Bác sĩ BV Đa khoa Quốc tế Hải Phòng: Phụ nữ tuổi 30 chỉ có 20% cơ hội thụ thai mỗi tháng

Theo các nghiên cứu, một phụ nữ khỏe mạnh ở tuổi 20–29 dễ thụ thai và có thai kỳ tốt đẹp, đến gần tuổi 30 chỉ có 20% cơ hội thụ thai mỗi tháng, 40 tuổi thì cơ hội chỉ còn 5%.

Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định 588 phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”, trong đó có nội dung khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, sớm sinh con. Bác sĩ Nguyễn Thành Quang, chuyên khoa Sản I , Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng có nhiều chia sẻ về những lưu ý dành cho các mẹ ngoài 30 lần đầu mang thai.

Nguy cơ khi sinh nở muộn ngoài 30

Sinh nở muộn ngoài 30 tuổi có rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ trong thời gian thai kỳ và cả hậu sản. Theo nghiên cứu, tuổi có thai tốt nhất cho phụ nữ là từ 20 đến 29. Ở độ tuổi 30 khả năng sinh nở của phụ nữ bắt đầu suy giảm và theo thời gian mức độ suy giảm càng rõ rệt. Bên cạnh đó, việc sinh nở muộn thì nguy cơ thai nhi mắc một dị tật bẩm sinh cũng tăng lên.

Tôi có thể đưa ra một số vấn đề mà phụ nữ sinh muộn dễ gặp phải như sau:

Trong giai đoạn thai kỳ:

Giai đoạn này, ngoài những nguy cơ giống như thai kỳ bình thường thì khả năng mang thai ngoài 30 tuổi sẽ mắc các bệnh lý thai nghén như: đái đường thai kỳ, tiền sản giật, sản giật,… cũng ngày càng tăng lên.

Phụ nữ ngoài 30 tuổi khả năng thụ thai song sinh sẽ tăng lên, nên khả năng đẻ thường sẽ càng hạn chế. Sau 30 tuổi do chất lượng nang noãn bắt đầu suy giảm nên tỉ lệ dị tật thai, chết lưu, sảy thai cũng tăng lên.

Thêm nguy cơ cực đáng sợ, việc sinh con sau tuổi 30 cũng sẽ vất vả hơn khi nhiều trường hợp được ghi nhận bị nhau tiền đạo (nhau thai che lấp một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung, có thể gây chảy máu ồ ạt nếu sinh thường); hay không có cơn co tử cung, suy tim thai. Đây chính là những lý do mà các mẹ có thai ở từ tuổi 30, 35, 40 trở đi thường được bác sĩ chỉ định phải mổ lấy thai.

Ngoài việc tăng tỷ lệ dị tật thai, thai lưu, sảy thai thì chưa có nghiên cứu nào chỉ ra những sản phụ từ 30 – 35 tuổi sinh em bé phát triển kém hơn những bà mẹ ở độ tuổi 20 đến 29 tuổi.

Sau thai kỳ:

Với phụ nữ ngoài 30 tuổi việc sinh em bé khá khó khăn, thay vì người mẹ chuẩn bị một thể lực tốt để sinh thường thì ở lứa tuổi này khả năng sinh mổ tăng lên. Do tầng sinh môn không còn được mềm mại như ở độ tuổi 20 – 29 tuổi.

Sau thai kỳ, tình trạng hậu sản mòn gặp nhiều hơn vì sự phục hồi sức khỏe và khả năng chăm sóc em bé sau sinh gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, phụ nữ mang thai ngoài 30 tuổi sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe nặng nề nên việc giữ một thể lực tốt khá là quan trọng trước và trong khi mang thai.

Một số lưu ý quan trọng dành cho mẹ bầu:

Vì ranh giới mốc 35 tuổi rất quan trọng nên việc có em bé càng sớm càng tốt, đừng nên trì hoãn để sau 35 sẽ có nhiều nguy cơ không tốt cho cả mẹ lẫn bé. Nhưng trước khi có ý định mang thai bạn cần chú ý:

1. Đi khám và kiểm tra về nội tiết. Chất lượng noãn của vợ và chất lượng tinh trùng của chồng.

2. Khám sàng lọc các bệnh lý để chuẩn bị thật kỹ cho lần mang thai tiếp theo.

3. Chuẩn bị cho mình tâm lý và sức khỏe thật là tốt trong thời gian thai kỳ.

4. Ngoài ra, đặc biệt chú ý theo dõi những dấu hiệu trong quá trình mang thai và đi khám thai theo định kỳ mà bác sĩ đã đưa ra.

Mang thai là một giai đoạn đáng quý của cuộc đời. Nó không chỉ đem đến cho bạn niềm vui mà còn đem đến cho bạn ý thức trách nhiệm đối với sinh linh bé bỏng mới thành hình trong bụng. Vì vậy, trước khi bước vào giai đoạn vừa khó khăn vừa thú vị này, bạn cần phải chuẩn bị thật cẩn thận và cố gắng chọn đúng giai đoạn “tuổi vàng” để sinh nở.

Hương Linh

Nguồn: http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/bac-si-bv-da-khoa-quoc-te-hai-phong-phu-nu-tuoi-30-chi-co-20-co-hoi-thu-thai-moi-thang-a176492.html

Nguồn : bau.vn