Hàm lượng hemoglobin thấp trong thai kỳ là nguyên nhân chính dẫn đến chứng thiếu máu. Đa số người mang thai đều mắc phải vấn đề này, chiếm khoảng 80%. Với những phụ nữ bình thường, phần trăm của các tế bào hồng cầu trong huyết tương là từ 38 – 45%, ở thai phụ là khoảng 34% và ở người đa thai chỉ còn 30% (nếu bạn không bị thiếu sắt, axit folic và vitamin B12). 90% trường hợp thiếu máu trong thai kỳ chủ yếu là do thiếu sắt trong chế độ ăn uống. Ngoài ra, còn do những nguyên nhân khác như: thiếu hụt axit folic, xuất huyết đường tiêu hóa, mất máu vì bị trĩ… Thậm chí, khi bổ sung đủ lượng sắt và axit folic, bạn vẫn có thể bị thiếu máu do thay đổi của quá trình tiêu hóa. Bạn có nguy cơ bị thiếu máu cao trong thai kỳ nếu: thường xuyên nôn và nghén rất nặng, đã từng sinh con hai lần trở lên, mang đa thai, chế độ ăn uống thiếu sắt hoặc trước đó kinh nguyệt của bạn khá nhiều và kéo dài.
Thai phụ cần bổ sung khoảng 18 – 27gr sắt/ngày. Nếu ít hơn lượng này thì chắc chắn, bạn sẽ mắc chứng thiếu máu. Không tiếp nhận đủ vitamin B12 hoặc axit folic, hay mắc các bệnh di truyền về máu như hồng cầu hình liềm cũng là những nguyên nhân khiến bạn bị thiếu máu khi mang thai.
Tác hại
Nếu bị thiếu máu trong những tháng đầu, thai phụ rất dễ có nguy cơ sảy thai hoặc thai chết lưu. Những tháng cuối, nguy cơ đẻ non và suy dinh dưỡng thai nhi sẽ tăng cao với những người mắc chứng thiếu máu trầm trọng. Trẻ có mẹ bị thiếu máu trong thai kỳ sẽ có nguy cơ bị khuyết tật (nứt đốt sống…).
Cách nhận biết
Hầu hết, các bà Bầu đều không biết mình bị thiếu máu. Trong lần khám đầu tiên, bác sĩ sẽ xét nghiệm máu để xem bạn có bị thiếu máu hay không. Xét nghiệm này được thực hiện lại ở tuần thứ 28 của thai kỳ. Thông thường, người bị thiếu máu sẽ có những triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt, da xanh xao, tim đập nhanh hoặc không ổn định, khó thở hoặc nặng hơn là dễ ngất xỉu.
Phòng ngừa
Nếu thiếu máu do thiếu sắt, bạn sẽ được bác sĩ cho bổ sung viên nang chứa khoáng chất này. Thai phụ nên bổ sung thêm sắt ngay từ lúc bắt đầu có thai, duy trì trong suốt thai kỳ và sau sinh 3 tháng. Liều bổ sung là 60mg sắt nguyên tố/ngày, có thể kèm theo axid folic 400mcg/ngày.
Bạn cần lưu ý, không uống viên sắt đồng thời với viên nang canxi hoặc sữa, vì canxi sẽ ngăn chặn sắt đến thai nhi. Tốt nhất, bạn nên uống viên nang sắt cùng với nước cam để giúp hấp thụ dễ dàng hơn. Khi bổ sung, có thể bạn sẽ thấy phân có màu sậm hơn, nhưng không nên lo lắng vì đây là dấu hiệu của việc sắt dư thừa bị đào thải ra ngoài.
Phụ nữ ăn chay là đối tượng hàng đầu của chứng thiếu máu và cần được bác sĩ tư vấn về cách thức và liều lượng bổ sung sắt. Tăng cường bổ sung sắt từ thực phẩm tự nhiên là cách tốt nhất mà bạn cần quan tâm. Sắt trong thực phẩm chia làm hai loại: một loại có trong thịt và tiết động vật (được cơ thể hấp thu cao), loại còn lại ở trong ngũ cốc và rau củ (tỉ lệ hấp thu vào cơ thể ít hơn và cần có chất xúc tác như vitamin C).
Chế độ ăn ngăn ngừa chứng thiếu máu:
– Ăn trứng vào bữa sáng. Một tuần ăn khoảng 4 quả trứng sẽ cung cấp cho cơ thể rất nhiều vitamin để ngăn chặn chứng thiếu máu. Trung bình, một quả trứng chứa 10% lượng vitamin B12 cần thiết mỗi ngày.
– Ăn nhiều hơn thịt bò và các loại thịt màu đỏ vì chúng giàu vitamin B12 – nguồn cung cấp sắt tuyệt vời.
– Thường xuyên ăn hải sản vào các bữa chính. Cá hồi chứa rất nhiều vitamin B12 và omega 3, rất tốt để ngăn ngừa chứng thiếu máu.
– Các loại thực phẩm có tăng cường sắt (trên bao bì thường ghi là “Bổ sung sắt” hoặc “Tăng cường sắt”) như bánh mỳ, ngũ cốc, hoa quả sấy…
– Tích cực ăn ngũ cốc nguyên hạt trong các bữa phụ, sử dụng nấm men như một thứ gia vị trong nấu nướng để cung cấp sắt và các vitamin khác.
– Bữa phụ với các loại hoa quả sấy khô như nho khô, mít sấy… chứa rất nhiều sắt cho cơ thể.
Nguồn : bau.vn