Trẻ em tiêu thụ nhiều mỳ ăn liền bị suy dinh dưỡng
Mới đây, vào ngày 15/10 vừa qua, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đã công bố thông tin chứng minh tình trạng hiện nay, hàng triệu trẻ em ở Đông Nam Á đang bị suy dinh dưỡng vì lạm dụng mì ăn liền. Trong danh sách, 3 cái tên đứng đầu được nhắc đến chính là Philippines, Indonesia và Malaysia. Cụ thể, ở 3 nước này có tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng trung bình là 40%, cao hơn mức trung bình toàn cầu khoảng hơn 33%. Trong đó tại Indonesia, quy mô của tình trạng thiếu dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 24,4 triệu. Tại Philippines con số trẻ bị suy dinh dưỡng là 11 triệu và 2,6 triệu trẻ Malaysia mắc tình trạng này.
Thông tin từ Hiệp hội mì ăn liền thế giới, trong năm 2018 Indonesia về chức “á quân” trong bảng xếp hạng quốc gia ăn nhiều mỳ gói nhất thế giới. Theo đó, người dân ở nước này đã tiêu thụ khoảng 12,5 tỉ gói mì – vượt qua tổng lượng tiêu thụ mì gói của cả Nhật Bản và Ấn Độ cộng lại – chỉ xếp sau đất nước tỉ dân Trung Quốc mà thôi. Trước tình trạng này, UNICEF cũng khuyến cáo, để nhường chỗ cho những bát mì gói trong bữa ăn hàng ngày, những thực phẩm giàu dinh dưỡng như trái cây, rau củ, sữa, cá, trứng và thịt đang dần biến mất trong các thực đơn. Bối cảnh người dân nông thôn đổ xô về thành thị để tìm kiếm việc làm, thời gian hạn hẹp càng khiến tình trạng này gia tăng.
Sớm hay muộn, nếu cứ kéo dài thì Việt Nam cũng rơi vào tình cảnh giống như các nước ở trên
Trong danh sách các nước lạm dụng mì ăn liền, dù Việt Nam không có tên trong số đó nhưng không có nghĩa là người Việt, đặc biệt là trẻ em tiêu thụ ít mì ăn liền. Các chuyên gia khuyến cáo, trong thời đại kinh tế phát triển, đời sống ngày càng bận rộn khiến cha mẹ không có nhiều thời gian chăm lo cũng như chú ý đến con cái dễ khiến trẻ lạm dụng các sản phẩm ăn liền. Sớm hay muộn, nếu cứ kéo dài thì Việt Nam cũng rơi vào tình cảnh giống như các nước ở trên.
Chia sẻ về vấn đề này, TS.Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam cho biết: Thông thường, thành phần của mì tôm chỉ gồm bột mì hoặc bột đường, muối ăn, dầu chiên, bột ngọt, ớt, tỏi, hành và rau củ sấy khô… tuyệt nhiên không hề có bóng dáng của loạt vi chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Do đó, dù vô cùng tiện lợi nhưng mì tôm không có đủ chất dinh dưỡng. Nếu cứ lạm dụng và dùng mì tôm thay cho các bữa ăn chính sẽ khiến tất cả mọi người (đặc biệt là trẻ nhỏ) bị thiếu chất, thiếu dinh dưỡng và suy dinh dưỡng ở trẻ.
Nếu cứ lạm dụng và dùng mì tôm thay cho các bữa ăn chính sẽ khiến tất cả mọi người (đặc biệt là trẻ nhỏ) bị thiếu chất, thiếu dinh dưỡng và suy dinh dưỡng ở trẻ
Bên cạnh đó, vì là sản phẩm công nghiệp nên mì tôm chứa vô vàn các chất phụ gia, trong đó phải kể đến muối. Thông thường, mì tôm rất mặn, khi trẻ ăn vào về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tạo cho trẻ thói quen không tốt. Ăn mặn quá sớm khiến trẻ có thói quen ăn mặn, sau này có thể gây ra nhiều bệnh tim mạch nguy hiểm. Ngoài muối, mì tôm còn chứa một lượng chất béo chuyển hóa. Chất béo chuyển hóa thường xuất hiện trong mì tôm, đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, bánh quy… và được nhiều chuyên gia khuyến cáo là chất béo có hại.
