Khóc cười với tràng hoa quấn cổ
Không những người nhà không được mổ gà, vịt, lợn trong gia đình, mà đến lòng chín của các loại động vật này, con dâu cũng không được động vào… đấy là “chỉ thị hỏa tốc” của mẹ chồng chị Lê Hà (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) khi biết tin con dâu trưởng mang bầu. Theo lý giải của bà, nếu làm trái ý, em bé sẽ bị “tràng hoa quấn cổ”(?!).
“Em đi khám thai, được dự sinh vào khoảng đầu tháng, sợ sinh đúng mồng 1. “Trai mồng một, gái ngày Rằm”, lại thêm tràng hoa quấn cổ, sợ rằng con vừa ương bướng, lại khó nuôi. Nghe “chỉ thị” của mẹ chồng, em thấy không “xuôi” lắm, nhưng cứ làm theo lời bà cho “chắc ăn” vậy!” – chị Lê Hà tâm sự. Là “tộc trưởng”, nên giỗ chạp trong họ, gia đình Lê Hà phải đảm nhận hết. Chị Hà vẫn phải thực thi tuyệt đối “chỉ thị”, mang hết gà, vịt sang nhờ người hàng xóm “mổ hộ”.
Không được “mách nước đề phòng” như chị Lê Hà, nhưng chị Minh Nguyệt (xã Vũ Đoài, Vũ Thư, Thái Bình) lại được chỉ dẫn cách thai nhi “nhả” vòng quấn quanh cổ. “Mình nghe các chị cùng cơ quan truyền tai nhau: Con gái có tràng hoa quấn cổ sau này cổ cao 3 ngấn, giàu sang. Con trai thì thông minh, đào hoa (?!). Tuy nhiên, để em bé ra đời an toàn, khỏe mạnh, mình phải tìm mọi bí kíp để con nhả 3 vòng tràng hoa quấn cổ ra đã. Giàu đã có số rồi…” – chị Nguyệt nói. Bí kíp đó là: “Cứ tối đến chịu khó bò quanh giường, nhưng phải bò ngược với chiều kim đồng hồ thì dây rốn quấn cổ sẽ tự tuột ra”. Tối nào chị Nguyệt cũng gồng lưng ôm bụng to kềnh càng lồm cồm quanh giường mấy vòng. Vốn tính cẩn thận, đề phòng dây rốn quấn ngược trở lại, cứ hết tuần chị Nguyệt lại đi siêu âm kiểm tra. Nhưng dây rốn không quấn ngược lại mà cũng không thấy biểu hiện rời ra. Không nản chí, tối tối người mẹ trẻ vẫn chịu khó bò quanh chiếc giường nhỏ, thỉnh thoảng thấy chị vừa bò vừa hồng hộc lẩm bẩm “Bé Gạo ơi tập thể dục cùng mẹ nhé, nhau quấn cổ sẽ tuột ra mà”…
Cẩn trọng với nguy cơ từ tràng hoa quấn cổ
Theo các bác sĩ sản khoa, những quan niệm mà chị Nguyệt hay gia đình chị Lê Hà trên đây đều là những “mẹo vặt” dân gian không có cơ sở khoa học. Có chăng, việc tập thể dục, tập hít thở là nhằm tăng lượng ôxy trong máu mẹ để hỗ trợ cho thai tốt hơn.
Theo lý giải của BS Nguyễn Bá Hòe – Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS Hải Phòng: Tràng hoa quấn cổ là cách gọi văn hoa của hiện tượng dây rốn quấn cổ. Đây là kết quả của quá trình chuyển động trong tử cung của thai nhi một cách tự nhiên, tác động bên ngoài để nó “nhả ra” là điều không thể can thiệp.
Vốn dĩ dây rốn là sợi dây nối giữa đứa trẻ và bánh rau bà mẹ. Đây là đường cung cấp dưỡng khí, chất dinh dưỡng để nuôi sống bào thai. Thai nhi vận động thường xuyên trong không gian bé nhỏ là tử cung của mẹ.
