Mang thai ngôi mông cần phải làm gì?

Ngôi mông hay ngôi ngược là một ngôi đầu thai nằm ở trên, mông ở dưới, nghĩa là khi đẻ mông của bé ra trước.

 

  Ngôi mông có khả năng đẻ theo đường dưới nhưng dễ mắc đầu hậu, vì vậy một số tác giả coi như là một ngôi đẻ khó.

Có hai loại ngôi mông:

 –  Ngôi mông hoàn toàn hay ngôi mông đủ (là ngôi thai gồm đủ cả mông và hai chân gập lại )

 –  Ngôi mông không hoàn toàn hay ngôi mông thiếu thường gặp loại ngôi mông thiếu kiểu mông  (hai chân vắt ngược lên đầu), ngôi mông thiếu kiểu chân (chân đưa xuống dưới, mông nằm cao) và hiếm gặp hơn là ngôi mông thiếu kiểu đầu gối (thai quỳ gối trong tử cung).

Nguyên nhân

  Hiện nay người ta chưa trả lời chính xác được nguyên nhân gì dẫn tới hiện tượng thai nằm ngược. Tuy nhiên không kể ngôi mông vì non tháng, tất cả ngôi mông thai đủ tháng có những nguyên nhân làm cho thai không bình chỉnh tốt là những nguyên nhân do mẹ; do thai; do bánh rau, dây rốn và nước ối còn gọi là phần phụ của thai.

 –  Do mẹ: có một số yếu tố ảnh hưởng đến vị trí thai trong bụng mẹ như: dạ con (tử cung) kém phát triển hoặc có những khuyết tật như có hai tử cung , hình dạng tử cung có hình tim (tử cung hai sừng), trong buồng tử cung có vách ngăn; u xơ tử cung, u nang buồng trứng chèn vào đáy tử cung cản trở sự quay của thai nhi thành ngôi thuận. Con rạ đẻ nhiều lần cơ tử cung nhão, cơn co tử cung yếu thai không bình chỉnh với tử cung hoặc xương chậu của thai phụ hẹp hơn bình thường…..

 –  Do thai: có thể đầu to như não úng thủy hoặc sinh đôi có một ngôi đầu và một ngôi mông hay hai ngôi mông.

–   Do phần phụ của thai: bánh rau bám ở dưới (rau tiền đạo), dây rau quá ngắn hoặc dây rau quấn cổ, mang thai  có quá nhiều nước ối (đa ối) hoặc quá ít nước ối (thiểu ối).

  Ngôi mông chiếm tỷ lệ khoảng 3 – 4% trong tổng số đẻ các ngôi. Ngôi mông ít hơn ngôi chỏm nhưng nhiều hơn ngôi mặt và ngôi ngang. So sánh giữa các thời kỳ có thai, tỷ lệ ngôi mông càng gần đủ tháng càng giảm. Theo tài liệu của Pháp có 40% các trường hợp ngôi mông là đẻ non vì lúc này đầu thai nhi chưa quay xuống dưới. Trong số đẻ non, tỷ lệ đẻ ngôi mông cao hơn ba lần so với tỷ lệ đẻ ngôi mông trong số thai đủ tháng.Trước tuần tuổi thai thứ 28 theo quy luật Pajot thì lúc này thai có đầu to, mông nhỏ, thai nằm ngược trong tử cung thì vẫn còn khả năng thai sẽ thuận. Vì thế các bác sĩ không can thiệp gì. Trong vòng 2-3 tuần sau đó thai nhi sẽ tự động xoay chiều, và đây là quá trình tự động ở 30% phụ nữ sinh con so và khoảng 70% phụ nữ sinh con dạ. Trong những tháng cuối, đầu thai nhi  nhỏ hơn mông thai nhi, thai nhi sẽ bình chỉnh theo hình thể và dung tích của tử cung, trên to dưới nhỏ cho nên đầu ở dưới và mông ở trên. Vì vậy  ngôi ngược đã biến thành ngôi đầu trong những tháng cuối của thời kỳ có thai. Cụ thể là khi thai chưa đủ tháng, đẻ non thì có 4 ngôi ngược trong 30 người đẻ. Nhưng đến khi đủ tháng, chỉ còn 1 ngôi ngược trong 60 người đẻ.

