Phương pháp chọc hút ối được đánh giá là xác định được nhiều dị tật bẩm sinh của thai nhi nhất và kết quả chính xác nhất. Chọc hút ối sẽ xác định dị dạng ở nhiễm sắc thể của thai nhi – nguyên nhân gây dị tật cho thai nhi. Một số dị dạng nhiễm sắc thể thường gặp ở thai nhi là: dị dạng nhiễm sắc thể 21 gây bệnh down, dị dạng nhiễm sắc thể 18 gây hội chứng Edwards (dị dạng tim và chi, đầu nhỏ, vận động kém), dị thường nhiễm sắc thể 13 gây bất thường ở não bộ…
Những trường hợp được chỉ định phải chọc hút ối
Việc chọc hút ối có thể khá phức tạp nhưng được coi là cần thiết trong 4 trường hợp sau:
– Thai nhi có bất thường về hình thái trên siêu âm
– Triple test có kết quả dương tính
– Tăng khoảng sáng sau gáy
– Người mẹ lớn tuổi hoặc có tiền sử đẻ thai bất thường.
Chọc hút ối được thực hiện ở tuần thứ bao nhiêu của thai kì?
Thông thường, khi thai nhi có dấu hiệu dị thường, các bác sĩ sẽ chỉ định cho thai phụ thực hiện chọc hút ối. Thủ thuật này nhất thiết phải được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ. Xét nghiệm chọc ối cho thai phụ thường được thực hiện khi thai nhi được 16-20 tuần.
Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt cần thiết, bác sĩ sẽ phải cho chọc hút ối ở những thời điểm khác ngoài 16-20 tuần để sớm có kết quả chính xác và kịp thời.
Những rủi ro có thể có khi chọc hút ối
Đúng là khi thực hiện kỹ thuật này, thai phụ sẽ phải đối mặt với một số rủi ro cho thai nhi. Theo thống kê của bệnh viện Phụ sản Trung ương (2007), thì các rủi ro có thể gặp trong quá trình chọc hút ối như sau:
– Không lấy được ối (0.36%)
– Phải thực hiện lấy ối 2 lần (2.51%)
– Nuôi cấy tế bào ối thất bại (5.38%)
– Sảy thai (0.36%)
Không ít thai phụ lo lắng khi thai nhi càng lớn thì việc chọc ối càng khó khăn, rủi ro đâm kim vào em bé cao hơn, ối bị nhiễm trùng… Thế nhưng, các bác sĩ sản khoa khuyên chị em nên yên tâm khi phải chọc hút ối. Bởi quá trình chọc ối sẽ được kết hợp với siêu âm giám sát trong thời gian thực hiện, do vậy không có nguy cơ kim đâm vào thai nhi. Các bác sĩ sẽ thực hiện việc này bằng các dụng cụ đảm bảo vệ sinh, an toàn y tế nên hoàn toàn không có nguy cơ bị nhiễm trùng ối hay rỉ ối về sau.
Nếu bác sĩ không phải chuyên khoa hoặc không có kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật chọc ối thì rủi ro chảy máu có thể xảy ra nếu kim tiêm đâm vào mạch máu của nhau thai. Còn về nguy cơ sảy thai thì chỉ là rất thấp – 1/1600 (Theo kết quả nghiên cứu mới của Hội Y khoa Mỹ). Để tránh nguy cơ sảy thai, thai phụ đã được bác sĩ kê cho thuốc uống chống co bóp tử cung để an toàn hơn.
Có thể thực hiện chọc ối ở viện nào?
Các bác sĩ chuyên khoa khuyên thai phụ sau khi làm thao tác chọc ối thì nên nghỉ ngơi theo yêu cầu của bác sĩ và tùy theo thể trạng của từng người. Thai phụ cũng cần uống thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, nên nghỉ ngơi 2-3 ngày để theo dõi thai. Sau vài ngày không thấy có hiện tượng bất thường gì thì thai phụ có thể yên tâm và chờ kết quả xét nghiệm ối sau khoảng 1-2 tuần.
Chị em có thể làm các xét nghiệm chọc dò ối ở các địa chỉ sau:
• Hà Nội: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Đê La Thành. Q. Ba Đình; Bệnh viện Phụ sản Trung ương, 43 Tràng Thi, Q. Hoàn Kiếm.
• TP. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, 284 Cống Quỳnh, Q.1; Bệnh viện Hùng Vương, 128 Hồng Bàng, P.12, Q.5.
Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276
Nguồn : bau.vn