Chấm dứt thời kỳ tè dầm

Sau thời gian “huấn luyện”, Mai Chi đã biết cách tự đi vệ sinh. Hà Thu vui vẻ khi nhìn thấy sự tiến bộ của con. Thế là, từ nay chấm dứt thời kì tè dầm của bé Mai Chi.

Kinh nghiệm
Câu chuyện dạy bé cách đi vệ sinh của Hà Thu – mẹ bé Mai Chi được bắt đầu bằng một chi tiết khá thú vị.
Trong một lần, cô cho bé Mai Chi cùng đi ăn cưới đồng nghiệp cơ quan, Hà Thu bị một “phen” ngượng tái mặt khi trong mâm cỗ, cô con gái xinh đẹp của cô bỗng nhiên tè dầm, ướt đẫm chiếc váy của bé sang cả quần của mẹ. Bế con ra nhà vệ sinh, Hà Thu giận dữ đánh vào mông bé và nói: Lần sau tè dầm thế này mẹ không cho con đi chơi cùng mẹ đâu. Lúc đó, cô bé khóc mếu máo xin lỗi mẹ và hứa sẽ không tè dầm nữa.
Sau lần đó, Hà Thu quyết định dạy bé đi vệ sinh. Ban đầu, mẹ đặt bô ở cửa nhà vệ sinh và hướng dẫn bé cách ngồi bô đúng. Hướng dẫn xong, Hà Thu háo hức vì nghĩ bé sẽ không tè dầm nữa.
Ban đầu, cô bé tè ướt chiếc đệm vừa thay và sau đó lại tiếp tục tè dầm lên người ông nội. Bực mình nhưng Hà Thu vẫn phải nhẹ nhàng nhắc bé và đưa bé ra chỗ đặt bô bảo con ngồi xuống, lần sau có cảm giác buồn đi vệ sinh như vừa rồi thì con gọi mẹ hoặc là con tự ra ngồi ở bô này. Hà Thu thường động viên khích lệ con rằng: Hơn 2 tuổi mà vẫn tè dầm là xấu hổ lắm con nhé! Mẹ sẽ rất vui khi con biết ngồi vào bô để đi vệ sinh đấy.
Thế rồi, tin vui đã đến. Buổi chiều hôm đó, Mai Chi đã biết gọi mẹ “Con buồn tè”. Thật bất ngờ, Hà Thu vội đưa bé ra chỗ để bô. Quen dần, những lần sau bé biết tự đến ngồi bô không cần gọi mẹ nữa. Những lần đầu, cô chuẩn bị cho bé một cái khăn xô để lau, vừa lau Hà Thu vừa hướng dẫn con. Cô cũng dặn bé khi đi ị thì phải gọi mẹ để rửa xong rồi mới lau, chứ không được dùng luôn khăn đó. Dần dần, Mai Chi đã không nhờ tới sự giúp đỡ của mẹ nữa, tự mình xử lý được mọi việc.
Buổi tối đi ngủ, Hà Thu cũng chuẩn bị cho bé một cái bô và khăn xô để lau. Nửa đêm, căn khoảng thời gian bé hay tè dầm, chị đánh thức và hỏi bé có buồn đi vệ sinh thì dậy để đi. Cũng phải mất hai ba ngày đầu, bé mới quen với việc ngồi bô và không tè dầm lên giường nữa.

Lời kết
Mỗi bà mẹ có những “bí quyết” khác nhau giúp bé hết tè dầm. Nhưng dù mẹ có dùng biện pháp nào đi nữa thì cũng nên ân cần, nhẹ nhàng nhắc nhở bé. Trong trường hợp bé thất bại, không nên trách mắng bé. Hãy an ủi và động viên bé vượt qua vấn đề khó khăn này. Sự chê cười của người lớn sẽ làm bé xấu hổ và không dám thổ lộ vấn đề này với ai.
Khả năng tự lập và biết cách chủ động với việc tiểu tiện là một phần quan trọng trong cuộc sống của bé. Cha mẹ nên giúp bé phát huy tính tự lập từ lúc bé, không nên để trẻ lệ thuộc vào bố mẹ quá nhiều. Nếu không, khi lớn bé sẽ cảm thấy bỡ ngỡ và không tự tin trong cuộc sống, sẽ ảnh hưởng tới việc hình thành nhân cách của bé

Quang Dũng

Nguồn : bau.vn