Dự tính chi phí cho quá trình mang thai và sinh đẻ

Trong suốt thai kỳ và đến khi sinh con, mẹ bầu cần chuẩn bị sẵn về tài chính để chi trả cho những khoản như khám thai, mua sắm đồ đạc và đi sinh con.
Trong suốt thai kỳ và đến khi sinh con, mẹ bầu cần chuẩn bị sẵn về tài chính để chi trả cho những khoản như khám thai, mua sắm đồ đạc và đi sinh con.
 
1 Chi phí khám thai

Việc khám thai định kỳ là không thể thiếu trong suốt thời gian mang thai. Việc khám thai sẽ đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và em bé. Đồng thời chẩn đoán sớm những nguy cơ có thể xảy ra với thai nhi, để có biện pháp can thiệp kịp thời và đúng lúc. Trong thai kỳ, mẹ bầu cần khám thai tối thiểu 3 lần và thông thường là khoảng 7 đến trên 10 lần, tùy vào tình trạng riêng của từng người.

Chi phí khám thai thông thường không quá cao. Mẹ có thể tham khảo bảng giá khám thai tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội dưới đây:

+ Khám thai + đo tim thai bằng Doppler: 150.000 đồng

+ Siêu âm 2D: 150.000 đồng

+ Siêu âm 3D, 4D: 300.000 đồng

+ Làm hồ sơ quản lý thai: 50.000 đồng

+ Chạy monitor: 150.000 đồng

+ Bộ XN triple test (HCG, AFP, uE3) + tư vấn: 550.000 đồng

+ Xét nghiệm Double Test: 550.000 đồng

Nếu bạn có bảo hiểm, thì phần lớn chi phí khám thai định kỳ sẽ được bảo hiểm chi trả, số tiền bạn phải chi là rất nhỏ. Trong trường hợp bạn khám ngoài định kỳ, sử dụng gói khám dịch vụ, khám kỹ thuật cao… thì sẽ phải tự chi trả chi phí này.

Ngoài ra, với những bệnh viện ở tuyến dưới, chi phí khám thai sẽ ít hơn so với Bệnh viện phụ sản Hà Nội một chút.

Trong trường hợp có điều kiện kinh tế và muốn hưởng dịch vụ tốt hơn, bạn có thể chọn khám thai tại các phòng khám tư nhân. Giá khám thai và siêu âm tại các phòng khám này khá đắt đỏ, thường dao động từ 500.000 đến 800.000 cho một lần khám thai, gồm siêu âm và tiền thuốc.

Với xét nghiệp triple test và Double Test thì chi phí ở các cơ sở dịch vụ tư nhân dao động từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng, tùy cơ sở.

Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn các gói khám thai trọn gói dịch vụ tại các cơ sở y tế chất lượng cao. Tuy nhiên, chi phí rất đắt đỏ và bạn cần cân nhắc rất kỹ.

Chẳng hạn ở Bệnh viện Việt Pháp có cung cấp gói thai sản trọn gói với giá như sau:

– Đối với sinh một:

+ 38.548.000 đồng đối với sinh thường

+ 60.237.000 đồng đối với sinh mổ

–  Đối với sinh đôi:

+ 44.942.000 đồng đối với sinh thường

+ 63.733.000 đồng đối với sinh mổ.

Trong suốt thai kỳ bà bầu cần lưu ý lịch khám thai và tiêm phòng để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé nhé.

