Con \”học\” ông bà, cãi phăng bố mẹ

Anh Dũng đang quát con tội lười học, suốt ngày chơi điện tử thì ông nội ở phòng khách chạy vào bênh cháu: \"Ngày xưa anh có chịu học hành gì đâu, sao giờ bắt nó học lắm thế!\"

Dạo này chị Quyên đang có bầu bé thứ 2 nên toàn bộ việc dạy bé Gấu học hành được giao toàn quyền cho bố, tuy nhiên, cứ mỗi khi bố dạy con là lại bị ông bà can thiệp. Ngày trước, bố Gấu cũng lười học, ham chơi nên giờ Gấu cũng giống bố, mới học lớp 1 đã sợ học rồi.

Nhiều hôm dạy con mà Gấu không tập trung, anh Dũng to tiếng quát con là ông nội lập tức xuất hiện: “Hồi bé như nó, mày cũng chơi bời suốt có học hành gì đâu?” Gấu vì thế cứ dựa vào đó để cãi lại bố mẹ, nhiều khi bố bảo đi học lại nói giọng “lý sự” và không chịu ngồi vào bàn học.

Bé biết cãi lại bố mẹ vì biết được bênh vực.

Đây là một trong rất nhiều trường hợp các cặp vợ chồng gặp phải khi sống cùng với ông bà nội. Việc đối lập nhau trong cách dạy dỗ, không thống nhất được cách rèn tính cách cho trẻ sẽ dẫn đến việc trẻ lớn lên không nghe lời, biết cãi lại bố mẹ vì biết được bênh vực.

Ngày nay, nhiều gia đình sinh chỉ 1 đến 2 con nên đa phần các ông bà khá ít cháu, vì thế, tình yêu thương dồn cho cháu quá nhiều, dẫn đến làm trẻ hư. Ngược lại, các bố mẹ trẻ lại áp dụng cách dạy con nghiêm khắc, dựa theo sách vở, mong con lớn lên ngoan ngoãn thì lại vấp phải sự phản đối của ông bà.

Việc “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” này không những khiến trẻ mất định hướng, không biết nghe lời ai mà thậm chí còn biết cãi lại một phía như trường hợp nhà anh Dũng. Ông bà không những bênh cháu mà còn “vẽ đường” cho cháu cãi lại bố mẹ.

Hậu quả của việc này ảnh hưởng khá nhiều đến quá trình phát triển sau này của trẻ, đặc biệt là khi bé mới bắt đầu học lớp 1. Tính tự lập của trẻ bị mất dần đi, ỷ lại vào ông bà và ỷ lại vào suy nghĩ, ngày xưa bố cũng có học đâu mà vẫn giỏi đấy thôi.

Thống nhất cách dạy dỗ

Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, các gia đình sống cùng ông bà cũng như các cặp vợ chồng sống riêng cần thống nhất với ông bà về cách dạy dỗ con cái, tránh trường hợp mỗi người nói một kiểu.

Ông bà không những bênh cháu mà còn “vẽ đường” cho cháu cãi lại bố mẹ.

Nói chuyện nghiêm túc với nhau để định hướng một cách dạy cụ thể, ví dụ, luôn nghiêm khắc và không được bênh vực mỗi khi trẻ sai, và buộc mọi thành viên trong gia đình phải thực hiện theo quy tắc đó. Ngoài ra, cũng cần thống nhất trong gia đình rằng khi dạy dỗ con thì những người khác không được xen vào.

Trong trường hợp không thống nhất được, hoặc ông bà luôn có định hướng xấu đến con trẻ như bênh vực ra mặt, cho cháu ăn đồ ăn lung tung, không đúng bữa hoặc chiều chuộng thái quá thì cần thẳng thắn có ý kiến.

Tất nhiên, việc thống nhất này cần được thực hiện trên tinh thần vì những điều tốt nhất cho trẻ, tránh công khai chỉ trích hoặc trách móc người già.

Nhiều cặp vợ chồng trẻ sau khi không thuyết phục được bố mẹ đã quyết định ra ở riêng để có thể dạy dỗ con tốt hơn, tuy cuộc sống có thiếu thốn.

Mỗi gia đình sẽ có những giải pháp khác nhau với vấn đề xung khắc trong cách dạy con, nhưng cách tốt nhất là có thể thống nhất ngay từ đầu để tránh những tranh cãi không đáng có sau này.

Tuấn Lan

Nguồn : bau.vn