Theo TS. BS. Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô Hấp (BV Nhi Đồng 1), có hai nhóm bệnh chính về đường hô hấp mà trẻ dễ mắc trong mùa lạnh. Một là các nhóm bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính, nhẹ thì viêm hô hấp trên, viêm phổi, viêm họng, viêm tai giữa… Trong số này hai bệnh hàng đầu ở trẻ nhỏ là bệnh viêm tiểu phế quản và viêm phổi khiến trẻ phải nhập viện thậm chí biến chứng nặng gây tử vong.
Nhóm bệnh thứ hai là dị ứng đường hô hấp liên quan đến thời tiết lạnh như viêm mũi xoang dị ứng và hen suyễn. Trẻ có tiền sử hen suyễn rất dễ tái phát các cơn hen cấp tính trong mùa lạnh nếu không được chăm sóc và phòng ngừa tốt.
TS. BS. Trần Anh Tuấn cho rằng bằng nhiều biện pháp đơn giản, cha mẹ có thể bảo vệ sức khỏe của con trước các bệnh về đường hô hấp trong mùa lạnh.
Giữ ấm trẻ đúng cách
Giữ ấm trong mùa đông là biện pháp cần thiết và rất đơn giản có tác dụng bảo vệ sức khỏe cho trẻ, đặc biệt với trẻ sơ sinh dưới 12 tháng và trẻ mắc các bệnh mạn tính hay dị tật bẩm sinh.
Thứ nhất, việc giữ ấm tùy chỉnh theo sự thay đổi của thời tiết từng vùng miền. Trong những ngày giá rét cha mẹ không chỉ mặc quần áo cho trẻ đủ ấm mà còn trang bị thêm găng tay, tất, nón hoặc khăn quàng cổ…, để tránh gió lùa khiến trẻ bị ho.
Giữ ấm cho trẻ đúng cách
Nhưng cần lưu ý, tránh sử dụng các phương tiện giữ ấm có thể gây hại cho trẻ như mặc quần áo quá dày. Nhiều bà mẹ sai lầm khi thấy con càng ho càng quấn khăn thật chặt, mặc quần áo càng dày điều này chỉ khiến trẻ thấy khó thở. Cha mẹ không thể theo dõi được nhịp thở của trẻ khiến bệnh chuyển nặng lúc nào không hay.
Đối với các gia đình ở vùng núi cao có sương múi, băng giá, nhiều gia đình đốt than để sưởi ấm cần tránh các tai nạn thương tâm như bị bỏng hay ngạt khí.
Mùa lạnh tắm cho trẻ thế nào?
Dù trời lạnh tới đâu việc giữ vệ sinh cho trẻ cũng là điều cần thiết. Bác sĩ khuyên rằng nếu trời lạnh vừa phải, cha mẹ có thể tắm cho trẻ vào thời điểm ấm nhất trong ngày như buổi trưa hay đầu giờ chiều. Khi tắm cho trẻ phải cố gắng đóng cửa tránh gió lùa. Không nên ngâm hết cả mình trẻ vào trong nước mà nên tắm từng phần. Tắm xong đến đâu lau khô người đến đó rồi mặc quần áo luôn đến đó. Quần áo cho trẻ đảm bảo đủ thoáng và tay dài đủ ấm.
Trong thời tiết giá rét kéo dài chỉ nên 2 – 3 ngày mới tắm toàn diện cho trẻ. Những ngày khác chỉ nên dùng nước ấm để lau người.
Mẹ lưu ý cách 2 – 3 ngày mới tắm cho trẻ khi thời tiết lạnh
Tránh cho trẻ tiếp xúc với người bệnh
Các bệnh đường hô hấp như cảm lạnh hay cúm mùa rất dễ lây lan. Đối tượng trẻ nhỏ sức đề kháng kém càng dễ mắc bệnh. Trẻ càng nhỏ nguy cơ biến chứng do các bệnh hô hấp càng cao, thậm chí đe dọa tính mạng.
Chẳng hạn, bệnh viêm tiểu phế quản do virus gây ra. Bệnh ở trẻ lớn trên 2 tuổi có thể chỉ là triệu chứng ho cảm xoàng, vài ngày sẽ khỏi. Nhưng bệnh ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 3 tháng thì tới 90% trường hợp biến chứng bị viêm tiểu phế quản.
Mỗi khi con bị cảm sốt hay ho, cha mẹ cần theo dõi sát sao tình trạng bệnh của trẻ và các triệu chứng đi kèm. Khi trẻ sốt kéo dài (39 – 40 độ C) không hạ hoặc có biểu hiện nôn trớ, bỏ bú, ngủ li bì hay co giật thì cần nhập viện gấp.
Dùng tinh dầu cho trẻ như thế nào?
Trong y học cổ truyền, bôi tinh dầu vào các huyệt đạo có tác dụng phòng ngừa các bệnh hô hấp. Dù vậy, bác sĩ khuyên rằng cha mẹ nên hết sức thận trọng khi sử dụng tinh dầu cho trẻ. Bởi làn da của trẻ rất mỏng manh, dễ bị kích ứng, tránh bôi trực tiếp tinh dầu đặc lên da trẻ. Một số loại tinh dầu có thể thấm qua da bé gây ngộ độc.
Bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên cho con tiêm vắc xin phòng cúm mùa hàng năm. Tiêm vắc xin trẻ vẫn có thể có nguy cơ mắc bệnh nhưng sẽ giảm thiểu nguy cơ biến chứng viêm phổi nặng.
Ngọc Hà (Theo Hà Ly)
Nguồn: https://baosuckhoecongdong.vn/bac-si-chia-se-bi-quyet-phong-benh-viem-phoi-cho-tre-trong-mua-lanh-148135.html
Nguồn : bau.vn