2 Chi phí mua sắm đồ cho bà bầu

Thông thường từ tháng thứ 3 hoặc thứ 4 trở đi, bụng của bà bầu đã bắt đầu nổi rõ, cân nặng tăng đáng kể nên những bộ đồ thông thường không thể mặc được nữa. Lúc này, bạn bắt buộc phải mua những bộ đồ chuyên dụng cho bà bầu để không làm ảnh hưởng đến thai nhi. Chi phí mua đồ bầu không được bất kỳ đơn vị nào chi trả, và bạn phải cân nhắc thật kỹ để phù hợp nhất với điều kiện kinh tế của gia đình. Tuy nhiên, tối thiểu bà bầu cần mua những đồ sau:

– Váy bầu hoặc quần áo bầu để đi làm: Tối thiểu 3 bộ

– Váy bầu hoặc quần áo bầu mặc ở nhà hoặc đi ngủ: Tối thiểu 3 bộ

– Áo khoác mùa đông cho bà bầu: 2 – 3 cái

– Tất chân (trong giai đoạn thời tiết lạnh): 3 – 5 đôi

– Khăn quàng cổ (trong giai đoạn thời tiết lạnh): 1 – 2 chiếc

– Đồ lót size rộng dành riêng cho bà bầu: 3 – 5 bộ

– Giày đế thấp: 1 – 2 đôi

Chi phí của những loại đồ này cũng rất phong phú, có thể dao động từ vài chục nghìn đến hơn 1 triệu đồng cho một món đồ. Để sắm đủ đồ tối thiểu cho mẹ bầu mặc trong suốt thai kỳ, chi phí vào khoảng 5 triệu đồng trở lên. Bạn nên căn cứ vào khả năng tài chính để mua sắm cho phù hợp. Do thời gian mang bầu chỉ kéo dài trong gần 1 năm, nên lời khuyên là mẹ bầu nên tiết chế việc mua sắm để tránh lãng phí. Ngoài ra, nếu bạn mang bầu lần đầu và có kế hoạch sinh con thứ 2 thì nên mua những món đồ có độ bền cao, để có thể dùng lại vào lần mang thai thứ 2. Như vậy, sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

3 Chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho bà bầu

Trong suốt thai kỳ, ngoài việc ăn uống hàng ngày, bà bầu vẫn cần được bồi dưỡng thêm bằng các loại vitamin và sữa bầu. Đây cũng là một khoảng chi phí không hề nhỏ và bạn cũng phải tự mình chi trả.

Với các loại vitamin có vitamin do Việt Nam sản xuất giá thành khá rẻ, khoảng vài chục nghìn 1 lọ (dùng trong khoảng 1 tháng). Vitamin nhập ngoại, giá thành đắt đỏ hơn rất nhiều, dao động từ 500.000 đồng đến khoảng vài triệu đồng.

Sữa bầu cũng rất phong phú, tùy từng hãng sẽ có những mức giá khác nhau. Tuy nhiên, sữa bầu thường dao động từ khoảng 300.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng.

Bà bầu cũng nên cân nhắc kỹ tình hình tài chính của gia đình để có sự lựa chọn phù hợp. Cũng nên tránh tư tưởng sính ngoại, sợ hàng nội mà mua sắm những món đồ bổ dưỡng quá đắt đỏ. Bởi nó có thể ảnh hưởng lớn tới tài chính của bạn và gây thiếu thốn trong giai đoạn sinh con và nuôi con.

4 Chi phí mua sắm đồ cho em bé

Đồ cho em bé là khoản chi phí lớn nhất mà bạn sẽ phải chi trả. Bởi nó gồm rất nhiều món đồ và mỗi thứ đều cần số lượng lớn. Do đó, trước khi sinh con, bạn hãy chuẩn bị tốt tài chính nhé. Đồ cho trẻ sơ sinh cần sắm những thứ cơ bản như sau:

– Tã quấn: 3 – 5 chiếc

– Khăn tã: 20 – 40 cái

– Quần áo sơ sinh: 10 – 15 bộ

– Bịt tay, bịt chân cho trẻ: 5 – 10 đôi

– Mũ trùm đầu: 2 – 3 chiếc

– Bỉm cho trẻ

– Khăn voan mỏng (dùng khi bé cần di chuyển): 1 – 2 cái

– Chăn, ga, đệm cho trẻ: 2 – 3 bộ (trẻ sơ sinh không nên dùng gối)

– Cũi cho bé: 1 chiếc (nếu không mua cũi có thể cho bé nằm cùng bố mẹ).

