6 cách đơn giản tăng cường khả năng miễn dịch cho trẻ

Trẻ em dưới 5 tuổi khả năng miễn dịch còn hạn chế nên hay bị bệnh tấn công.

Trẻ em dưới 5 tuổi khả năng miễn dịch còn hạn chế nên hay bị bệnh tấn công. Vì vậy, theo Tổ chức Y tế thế giới, phụ huynh cần nâng cao nhận thức về tiêm chủng và cách tăng cường khả năng miễn dịch cho trẻ nhằm ngăn ngừa những căn bệnh nguy hiểm.

1. Đừng bảo vệ trẻ quá mức

Việc bảo vệ trẻ quá mức của những bậc phụ huynh sống ở khu vực đô thị đang là một trong những nguyên nhân chính làm suy yếu khả năng miễn dịch của trẻ.

Là cha mẹ, bạn nên hiểu rõ rằng việc trẻ vui chơi ở ngoài trời, tiếp xúc với bụi bẩn hay bị cảm, cúm sẽ có ích cho quá trình rèn luyện khả năng miễn dịch của trẻ, giúp cơ thể của chúng đủ khả năng nhận diện và đối phó với những mầm bệnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tâm lý thường gặp của các bậc phụ huynh là không muốn con mình tiếp xúc và bị lây nhiễm vi khuẩn hay bụi bẩn từ mọi thứ hiện diện xung quanh chúng. Vì vậy, để bảo vệ trẻ khỏi bị nhiễm khuẩn, cha mẹ vô tình đã đóng vai trò như là một phần trong quá trình “hủy hoại” khả năng miễn dịch của con bằng việc bao bọc chúng quá kỹ và không để trẻ được tiếp xúc với môi trường bên ngoài.

Do đó, nếu con bạn có bị sốt hay ho, hãy hiểu rằng đó là một quá trình tự nhiên của cơ thể. Đừng hành động thái quá hoặc làm những điều quá mức trừ khi chúng thật sự cần thiết.

Việc để trẻ đi ra bên ngoài và đối mặt với thử thách cũng là một trong những kỹ năng quan trọng trong quá trình phát triển của chúng. Nếu bạn cứ giữ rịt lấy con trong môi trường sạch sẽ và được nuông chiều, trẻ sẽ quen dần và trở nên thích những thói quen trong nhà, liên tục xem ti vi, chơi trò chơi điện tử hay sử dụng điện thoại thông minh (smartphone)… vốn không có lợi cho sức khỏe và sự phát triển của chúng cả về thể chất lẫn tinh thần.

Hãy giúp trẻ lớn lên theo cách dạy cho chúng đối mặt với những tình huống của riêng chúng.

2. Đảm bảo rằng bạn đã tiêm chủng đầy đủ cho con

Một trong những biện pháp hữu hiệu để các bậc phụ huynh có thể nâng cao khả năng đề kháng cho con mình đó là chú ý tuân thủ lịch tiêm chủng cho trẻ và giảm bao bọc con quá mức để tạo điều kiện cho hệ miễn dịch của trẻ phát triển mạnh dần lên. Vì nếu không được “thử thách”, hệ miễn dịch của trẻ sẽ không phát triển được những kháng thể phòng bệnh và dễ bị “thua” trong cuộc chiến đấu chống lại các loại dịch bệnh.

Các bậc cha mẹ nên tin tưởng vào sự tư vấn của bác sĩ. Việc bỏ qua một loại vắc-xin hay một mũi tiêm nào đó, hoặc chọn loại vắc-xin mà bạn thích thường không phải là một ý kiến hay. Quá trình tiêm chủng sẽ bắt đầu ngay từ khi trẻ sinh ra để ngăn ngừa bất kỳ sự nhiễm khuẩn nào mà trẻ có thể gặp phải trong tương lai.

3. Không cho trẻ dùng quá nhiều kháng sinh

Quần thể vi sinh vật cư trú trong đường ruột bao gồm cả vi khuẩn có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các phản ứng miễn dịch của cơ thể, đặc biệt là trong giai đoạn những năm đầu đời. Một đứa trẻ sẽ bắt đầu tiếp nhận các vi khuẩn có lợi ngay từ quá trình thụ thai, từ cơ thể của người mẹ và từ môi trường sống xung quanh.

