Trước sự đe dọa của hóa chất, không chỉ thức ăn mà quần áo cũng đang nằm trong danh sách những sản phẩm không an toàn đối với sức khỏe người sử dụng, đặc biệt là loại quần áo được “tuồn” về từ những nguồn chưa được kiểm định. Phong tỏa hay khoanh vùng “cấm” dường như là việc làm bất khả thi đối với thị trường “mặc” đang phát triển ngùn ngụt như hiện nay. Nếu chấp nhận sống chung với “lũ”, con người sẽ phải đối phó với nó ra sao?
Ảnh minh họa
Thời gian qua, hàng loạt quần áo và giày dép dành cho người lớn và cả trẻ em của nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới bị phát hiện có chứa hóa chất độc hại theo báo cáo công bố của Tổ chức Hòa bình xanh. Điều đó lại càng khiến người tiêu dùng hoang mang. Nếu như trước kia, việc lựa chọn những sản phẩm có thương hiệu uy tín được cho là cách tiêu dùng thông minh thì ngày nay người ta không biết gửi niềm tin vào đâu nữa, nói gì đến chuyện mua phải quần áo bị “bắn” mác giả. Quá phẫn nộ trước việc coi thường sức khỏe người tiêu dùng, một thành viên của Tổ chức Hòa bình xanh đã từng hóa trang thành một công nhân may mặc đang may quần áo có chứa hóa chất độc hại trong một buổi biểu tình phản đối quần áo có chứa độc chất tại Hungary.
Càng tìm hiểu về tác hại của hóa chất ẩn trong quần áo, người tiêu dùng càng “bấn loạn”. Các chuyên gia của Hòa bình xanh cho biết, một nửa số mẫu quần áo được phân tích có chứa NPE – hợp chất gây rối loạn hormon, 90% số mẫu dương tính với antimon – chất được dùng trong công nghệ sản xuất đạn dược có độc tính gần giống thạch tín và có khả năng gây ung thư. Ngoài ra, chất phthalate gây giảm lượng tinh trùng, vô sinh ở nữ giới và dị dạng cơ quan sinh sản hiện diện với nồng độ cao trong 2 mẫu. Chưa hết, một mẫu được phát hiện chứa PFC, một nhóm hợp chất được cho là gây tổn hại hệ nội tiết. Các chất trên chủ yếu được dùng trong các công đoạn nhuộm, in hình trang trí và tẩy… Đáng lo ngại là những mẫu quần áo “không sạch” trên đang tấn công mạnh mẽ thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Đến nay, người ta chưa có biện pháp nào để ngăn chặn dây chuyền sản xuất quần áo “bẩn”, người tiêu dùng chỉ có một vài biện pháp “yếu đuối” để hạn chế “rước” chất độc vào người bằng cách nói không với quần áo sặc sỡ, in nhiều màu, nhưng quần áo sáng màu không có nghĩa là chúng hoàn toàn “sạch”.
Đóng vai trò định hướng phong cách ăn mặc cho người tiêu dùng, các nhà thiết kế thời trang hiện nay sẽ có thêm một nhiệm vụ mới: nghiên cứu trang phục “xanh và sạch” để đối phó với loại quần áo không an toàn. Những ai quan tâm đến hoạt động của ngành thời trang Việt thì có lẽ đã biết đến chương trình Ecomia Fashion Show, diễn ra tại Sum Villa cách đây chưa lâu, lấy cảm hứng từ chất liệu vải tự nhiên và công nghệ nhuộm từ lá cây, cùng với nét đẹp đặc trưng trong văn hóa Việt, các nhà thiết kế và khán giả đã có một bữa tiệc “thời trang xanh” trong những ngày đầu hè mát dịu.
Về với “công nghệ” dân gian
Thật ra lâu nay, ngành công nghiệp thời trang đã rất quan tâm đến những chất liệu vải dệt nhuộm tự nhiên, thân thiện với môi trường và tốt cho sức khỏe con người như vải làm từ tre hoặc nhuộm từ lá cây… Còn tại Việt Nam, nơi vải nhuộm từ củ nâu, hoa hiên, cánh kiến… đã phổ biến từ xa xưa, nhưng trong cuộc sống hiện đại đã bị thất truyền nhiều phần bởi con người mải công nghiệp hóa. Hơn nữa, vải nhuộm công nghiệp bằng hóa chất chẳng những có tác động tiêu cực tới sức khỏe người mặc mà còn ảnh hưởng rất lớn tới môi trường sống. Xuất phát từ thực tế trên, PGS.TS. Hoàng Thị Lĩnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Dệt may và Thời trang – Trường đại học Bách khoa Hà Nội đã đưa ra ý tưởng nhuộm vải từ các nguyên liệu tự nhiên như rau, củ, quả và lá cây. Trong lúc vải nhuộm công nghiệp đang lên ngôi, Ecomia Fashion Show đánh dấu sự trở lại của màu sắc thiên nhiên truyền thống, thân thiện và an toàn với con người.
Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng chú trọng hơn đến các yếu tố chất lượng và tác động của sản phẩm may mặc tới sức khỏe, thời trang sinh thái hứa hẹn trở thành xu hướng trong thời gian tới, đem đến làn gió “tươi mới” và an toàn cho làng thời trang trong nước. Thay vì phải “ăn độc, mặc hại”, con người sẽ nỗ lực tìm lại quyền được “ăn ngon, mặc đẹp” theo đúng nghĩa của nó.
Ngọc Hà (Theo Linh Phương)
Nguồn:https://suckhoedoisong.vn/thoi-trang-sinh-thai-ngon-gio-sach-mat-lanh-n75984.html
Nguồn : bau.vn