Việc phát hiện tràng hoa quấn cổ chỉ có thể qua hình ảnh siêu âm. Có người, tình trạng này xuất hiện ở tháng thứ 5 – 6, nhưng thông thường xuất hiện nhiều và rõ ràng vào 3 tháng cuối thai kỳ. Việc thai máy cũng là dấu hiệu của tràng hoa quấn cổ. Những trường hợp bị dây rau cuốn chặt, khiến thai bị thiếu ôxy, khó thở, thai sẽ đạp và quậy nhiều hơn để “cảnh báo” cho thai phụ.
“Bình thường, một thai nhi đủ tháng có dây rốn dài khoảng 40 – 50cm. Những trường hợp dây rau dài hơn thì thường bị quấn cổ hoặc những trường hợp thai nhỏ, ối nhiều, thai chuyển động nhiều cũng có xác suất bị cuốn cổ nhiều hơn” – BS CKII Nguyễn Bá Tân – Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh Nghệ An cho biết.
Cũng theo BS Tân, nguy cơ cho thai nhi bị tràng hoa quấn cổ khá cao. Có nhiều trường hợp nếu dây rốn ngắn, quấn sớm, mạch máu dẫn vào để nuôi trẻ bị nghẽn, khiến trẻ bị ngưng nguồn nuôi dưỡng, có thể khiến trẻ bị suy thai hoặc chết trước khi sinh.
“Nhưng nguy cơ thường gặp nhất là trong lúc chuyển dạ, khi đưa trẻ từ bụng mẹ ra ngoài, làm cho dây rốn căng, bó mạch, kẹt lại, không dẫn máu từ mẹ sang con nữa, trẻ sẽ chết trong lúc chuyển dạ. Một nguy cơ khác là trẻ có thể bị ảnh hưởng não, suy não, suy hô hấp trong quá trình chuyển dạ. Điều này đòi hỏi kinh nghiệm xử trí và tay nghề của người trực tiếp đỡ đẻ” – BS Tân nói.
Thông thường, dây rốn quấn cổ thai khoảng 1-2 vòng. Đôi khi có 4 vòng. “Cuốn càng nhiều vòng thì càng nguy hiểm cho thai. Mức độ nguy hiểm cũng tùy thuộc vào độ dài – ngắn của dây rốn. Có những trường hợp thai tự nhả dây rốn do quá trình chuyển động trong tử cung. Thậm chí có trường hợp 22 tuần siêu âm thấy quấn 1-2 vòng, sau 4 tuần siêu âm lại thấy nhả ra. Đến 32 tuần lại tiếp tục điệp khúc tràng hoa quấn cổ. Điều đó cho thấy, tác động bên ngoài không thể can thiệp vào tình trạng này” – BS Tân nói.
Trước một số thông tin cho rằng việc lấy tay xoa bụng bầu có thể ảnh hưởng đến việc thai nhi dễ bị nhau thai quấn cổ, BS Tân và BS Hòe cho rằng: Không có cơ sở. Bản thân việc dùng tay xoa bụng bầu vô tội vạ là việc làm phản khoa học, nó sẽ khiến những cơn co tử cung nhiều hơn, đặc biệt ở hai tháng cuối có thể “đẩy nhanh” dọa sinh sớm.
Mặc dù là nỗi sợ hãi của tất cả thai phụ, nhưng khi thai nhi bị tràng hoa quấn cổ một vòng, thai phụ không nhất thiết phải yêu cầu mổ đẻ. Việc mổ đẻ phải tùy vào tiên lượng của từng trường hợp cụ thể. Điều quan trọng là thai phụ phải khám thai định kỳ trong những tháng đầu. Từ khi phát hiện thai nhi có tràng hoa quấn cổ, mẹ trẻ cần đi khám thường xuyên, thay vì mỗi tháng một lần, thì có thể 2-3 tuần đi khám, siêu âm, làm theo những chỉ dẫn của bác sĩ, theo dõi nhịp tim thai và tình trạng dây rốn
BS CKII Nguyễn Bá Tân
Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh Nghệ An)
Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276
Nguồn : bau.vn