Nếu những lợi khuẩn này bị loại bỏ khỏi đường ruột do sử dụng thuốc kháng sinh có liều lượng không thích hợp, khả năng và phản ứng miễn dịch sẽ bị ảnh hưởng. Các bậc phụ huynh nên nhận thức rõ về sự thật này và tránh tự ý cho trẻ sử dụng kháng sinh, nhất là khi trẻ mắc những căn bệnh nhẹ như cảm lạnh, tiêu chảy….

4. Giúp trẻ duy trì một lối sống lành mạnh

Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhất đối với việc tăng cường khả năng phòng vệ của cơ thể và là cách tốt nhất để giữ cho hệ miễn dịch của trẻ luôn khỏe mạnh. Chức năng hoạt động của hệ thống miễn dịch sẽ đạt hiệu quả tốt hơn khi chúng được bảo vệ khỏi sự tấn công từ môi trường bên ngoài bằng những thói quen sống lành mạnh như:

–    Tránh tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá và không khí ô nhiễm.

–    Khuyến khích trẻ tham gia nhiều vào những trò chơi ngoài trời, các hoạt động giúp vận động cơ thể và tập thể dục thường xuyên.

–    Đảm bảo trẻ được ngủ đủ giấc và duy trì thói quen ngủ nghỉ đúng giờ.

–    Hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn bằng cách cho trẻ rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, duy trì những thói quen vệ sinh cơ bản.

–    Tiêm chủng theo đúng lịch dành cho từng độ tuổi của trẻ.

–    Đảm bảo rằng trẻ có cân nặng phù hợp với tuổi bằng cách hạn chế những loại thức ăn vặt giàu calo như bánh pizza, hamburger, nước ép trái cây đóng hộp, thức uống có gas…

–    Cung cấp cho trẻ những bữa ăn giàu vitamin và các loại vi chất dinh dưỡng bằng các khuyến khích trẻ ăn nhiều trái cây, rau xanh và lương thực thô.

5. Đảm bảo rằng trẻ được cung cấp đầy đủ những chất dinh dưỡng dưới đây

•  Vitamin A đóng vai trò thiết yếu trong việc ngăn ngừa nhiễm khuẩn và duy trì sức khỏe cho các bề mặt niêm mạc. Sự thiếu hụt vitamin này thường có liên quan đến tình trạng suy yếu khả năng miễn dịch và làm tăng nguy cơ mắc phải những căn bệnh viêm nhiễm.

•  Vitamin D được sản xuất khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Chúng hoạt động như một loại thuốc chống vi trùng tác động đến những vi khuẩn gây bệnh lao. Loại vitamin này còn có ích cho sự phát triển của xương và cần được bổ sung cho trẻ ngay từ khi mới sinh ra.

•  Kẽm là một nguyên tố vi lượng có vai trò thiết yếu cho các tế bào của hệ thống miễn dịch. Thiếu hụt kẽm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các tế bào T và những tế bào miễn dịch khác, cũng như chức năng của hệ miễn dịch.

•  Probiotic là những lợi khuẩn như Lactobacillus và Bifidobaterium vốn trú ngụ 1 cách an toàn trong đường tiêu hóa. Chúng hoạt động như các vi sinh vật bình thường có trong ruột và ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn (trong những phạm vi nhất định) và giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi sau khi mắc bệnh tiêu chảy.

Bổ sung probiotic là cách cung cấp thêm lợi khuẩn cho cơ thể sau khi chúng đã bị “tiêu diệt” lúc trẻ sử dụng kháng sinh. Có rất nhiều loại thức ăn, đồ uống và những loại thuốc bổ sung probiotic, nhưng chỉ có một số loại đã được chứng minh là có lợi cho đường ruột.

Do vậy, bạn nên lựa chọn cẩn thận những sản phẩm có chứa probiotic.

6. Nhận biết các dấu hiệu khi trẻ mắc bệnh

Là cha mẹ, bạn cần nắm rõ những dấu hiệu và triệu chứng của những căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, cũng như những biểu hiện thường thấy khi con bạn bị bệnh.

Phòng ngừa luôn tốt hơn chữa trị. Thế nên, thay vì để trẻ đối mặt với nguy cơ bị nhiễm khuẩn trong khi những căn bệnh đó có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin, sử dụng kháng sinh thích hợp và duy trì một lối sống lành mạnh cho trẻ, đúng không nào?

Nguồn : bau.vn