10 triệu chứng thai kỳ mẹ bầu nào cũng ghét

Mang thai là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời người phụ nữ, nhưng với việc phải đối mặt với những thay đổi cơ thể trong thai kỳ lại khiến nhiều bà bầu ngán ngẩm. Đó là gì, hãy cùng tìm hiểu nhé!

1. Cảm giác mệt mỏi

Mệt mỏi khi mang thai là một biểu hiện thường thấy nhất của các mẹ bầu. Sự thay đổi của cơ thể đột ngột khiến cho sự thích ứng cũng gặp khó khăn. Vì vậy, nghỉ ngơi nhiều, đặc biệt là bất cứ khi nào cảm thấy mệt mỏi là việc có lợi cho mẹ bầu.

Mẹ bầu cần được nghỉ ngơi nhiều trong thai kỳ. ​

2. Đau đầu

Đau đầu cũng là một biểu hiện thường thấy ở mẹ bầu. Và việc massage đầu, chườm nước đá sẽ giúp cho các cơn đau dịu đi. Mẹ bầu tuyệt đối không nên tự tiện sử dụng thuốc để đối phó với triệu chứng này nhé!

Ngoài ra nếu đau đầu kéo dài dai dẳng hay xuất hiện bất thường vào những tháng cuối thai kỳ thì mẹ bầu nên khám bác sĩ vì có thể đây là dấu hiệu cho những bệnh lý nghiêm trọng khác.

3. Chuột rút

Lượng estrogen tăng cao có thể khiến cho mẹ bầu bị chuột rút vào những tháng cuối thai kỳ. Việc massage chân sẽ giúp mẹ bầu cảm thấy dễ chịu hơn. Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên bổ sung canxi cho cơ thể bằng các thực phẩm giàu canxi như sữa để giảm bớt tình trạng này.

4. Bị phù chân

Sự giãn nở của các mạch máu và tích nước của các tế bào do cơ thể tăng lên cả về kích thước và trọng lượng khi mang thai là nguyên nhân chính gây ra chứng sưng phù chân của mẹ bầu. Do đó, vận động thường xuyên, uống nhiều nước và mặc trang phục cùng giày dép phù hợp để cho cơ thể thoải mái là lời khuyên dành cho mẹ bầu.

Tuy nhiên, nếu sưng phù xảy ra ở mặt và tay mẹ bầu thì có thể đây là triệu chứng bệnh lý, báo hiệu chứng tiền sản giật. Mẹ bầu nên đến bác sĩ để được chẩn khám.

5. Các vấn đề về da

Dưỡng ẩm cho da là điều mẹ bầu nên làm​

Sự thay đổi nội tiết tố, trọng lượng cơ thể khiến cho da dẻ mẹ bầu dễ trở nên khô ráp, ngứa ngáy và xuất hiện những vết rạn. Lúc này, việc chăm sóc da với các loại kem dưỡng da an toàn là điều mẹ bầu nên nghiên cứu.

Tuy nhiên, chứng rối loạn gan có thể gây ra sự ngứa ngáy ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân hay toàn thân. Thường bệnh phát triển vào 4 tháng cuối thai kỳ. Vì vậy, nếu triệu chứng này bất thường xuất hiện trong khoảng thời gian trên thì mẹ bầu nên đến bác sĩ.

6. Đau ngực

Sự phát triển các tuyến sữa khiến cho ngực của mẹ bầu trở nên nhạy cảm và thấy đau nhức hơn bao giờ hết. Cách đối phó duy nhất lúc này là mẹ bầu hãy sắm cho mình chiếc áo ngực thoải mái và tránh va chạm mạnh với bộ phận trở nên nhạy cảm này.

7. Táo bón và trĩ

Sự chèn ép của thai nhi lên thành ruột khiến cho nguy cơ táo bón và trĩ xuất hiện mạnh mẽ hơn lúc nào hết đối với các mẹ. Lúc này ngoài việc uống nhiều nước, các mẹ bầu còn cần phải ăn nhiều rau xanh, hoa quả và nên vận động đi lại nhẹ nhàng để tránh bước đầu của bệnh trĩ là táo bón.

8. Ợ nóng

Ợ nóng là một hiện tượng khá phổ biến vào cuối thai kỳ. Van dạ dày dưới tác động của các hormone lúc này giãn ra và làm cho một lượng axit từ dạ dày đi ngược lên thực quản gây ra cảm giác nóng rát và đau. Do đó, mẹ bầu nên tránh thức ăn dầu mỡ, cay nóng và các thức uống có ga. Nếu quá khó chịu, mẹ bầu có thể liên hệ bác sĩ để được chăm sóc.

9. Chảy máu cam

Máu cam xuất hiện là do mạch máu tại vùng mũi bị vỡ gây nên. Thường, mẹ bầu sẽ dễ bị chảy máu cam khi cảm lạnh, thời tiết khô hay dị ứng. Do đó, mẹ bầu cần uống nhiều nước để điều hòa cơ thể và không được nhịn hắt hơi để tránh gây sức ép lên thành mạch máu.

10. Chảy máu nướu răng

Chảy máu nướu răng là do viêm lợi.

Nướu răng trong thai kỳ cũng trở nên nhạy cảm và dễ bị xâm nhập bởi vi khuẩn trong khoang miệng. Do đó dễ dàng bị viêm lợi dẫn đến chảy máu chân răng. Để phòng tránh, việc đánh răng nhẹ nhàng hai lần mỗi ngày hay sau các bữa ăn là cần thiết.

Theo Yeutre

Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276

Nguồn : bau.vn