Mụ dạy

(bau.vn): Bé cười thành tiếng, khóc mếu, chớp mắt hay chóp chép miệng trong khi vẫn đang ngủ rất say. Suỵt…! Đừng làm bé giật mình nhé. Mụ đang dạy bé đấy!

Người ta tin rằng trên thế gian này có mười hai bà Mụ chuyên đi “nặn” trẻ con từ bột. Nhà nào đang mong con trai mà sinh được con gái thì lại đùa nhau rằng: “Bà mụ đang nặn đến chỗ ấy thì thiếu bột. Thế là, bà vo tròn cục bột lại và vỗ đánh bẹt một cái là ra con gái”. Còn nhà nào mong con gái mà sinh ra con trai thì lại bảo: “Bà mụ thừa bột thế là nặn luôn ra một “quả ớt” đặt vào chỗ đó cho đỡ phí”.


Trong quan niệm của người Việt, mỗi em bé sinh ra đều được mười hai bà Mụ nâng niu, bao bọc, dạy bảo. Đặc biệt, các bà Mụ chỉ dạy bé trong giấc ngủ. Bà này thì dạy bé biết khóc, bà kia thì dạy bé biết cười, có bà thì dạy bé nhăn trán, bà lại dạy bé chớp mắt,… Vậy nên, mỗi khi thấy em bé có những biểu hiện ngộ nghĩnh trong khi ngủ, người lớn thường thì thầm với nhau: “Mụ dạy bé đấy”. Mọi người còn bảo, các bà Mụ không những có công “nặn” ra em bé, dạy dỗ bé trong những tháng đầu đời mà còn luôn che chở cho bé khỏi những tai nạn. Chả thế mà nhiều em bé bị ngã rất đau, thậm chí thâm tím mình mẩy nhưng sau đó lại ăn ngoan, không khóc, người lớn bảo nhau: “Nhờ có Mụ đỡ đấy!”.


Mọi người còn cho rằng các bà Mụ luôn theo sát bên bé. Các bà Mụ ấy còn rất hay tự ái và hay thích làm ngược lại những gì mọi người nói. Chẳng hạn, người lớn đang quây quần bên em bé mới sinh và kể chuyện râm ran về bé, bỗng nhiên, bé nức nở khóc, mọi người lại bảo: “Không, không được nói xấu con nữa. Mụ không bằng lòng đâu”. Hoặc khi bạn muốn khen bé thì câu cửa miệng phải là “trộm vía”. Người ta quan niệm rằng nếu khen bé thì Mụ sẽ làm ngược lại với câu khen đó và nhất thiết khi khen thì phải nói trộm, nói sau lưng Mụ thôi.


Người lớn cẩn thận lắm. Khi đón bé từ bệnh viện về hay cho bé đi chơi đâu đó, người lớn luôn cầm theo một con dao nhỏ và thủ thỉ nói chuyện với bé, “rủ” bé về nhà mình. Họ làm vậy bởi tin rằng Mụ rất hay giận dỗi. Nếu không “rủ” bé thì Mụ sẽ mặc cho bé rong chơi trên đường mà không đưa bé về nhà ngay.


\"\" 
Thú vị biết bao khi ngắm con khóc thút thít hay cười thành tiếng trong giấc ngủ


Một người khách đến nhà chơi với em bé mới sinh. Người khách đó mà lỡ lời hoặc không hiểu biết chê tên bé không hay chẳng hạn. Lập tức gia chủ sẽ lên tiếng ngay rằng: “Bác không được nói thế, trên đầu cháu có Mụ, có Mẹ đấy! Bác nói thế cháu tủi thân lắm!”. Chẳng biết có phải vậy không nhưng chắc hẳn người khách kia sẽ thấy rất ân hận vì câu trách nhẹ của gia chủ.


Người lớn đồn nhau rằng các bà Mụ khó tính lắm. Người khách nào “vía độc” đến chơi, đụng vào người bé là Mụ làm cho bé khóc ngay, không dỗ được. Người lớn lại phải hơ dao cùn, vụt roi dâu và đốt vía người khách đó thì bé mới nín. Lại có những người vô tâm vừa đi đám hiếu về đã chạy sang chơi với bé ngay khiến các bà Mụ phẫn nộ. Mụ làm cho bé bị “lạnh”, bị “đẹn”,… khiến người lớn lại phải đốt vía, gọi tên người khách vô tâm đó mới mong bé nín.


Từ bao đời nay, người ta vẫn lý giải chuyện về các em bé bằng những câu như: “Mụ dạy đấy”, “Mụ không vừa ý đâu”, “Mụ đỡ cho đấy”,… Người lớn thừa hiểu Mụ không hề có thật. Mụ chỉ là nhân vật để họ gửi gắm mơ ước về sự bình yên cho những em bé vừa mới chào đời. Bạn sẽ cảm thấy thú vị biết bao khi được ngắm con khóc thút thít hay cười thành tiếng trong giấc ngủ. Suỵt! đừng làm con yêu giật mình nhé. Mụ đang dạy bé đấy!


Diệu Thu


 


 



 

Nguồn : bau.vn