Trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ có thực sự an toàn ?

Đối với trẻ em, giấc ngủ cũng có tầm quan trọng như thức ăn nước uống. Giấc ngủ sâu là điều kiện thiết yếu để trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Trẻ sơ sinh không biết tự trở mình nên tư thế ngủ của trẻ chủ yếu do cha mẹ quyết định. Trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ là một tư thế khá phổ biến, tư thế này có một số ưu điểm tuy nhiên cũng có nhiều nhược điểm.

Trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ có ưu điểm gì?

Nếu trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ không quá lâu, không nằm nghiêng liên tục thì sẽ không những không ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn có nhiều lợi ích tốt cho trẻ như:

  • Trẻ sơ sinh nằm nghiêng giúp giảm sặc, trớ sữa khi ngủ. Khi trẻ nôn, nằm nghiêng sẽ giúp chất nôn trong khoang miệng chảy ra từ miệng, không chảy vào cổ họng, giúp tránh hiện tượng gây nghẽn ho, nghẹt thở.
Trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ giúp bé giảm sặc sữa
  • Nếu trẻ có hiện tượng ngáy khi ngủ, chuyển trẻ sang nằm nghiêng ngáy sẽ biến mất, hô hấp trẻ cũng thuận lợi hơn.
  • Trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ sẽ làm giảm áp lực lên tim, hệ tiêu hóa cũng hoạt động tốt hơn.

Trẻ sơ sinh nằm nghiêng nhưng không quá lâu sẽ có nhiều lợi ích

Trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ có nhược điểm gì?

1. Chứng đổi màu da

Khi mắc phải tình trạng này, phía thân người mà bé nằm nghiêng khi ngủ sẽ đổi màu thành màu hồng hoặc đỏ, trong khi nửa còn lại không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, bạn sẽ nhận thấy luôn luôn có một ranh giới rõ ràng giữa 2 phần cơ thể với màu sắc rõ rệt.

Chứng đổi màu da xuất hiện khi trẻ sơ sinh ngủ nghiêng trong nhiều giờ. Tuy nhiên, dẫu cho có vẻ đáng báo động nhưng tình trạng này lại không gây ra bất kỳ ảnh hưởng xấu nào đến bé và sẽ biến mất sau vài phút nếu bé được xoay lại tư thế nằm ngửa.

Nguyên nhân gây ra được cho là do trọng lực ảnh hưởng đến lưu lượng máu trong các mạch máu và gây ra sự tích tụ của những tế bào hồng cầu gần da.

Điều trị

Chứng đổi màu Harlequin không cần phải dùng đến các biện pháp y tế để chữa trị bởi thường sẽ tự biến mất trong thời gian ngắn sau khi bé đổi tư thế ngủ.

2. Hội chứng đầu bẹt

Vào giai đoạn đầu đời, xương sọ của trẻ sơ sinh vẫn còn khá mềm. Điều này sẽ cho phép não cũng như hộp sọ phát triển và mở rộng. Nếu áp lực tích tụ tại một số điểm của hộp sọ, khiến bộ phận này bị lõm, thậm chí chìm vào bên trong thì hội chứng đầu bẹt sẽ xảy ra.

Bé sẽ mắc phải hội chứng trên nếu thường xuyên ngủ trong tư thế nằm nghiêng và ở cùng một phía. Nếu hình dạng hộp sọ không phù hợp có thể hạn chế khả năng mở rộng của não bộ. Điều này có thể làm cho não trở nên kém phát triển.

Để trẻ sơ sinh ngủ nghiêng nhiều sẽ gây đầu bẹt

Điều trị

Quá trình điều trị hội chứng đầu bẹt bao gồm sử dụng 1 loại mũ chuyên dụng có chức năng nắn đầu nhằm khắc phục vấn đề. Ngoài ra, bố mẹ phải luôn chú ý tư thế ngủ của con và tránh việc để bé ngủ trong tư thế nằm nghiêng.

3. Tật vẹo cổ

Tật vẹo cổ được đặc trưng bởi cách nghiêng cổ bất thường theo một hướng do sự rút ngắn nghiêm trọng của cơ sternocleidomastoid kết nối phía bên của đầu với xương đòn. Vì các cơ của trẻ vẫn còn mềm và đang phát triển, chúng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực khi bé nằm ngủ nghiêng sang một bên.

Điều trị

Sự căng cứng ở cơ bắp sẽ được giải phóng thông qua hình thức vật lý trị liệu hoặc đeo dây nịt phục hồi. Dây nịt quấn quanh cơ thể bé kèm theo miếng đệm mềm gần cổ. Miếng đệm này có tác dụng đẩy đầu về vị trí bình thường.

4. Nguy cơ nghẹt thở

Bé sơ sinh nằm ngủ nghiêng khiến khí quản xoắn lại và có thể gây khó thở. Ngoài ra, tư thế này còn khiến thức ăn trong bụng bé trào ngược và tích tụ xung quanh lỗ mở khí quản tạo ra nguy cơ ngạt thở. Trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ hoặc nằm sấp đều làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).

Điều trị

Không có biện pháp điều trị cho tác tình trạng này, nhưng bạn có thể ngăn ngừa bằng cách không để trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ.

Một số lời khuyên để trẻ ngủ an toàn hơn

Sau đây là một số lời khuyên có thể giúp trẻ an toàn hơn khi ngủ, kể cả khi trẻ tự lật nằm sấp khi ngủ:

  • Trẻ và mẹ nên ngủ chung phòng: Để bé vào chiếc nôi gần giường mẹ sẽ giúp mẹ dễ quan sát trẻ hơn. Tuy nhiên cần đảm bảo không để chăn, gối hoặc bất cứ thứ gì ở giường có thể rơi hoặc lấn vào nơi trẻ đang ngủ.
  • Không hút thuốc: Thuốc lá cần tránh xa khỏi phòng ngủ và xung quanh trẻ.
  • Không sử dụng chăn, mền nặng.
  • Ngăn ngừa nhiệt độ xung quanh trẻ quá nóng: Trẻ không cần quá nhiều chăn, mền và khăn quấn như mẹ nghĩ. Hãy để trẻ mặc quần áo thoáng mát khi ngủ hoặc chỉ với một tấm khăn ủ mỏng thay vì quần áo dày nặng hoặc nhiều lớp.
  • Sử dụng tấm ủ quấn: Hãy đảm bảo rằng tấm vải quấn chỉ hơi chặt ở ngực nhưng lỏng ở hông và đầu gối. Tuy nhiên, chỉ sử dụng tấm vải quấn trước khi trẻ bắt đầu tập lật. Điều này có nghĩa là khi trẻ bắt đầu tự lật hoặc nghiêng người nằm ngủ, mẹ sẽ cần ngưng sử dụng tấm quấn này.
  • Đảm bảo nôi ngủ của trẻ trống và sạch sẽ: Trẻ chỉ cần nên ngủ với một cái nôi có đệm. Mẹ không nên đặt bất cứ đồ gì khác vào nôi như đồ chơi, chăn mền, gối…

Nguồn : bau.vn