– Dầu gội, sữa tắm dành cho trẻ sơ sinh

– Băng rốn

– Gạc rơ lưỡi

– Nhiệt kế

– Chậu tắm cho bé

– Bình sữa cho bé

– Sữa công thức (đề phòng sữa mẹ không kịp về).

Ngoài ra, còn một số món đồ nhỏ khác, mẹ có thể tham khảo chi tiết Danh sách chuẩn bị đồ sơ sinh cho bé yêu chào đời.

Chi phí sắm đồ cho bé thường rất tốn kém, nhưng cũng đa dạng về giá cả. Có thể dao động từ 5 triệu đến vài chục triệu đồng. Ngoài ra, sau khi sinh bạn vẫn phải thường xuyên sắm đồ mới cho bé, bởi trẻ sơ sinh sẽ lớn rất nhanh.

5 Chi phí sinh con

Chi phí sinh con cũng là một khoản chi phí rất lớn, tuy nhiên, nếu mẹ bầu có bảo hiểm thì sẽ được giảm đi đáng kể. Bạn có thể tham khảo chi phí sinh con tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội:

+ Đẻ thường dịch vụ: 10.000.000  đồng

+ Để mổ theo yêu cầu: 11.000.000  đồng

+ Đẻ thường, mổ đẻ từ thai đôi trở lên: 17.000.000 đồng

+ Đẻ thường, đẻ mổ chủ động: 5.000.000 đồng (nếu có bảo hiểm, thì chi phí mà bạn phải tự chi trả chỉ khoảng 500.000 đồng đến 600.000 đồng).

+ Gây tê màng cứng: 2 triệu đồng

Nếu có bảo hiểm, bạn sẽ được chi trả trong trường hợp đẻ chủ động, không dịch vụ. Nếu chọn đẻ dịch vụ thì bạn phải tự mình chi trả. Ngoài ra, các dịch vụ thêm như gây tê màng cứng cũng không được bảo hiểm chi trả.

Các bệnh viện tuyến dưới tại địa phương, chi phí sinh con thường rẻ hơn một chút. Do đó, nếu thai kỳ hoàn toàn khỏe mạnh, bạn nên chọn sinh con tại những bệnh viện gần nhà, vừa thuận tiện lại tiết kiệm được một khoản tiền để lo cho con sau này.

Một số bệnh viện khác như Bệnh viện phụ sản Trung ương, cung cấp gói dịch vụ sinh trọn gói 12 triệu đồng bao gồm toàn bộ chi phí sinh con. Nếu có điều kiện kinh tế, bạn có thể gói này.

Ngoài ra, ở các bệnh viện chất lượng cao như Bệnh viện Việt Pháp, chi phí cho một ca sinh nở rất cao.  Chẳng hạn, gói trọn gói sinh nở có giá như sau:

– Đối với sinh một:

+ 31.326.000VNĐ đối với sinh thường

+ 53.659.000VNĐ đối với mổ đẻ

– Đối với sinh đôi:

+ 38.548.000VNĐ đối với sinh thường

+ 57.822.000VNĐ đối với mổ đẻ.

Như vậy, suốt từ khi mang thai đến lúc em bé ra đời, bạn có rất nhiều khoản tài chính phải chi. Số tiền cần bỏ ra không hề nhỏ, nếu tính tổng toàn bộ những chi phí này. Do đó, bạn cần có sự chuẩn bị thật tốt về khâu tài chính trước khi nghĩ đến việc mang thai nhé. Hãy để con bạn được ra đời trong sự chuẩn bị tốt và kỹ càng nhất.

Mẹ bầu hãy cân nhắc kỹ lưỡng về việc chọn lựa bệnh viện khi sinh con, để vừa đảm bảo an toàn, vừa thuận tiện và phù hợp nhất với điều kiện kinh tế của mình nhé.

Nguồn : bau.vn