Hẹp bao quy đầu gây ung thư dương vật

(Dân trí) - PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc bệnh viện K Trung Ương cho biết: “90% số ca UTDV bắt nguồn từ hẹp bao quy đầu, còn lại là do các khối u lành tính khác của dương vật (u mạch máu), các bệnh lây qua đường tình dục khác (giang mai, sùi mào gà)”.

“Vài năm trước, khi thấy nốt sùi xuất hiện ở “chỗ ấy” tôi tưởng bị viêm nhiễm thông thường nên tự mua thuốc về bôi, không thấy đỡ tôi lại chuyển sang tiêm kháng sinh. Thuốc men mãi chẳng khỏi, các vết sùi, loét còn mọc nhiều hơn (từng chùm như hình hoa lơ) và còn rỉ máu nữa. Mỗi lần đi tiểu rất buốt, tôi không thể quan hệ với vợ được.
Tâm lý ngại đi khám “chỗ ấy” nên tôi chần chừ mãi, đến lúc không thể chịu được nữa, buộc phải đến viện thì… bệnh của tôi đã ở giai đoạn 3 (giai đoạn muộn). Bác sĩ kết luận tôi bị UTDV do hẹp bao quy đầu và phải phẫu thuật cắt bỏ 1/3 dương vật, nạo vét toàn bộ hạch hai bên bẹn”, ông Nguyễn Văn Anh (50 tuổi, Gia Lâm – Hà Nội) nói.
 
Một trong 10 bệnh thường gặp
Ung thư dương vật là một trong 10 bệnh hay gặp nhất hiện nay, chiếm 6 – 8% tổng số các bệnh ung thư. Bệnh hiếm gặp ở các nước phát triển nhưng gặp nhiều ở các nước chậm phát triển và đang phát triển. Ung thư dương vật xuất hiện ở nhiều lứa tuổi, nhưng chủ yếu ở tuổi trung niên (40 – 60 tuổi). Bệnh dễ phát hiện và chẩn đoán, việc điều trị cũng không quá khó khăn. Tuy nhiên, do tâm lý còn ngần ngại nên nhiều người đến viện muộn (khi đã có các biến chứng: tắc đường niệu đạo, lở loét, đau đớn, nhiễm khuẩn tại vùng hạch di căn, chảy máu…), dẫn đến kết quả điều trị chưa như mong muốn. 
 


Cũng theo PGS. TS Nguyễn Văn Hiếu: “Ung thư dương vật là bệnh tiến triển chậm, có tỷ lệ sống cao. Nếu được điều trị sớm thì không những bảo tồn được (dương vật) mà còn đảm bảo chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu bệnh nhân chưa có di căn hạch thì tỷ lệ sống thêm sau 5 năm là rất lớn. Nhưng khi đã di căn thì tính mạng người bệnh bị đe dọa. Vì vậy việc chẩn đoán và điều trị sớm vô cùng quan trọng”.    


Phòng ngừa bệnh không khó
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu, việc phòng ngừa ung thư dương vật rất đơn giản nếu cha mẹ trẻ và người trưởng thành (bị hẹp bao quy đầu) thực hiện các cách sau:
Cha mẹ cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục cho trẻ, cần quan sát kỹ khi thấy dấu hiệu bất thường. Khi tắm, bố mẹ nên rửa và lộn bao quy đầu cho con. Nếu thấy khó lộn hoặc bao quy đầu bị dính, nên đi khám sớm ở các cơ sở chuyên khoa. Việc xử lý hẹp bao quy đầu rất đơn giản, chỉ cần cắt chỗ chít hẹp ở quy đầu (thủ thuật này có thể thực hiện trong vòng 30 phút).
Việc xử lý hẹp bao quy đầu cần thực hiện càng sớm càng tốt (tốt nhất từ 1- 2 tuổi) và muộn nhất là trước tuổi dậy thì (trước 9 tuổi). Nếu để đến tuổi trưởng thành mới can thiệp, bao quy đầu sẽ khó bóc tách hết. Khi đó, dương vật đã có viêm mãn tính biến đổi thành tiền ung thư hoặc ung thư.
Qua đây, bác sĩ khuyến cáo: “Cần giữ vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục và áp dụng các bịên pháp quan hệ tình dục an toàn, đặc biệt với những người có nguy cơ mang mầm bệnh HPV cao. Nếu thấy xuất hiện những nốt mụn nhỏ, vết sùi như những chùm hoa lơ lồi lên (đôi khi vết loét ở giữa rãnh quy đầu) và mầu sắc dương vật thay đổi cần đi khám ngay để được điều trị triệt để”.


Thu Hà

Nguồn : bau.vn