Ở những phụ nữ mang thai, có hai yếu tố quan trọng gây ra phù chân, đó là: sự cản trở máu trở về tim do có thai, càng về những tháng cuối thai nhi sẽ lớn dần, làm tăng áp lực trong ổ bụng và tạo nên một lực ép khá lớn lên các tĩnh mạch vùng chậu, làm máu khó trở về tim. Một yếu tố khác khá quan trọng là sự rối loạn của các nội tiết tố nữ trong thời kỳ mang thai làm giãn thành của tĩnh mạch, góp phần vào sự ứ trệ tuần hoàn và làm máu về tim khó khăn hơn.
Máu ứ trệ sẽ tăng áp lực trong tĩnh mạch và thoát dịch ra ngoài gây phù. Nếu không được điều trị kịp thời, càng gần đến ngày sinh, thai phụ càng bị phù nhiều hơn, các van tĩnh mạch cũng như hệ thống tĩnh mạch chi dưới bị suy, giãn ra và không hồi phục ngay cả sau khi sinh.
Sau khi sinh, phù chân sẽ giảm nhiều do giảm đáng kể áp lực trong ổ bụng làm cho máu chảy về tim dễ dàng hơn. Nhưng trong quá trình mang thai, do không được điều trị đúng mức, các van tĩnh mạch có thể bị suy đóng không kín, thành tĩnh mạch đã bị giãn nên để lại di chứng cho bệnh nhân. Về sau, máu bắt đầu ứ trệ ở chân, gây ra các triệu chứng đau chân, nặng chân, phù chân, chuột rút về đêm hoặc nặng hơn là giãn các tĩnh mạch nông, gây rối loạn sắc tố da và loét dinh dưỡng, rất khó lành.
Thai phụ cần phải theo dõi sát sự phát triển của bào thai, tránh tâm lý bồi dưỡng cho thai phụ nhiều chất bổ dưỡng quá làm thai quá to, không những gây phù chân mà còn khó khăn trong việc sinh nở. Tránh đứng lâu, cần nằm ngửa gác chân cao trên gối.
Theo Phununew
Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276
Nguồn : bau.vn