Cách cai nghiện điện thoại cho con thành công

Ngày nay, tình trạng trẻ nhỏ ‘nghiện điện thoại’ không phải là hiếm. Tuy nhiên, việc chơi điện thoại quá nhiều vô cùng có hại cho sự phát triển của trẻ.

Trẻ nghiện điện thoại – nguy hại khôn lường

Thời đại công nghệ phát triển, khiến điện thoại trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Cũng chính vì vậy mà trẻ em biết đến điện thoại từ rất sớm và sử dụng vô cùng thành thạo. Nhiều phụ huynh lầm tưởng rằng con biết sử dụng điện thoại sớm nghĩa là bé thông minh, lanh lợi. Tuy nhiên, thực tế việc dùng điện thoại quá nhiều sẽ gây ra hội chứng “nghiện điện thoại ở trẻ” dẫn tới những hệ lụy khôn lường.

Tình trạng nghiện điện thoại làm suy giảm khả năng tập trung, suy giảm thị lực khiến trẻ học tập kém hơn. Nghiện điện thoại cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tính cách và giao tiếp của trẻ, khiến trẻ dễ cáu gắt, bướng bỉnh và không thích trò chuyện với người khác. Đặc biệt, tình trạng sử dụng điện thoại không kiểm soát ở trẻ còn có thể gây ra các căn bệnh về tâm lý như tự kỷ, rối loạn hành vi…


Trẻ nghiện điện thoại gây ra những hệ lụy khôn lường

Những cách cai nghiện điện thoại cho trẻ

Với những hệ lụy khôn lường mà tình trạng nghiện điện thoại gây ra cho trẻ, bố mẹ cần tìm cách “cai nghiện” cho con càng sớm càng tốt. Điều này không hề dễ một chút nào và bạn cần thực hiện một cách từ từ. Bởi việc đột ngột nghiêm cấm trẻ chơi điện thoại có thể không hiệu quả và gây ra các phản ứng ngược, khiến con cáu gắt, mè nheo, quấy khóc, bỏ ăn… Hãy từng bước thực hiện những cách dưới đây, để con dần quên đi việc chơi điện thoại để hòa mình vào thế giới xung quanh.

1. Quy định khoảng thời gian con được phép dùng điện thoại

Thay vì cấm đoán hoàn toàn không cho con được dùng điện thoại nữa thì bạn có thể quy định một khoảng thời gian cụ thể mà bé được phép chơi điện thoại. Cách này sẽ hiệu quả và dễ dàng hơn cho bố mẹ. Chẳng hạn, bạn có thể quy định mỗi ngày con được chơi điện thoại 1 tiếng vào buổi chiều hoặc tối sau khi ăn. Trước khi cho con chơi, bạn cần đàm phán trước để con biết rằng bé chỉ được dùng trong đúng khoảng thời gian quy định thôi. Nếu bé đồng ý mới đưa điện thoại cho con.

2. Dành nhiều thời gian ở bên trẻ

Nhiều phụ huynh vì bận rộn nên dùng điện thoại như một người “bảo mẫu” tận tâm giúp mình trông nom trẻ. Cũng chính vì thế mà trẻ càng dễ trở nên nghiện điện thoại. Bạn nên dành nhiều thời gian hơn cho con, trò chuyện thật nhiều với trẻ. Chắc chắn bất cứ đứa trẻ nào cũng thích được chơi với bố mẹ hơn là chiếc điện thoại. 

Hãy dành nhiều thời gian hơn để ở bên con

3. Kêu gọi trẻ cùng tham gia các việc nhà

Làm việc nhà rất tốt cho trẻ, nên mẹ hãy tập cho con làm việc nhà từ sớm. Tham gia các công việc nhà cũng giúp trẻ tăng thời gian hoạt động và giảm bớt việc chơi điện thoại. Hãy tạo hứng thú cho trẻ bằng cách coi việc nhà như những trò chơi, bé sẽ thích hơn và không cảm thấy khó chịu.

4. Cùng bé xem phim

Những khoảng thời gian rảnh rỗi trong ngày, bạn có thể cùng bé xem những bộ phim hay và bổ ích. Khi được xem phim cùng bố mẹ, trẻ sẽ thấy thích thú và không đòi điện thoại nữa. Điều này còn rất tốt trong việc vun đắp và gắn kết tình cảm gia đình bạn đấy nhé.

5. Cho trẻ tham gia nhiều hoạt động tập thể

Trẻ nhỏ sẽ phát triển tốt nhất nếu được thường xuyên tham gia các hoạt động tập thể ngoài trời. Không chỉ thể chất mà cả các kỹ năng giao tiếp, khả năng sáng tạo… cũng được phát huy hiệu quả nhờ những hoạt động như vậy. Hãy thử cho con tham gia các lớp học võ, bơi, hát, vẽ… hoặc đi cắm trại, dã ngoại, sinh hoạt câu lạc bộ… Chắc chắn những hoạt động tập thể sôi động và vui vẻ như vậy sẽ khiến con rất thích thú.

Những hoạt động tập thể rất tốt cho sự phát triển của trẻ

6. Lựa chọn những món đồ chơi  bổ ích, hấp dẫn

Để bé quên đi chiếc điện thoại, bố mẹ có thể cho con chơi những món đồ chơi hấp dẫn mà hữu ích khác như lego, trò chơi xếp hình, bảng số, chữ, hình khối… Hãy cùng chơi với bé để con cảm thấy hứng thú hơn và không bị nhàm chán. Đây đều là những món đồ chơi hữu ích trong việc phát triển trí tuệ của trẻ.

Nguồn : bau.vn