táo bón cũng dễ xảy ra ở những mẹ phải sinh với dụng cụ hỗ trợ như forceps hay bị rách tầng sinh môn nhiều. Việc uống bổ sung viên sắt cũng góp phần không nhỏ trong việc làm tình trạng trở nên tệ hơn.

Xem ảnh nguồn

Thông thường, phải mất 2-3 ngày sau khi sinh thì bạn mới đi ngoài. Nỗi lo lắng tăng lên đối với các mẹ sinh thường. Liệu việc đi ngoài có khiến vùng kín đau đớn? Những vết chỉ khâu có bị đứt do mẹ quá gắng sức không? Thực ra, chính nỗi lo lắng này lại là chướng ngại vật lớn nhất. Tuy tầng sinh môn có ê ẩm một chút, việc đi ngoài sẽ giúp bạn đào thải lượng chất cặn bã đang tồn tại suốt mấy ngày trong cơ thể. Ngoài ra, tình trạng táo bón có thể gây áp lực lên vùng xương chậu, nên tốt nhất, bạn nên thoải mái để quá trình đào thải này diễn ra một cách tự nhiên.

Những bước phòng ngừa cơ bản

Ngay sau khi sinh, bạn cần bổ sung nước càng sớm càng tốt. Việc bổ sung chất lỏng cho cơ thể sẽ giúp phân mềm hơn. Nếu cho con bú sữa mẹ, bạn sẽ thường xuyên cảm thấy khát. Nhớ uống nước thường xuyên nhé. Và đừng ngồi yên một chỗ, hãy cố gắng đứng dậy và đi một vòng chậm rãi xung quanh phòng hay ra ngoài hành lang.

Một khi ngồi xuống, hãy dựng bàn chân của bạn lên, chạm những đầu ngón chân xuống nền nhà. Động tác này giúp cho đầu gối của bạn trở nên cao hơn hông một chút, tạo thành một tư thế hoàn hảo để đẩy chất thải ra khỏi cơ thể. Tiếp đó, hạ chân xuống vài lần để kích thích ruột làm việc.

Vùng đáy chậu và sàn chậu sẽ di chuyển xuống khi bạn đang rặn, và vì chúng đang hồi phục nên bạn sẽ có thể cảm thấy đau. Nếu lo lắng, bạn có thể dùng một miếng băng vệ sinh hay khăn sạch , đỡ vùng đáy chậu và các vết khâu để chắc chắn các phần chỉ không bị nứt ra (thực tế là việc đứt chỉ rất khó xảy ra).

Nếu đã nỗ lực nhưng chưa thành công…

Bạn hãy thử làm một vài động tác bụng. Đầu tiên, hít bụng vào, bạn sẽ cảm thấy bụng phẳng và vòng eo mở rộng ra. Sau đó, phình bụng ra. Nếu bạn đặt bàn tay lên bụng lúc này, nên để cho lực từ các cơ bụng tác động rõ rệt vào lòng bàn tay. Lặp lại khoảng 10 lần. Để vùng đáy chậu thư giãn khi bạn làm động tác phình bụng lần cuối cùng. Nếu vẫn chưa đi ngoài được, bạn nên lặp lại động tác này. Hãy kiên nhẫn, nếu vẫn chưa có gì xảy ra, bạn có thể tạm rời khỏi nhà vệ sinh và thử lại sau đó.

Uống một ly lớn nước trái cây hay nước tinh khiết sẽ giúp kích thích cảm giác của bạn. Sau khoảng 15 đến 20 phút, bạn có thể thử lại. Lưu ý, sau khi ăn hoặc uống, bạn nên đi bộ thay vì ngồi xuống ngay.

Nếu tình hình vẫn không được cải thiện, hãy thử liên lạc với bác sĩ của bạn để tìm được một loại thuốc nhuận tràng thích hợp. Nên nhớ rằng bất cứ thứ gì bạn ăn hay uống cũng ảnh hưởng đến chất lượng sữa, nên đừng chủ quan tự ý chọn bất kỳ một loại thuốc không kê đơn nào. Và nên cho bác sĩ biết bất cứ vấn đề nào ở hậu môn mà bạn đang gặp phải, vì điều này khiến cho tình trạng táo bón tồi tệ hơn.

Nguồn : bau.vn