Do đó, TS Từ Ngữ khẳng định: “Mì ăn liền không bao giờ đầy đủ cũng như cân bằng các chất dinh dưỡng. Trẻ em nếu ăn nhiều chắc chắn sẽ bị suy dinh dưỡng”. Mì tôm chủ yếu là mì và gói làm mặn, bao gồm hương vị tôm hoặc thịt, kèm theo bột ngọt và muối. Trong khi đó, một chế độ ăn uống lành mạnh là phải tuân thủ nguyên tắc ăn uống hợp lý, tức là phải ăn đủ bốn nhóm chất (bột đường, đạm, vitamin và khoáng chất). Với thành phần chính là bột lúa mì, mì ăn liền được xếp vào nhóm cung cấp chất bột đường giống như cơm, phở, bánh mì, khoai, sắn, bún, miến… Nếu cứ lạm dụng, ăn mãi thực phẩm này, chúng ta tự nhiên sẽ bị thiếu hụt các nhóm chất còn lại.
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng và tiết chế lâm sàng, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, ông cũng khuyến cáo mì ăn liền là thực phẩm chế biến sẵn. Chúng chẳng có chất dinh dưỡng gì ngoài việc có chứa nhiều muối, đường và chất béo, đều không tốt cho sức khỏe. Dù mì ăn liền là đồ ăn tiện lợi, nhanh gọn nhưng TS Từ Ngữ cho rằng không nên ăn thực phẩm này vì 2 lý do: Chứa nhiều chất phụ gia và thiếu hụt chất dinh dưỡng. Mọi người nên tôn trọng nguyên tắc lành mạnh và đa dạng, đó là ăn nhiều thực phẩm tươi sống từ thiên nhiên như rau củ quả, thịt, cá, tôm… không nên tiêu thụ mì ăn liền liên tục, trong thời gian dài, đặc biệt là trẻ em bởi đây là nhóm đối tượng cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để phát triển thể chất và trí tuệ.
Nên ăn mỳ như thế nào?
Nên kết hợp hài hòa mì ăn liền với các loại thực phẩm khác như rau củ, trứng, tôm, thịt để tăng cường chất xơ và các loại vitamin
Nói về thói quen sử dụng mì tôm, TS. Từ Ngữ cho biết chính bản thân ông nhiều khi cũng lựa chọn mì tôm cho bữa sáng cho nhanh gọn. Tuy nhiên, để món ăn được đầy đủ chất dinh dưỡng, tùy điều kiện mỗi nhà mà có thể cho thêm rau xanh, thịt hoặc trứng. Chỉ nên ăn mì không trong trường hợp nhà chẳng còn gì dự trữ hoặc trong điều kiện quá bận rộn. TS Từ Ngữ cho biết, ông hay ăn mì theo cách sang chảnh hơn: “Tôi cũng chọn mì tôm cho bữa sáng, nhưng bát mì của tôi thường sẽ có thêm rau xanh, nước luộc thịt, một quả trứng và một chút mỡ động vật. Như vậy, tôi có thể đảm bảo cho cơ thể được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng từ đạm, vitamin và chất béo…”
Ông cũng bổ sung những hướng dẫn cụ thể về việc ăn mì sao cho đảm bảo sức khỏe. Mỗi tuần, tối đa mỗi người chỉ nên ăn 5 bữa mì ăn liền (hạn chế ăn mì không); tốt nhất ăn trong khoảng 1 – 3 bữa mì tôm là vừa đẹp. Không ăn mì vào các bữa chính mà chỉ dùng cho bữa sáng hoặc các bữa phụ. Nếu đã ăn mì thì các bữa còn lại phải được bổ sung thêm chất dinh dưỡng. Ngoài ra, nên kết hợp hài hòa mì ăn liền với các loại thực phẩm khác như rau củ, trứng, tôm, thịt để tăng cường chất xơ và các loại vitamin. Khi ăn mì, nên loại bỏ gói mỡ bên trong, thay bằng mỡ lợn sẽ tốt hơn cho sức khỏe.
Ngoc Mai (Theo Thùy Nguyễn)
Nguồn:https://baosuckhoecongdong.vn/unicef-canh-bao-tre-em-dong-nam-a-suy-dinh-duong-vi-my-an-lien-nen-an-the-nao-cho-dung-140261.html
Nguồn : bau.vn