   Thường thì nếu sang tới tuần 34-36 mà thai vẫn chưa thuận, đa số thai phụ sẽ sinh con trong trạng thái thai ngược. Nếu không có những biểu hiện thai sẽ thuận, các bác sĩ sẽ quyết định cho thai phụ đẻ ở bệnh viện nào và việc đỡ đẻ sẽ tiến hành ra sao vì ngôi mông là một ngôi đẻ khó.

  Triệu chứng thai phụ thường thấy thai đạp ở vùng dưới rốn, đau tức một bên dưới sườn, thường là dưới sườn phải, vì đầu thai nhi đè vào vùng gan.

   Ngôi mông cần được chẩn đoán xác định từ tháng thứ 8  dựa vào hỏi thai phụ, thăm khám và siêu âm để có tiên lượng cho cuộc đẻ sau này. Trước đó, còn nằm ngược cũng ít có giá trị tiên lượng vì lúc ấy có thể thai còn ngược do chưa bình chỉnh xong

  Những nguy cơ và yếu tố tiên lượng trong ngôi mông:

  – Những nguy cơ của ngôi mông: Khi đẻ đường dưới đối với ngôi mông có thể có những nguy cơ sau: tử vong chu sinh cao do đẻ non và tỷ lệ thai dị dạng cao; suy thai, ngạt thai; mắc đầu hậu, chấn thương sản khoa thường là những nguy cơ rất nghiêm trọng cho trẻ, các tổn thương thường gặp là: chảy máu não, màng não, tổn thương thần kinh và xương…

  –  Các yếu tố tiên lượng nguy cơ: Tương lai việc “vượt cạn” của các bà mẹ mang thai ngôi mông theo cách nào để được bác sĩ quyết định tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

 Những yếu tố  được xem xét tới như:

 + Về phía người mẹ: tuổi của thai phụ; những đặc điểm của khung chậu – bộ phận sinh dục của thai phụ ; cơn co tử cung; có sẹo mổ ở tử cung cũ; các vấn đề liên quan tới những cơ quan khác như hệ thống tim mạch, hệ thống hô hấp hoặc nội tiết (như các bệnh tiền sản giật, tim bẩm sinh, hen phế quản hay tiểu đường)…   

 + Về phía thai nhi: trọng lượng ước tính của thai nhi, lý tưởng nhất là thai có trọng lượng từ 2500g tới 3200 g, đầu cúi tốt, thai phát triển bình thường, lượng nước ối bình thường…. thì có thể theo dõi đẻ theo đường âm đạo Nếu thai nhi được dự đoán sẽ có trọng lượng từ trên 3000g đối với con so và từ 3200g trở lên đối với người con rạ, đầu thai nhi ngửa, thai suy,  …..các bác sĩ thiên về phương pháp mổ đẻ.

 + Về phần phụ của thai tùy thuộc vào vị trí rau bám, số lượng nước ối nhiều hay ít, dây rau có ngắn và có quấn cổ hay không ?

Tóm lại, ngôi mông là một ngôi có thể đẻ theo đường dưới nhưng không nên coi như những ngôi có thể đẻ thường. Để đề phòng đẻ non: ngôi mông có tuổi thai trước 37 tuần, thai phụ nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, lao động nhẹ nhàng, tránh viêm nhiễm đường sinh dục gây vỡ ối non, vỡ ối sớm, chống táo bón….. Thai phụ được đăng ký quản lý thai nghén tốt, khám thai định kỳ để phát hiện sớm ngôi ngược. Người thầy thuốc  phải tư vấn và chăm sóc tốt cho thai phụ, thăm khám tỷ mỹ, theo dõi sát sao và đánh giá một cách toàn diện để tiên lượng  cho thai phụ có ngôi mông phải mổ hay đẻ theo đường dưới nhằm bảo đảm an toàn cho mẹ và con                                                                                          

  TS, BS Phạm Thị Hoa Hồng

 

   

Nguồn : bau.vn