Giúp con thế nào đây?
* Mẹ làm mẫu: Trẻ nhỏ rất dễ bắt chước theo lời nói và hành động của người lớn, nên bạn cần thường xuyên nói với bé về những gì mình đang làm trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Ban đầu, hãy dùng những từ đơn giản, sử dụng câu ngắn, ít từ để tập cho bé phát âm. Ví dụ, bé sẽ nói “Pa” khi cần gọi “Ba”, nói “ăng” khi đói bụng… Lặp đi lặp lại những từ đang tập, cho nghe thật nhiều trước khi bé làm theo. Bạn không nên nói giọng trẻ con, giọng nũng nịu, cần nói chính xác để trẻ bắt chước đúng và chuẩn.
* Thông qua những hình ảnh: Mẹ có thể sử dụng hình ảnh các đồ vật và những hoạt động để trẻ dạy cho bé nói. Ví dụ, bạn làm một quyển sổ “giao tiếp” với những hình ảnh về các hoạt động, đồ vật, cây cối… được cắt từ báo hay tạp chí. Qua đó, dạy bé những từ ngữ đơn giản, dạy bé cách gọi tên về những hình ảnh ấy. Bạn vừa chỉ vào đồ vật cho bé thấy, vừa phát âm tên gọi của đồ vật đó. Dạy bé biết kết hợp tên gọi cùng hình ảnh đồ vật và biết dùng từ khi nói đến đồ vật.
* Tạo cho bé niềm hứng thú: Hãy biểu hiện tình cảm bằng tiếng vỗ tay phấn khích, ngón tay cái biểu thị “number one”, mời cả nhà cùng hoan hô…, để làm tăng thêm sự hứng thú ở trẻ. Đây chính là một phương pháp tâm lý học, giúp cho bé trưởng thành khỏe mạnh về mặt tâm lý và trở thành người biết suy xét thấu tình đạt lý về sau.
* Áp dụng các trò chơi: Bố mẹ chơi với con nhiều sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, thông minh hơn. Những trò chơi thích hợp ở độ tuổi này như chi chi chành chành; tìm các đồ vật bị giấu, nhận biết, phân biệt màu sắc của đồ vật, âm thanh; tập nhìn các khuôn mặt có biểu cảm khác nhau; nhận thức và gọi tên các cảm xúc đó…
* Đòi hỏi sự kiên trì: Khi bắt đầu biết “u ơ”, đó là lúc bé học nói chuyện. Người lớn nên kiên trì chờ đợi và đáp lời bé. Khi biết nói, bé có thể “cà lăm” đôi chút vì còn phải sắp xếp câu chữ. Vì vậy, bạn cần kiên nhẫn chờ bé “bập bẹ”, rồi mới đáp lời. Hãy bắt chước những âm thanh của bé và lặp lại với các cung bậc khác nhau. Chẳng hạn bé gọi “u”, “a”…, bạn cũng nói lại “u”, “ù,” “ú,” hay “a”, “à”, “á”…
* Không nên ép buộc: Nhiều phụ huynh thường buộc trẻ phải chào người lớn mỗi khi gặp. Ở tuổi nhất định, bé có cảm giác riêng và đôi khi mắc cỡ, không vui hay không cảm thấy an toàn trước ai đó. Lúc ấy, bé sẽ từ chối lên tiếng, dù chỉ là những lời chào đơn giản. Thế nên, bạn đừng dọa nạt, la mắng khiến bé sợ. Thay vào đó, bé có thể dùng cử chỉ nào đó để thay thế tiếng chào, như vẫy tay, chớp mắt, gật đầu…
* Luôn khuyến khích: Việc khuyến khích bé nói phải được tiến hàng trong bầu khí vui vẻ hay lồng ghép trong các hoạt động, trò chơi. Bạn đừng tạo ra sự “nghiêm trọng” ở đây. Khi trẻ nói, dù ngắn, nhưng hãy tỏ ra chăm chú và biểu lộ những cử chỉ để chứng tỏ bạn quan tâm và hiểu được những gì bé nói.
Kinh nghiệm của các mẹ
* Thuminh (minhht_76@yahoo.com): Bé nhà mình thuộc dạng chậm nói. 17 tháng mới nói được nhưng chỉ sau 1 tháng, bé đã nói rất nhiều từ 2 – 3 âm tiết. Mỗi ngày đi làm về, mình dành thời gian nói chuyện và dạy bé từng từ đơn một. Sau khi bé nói sõi được 2 từ đơn của 1 từ ghép, mình dạy cho con đọc từ ghép luôn. Khi nấu ăn hay bất cứ lúc nào có bé ở cùng, mình đều nói chuyện và luyện cho bé. Giờ bé đã 2 tuổi, mình vừa cho con đi nhà trẻ và cô giáo cho biết là “con mẹ lẻo mép lắm”.
* Thùy Dương (Duong_htvc10@gmail.com): Các mẹ có thường xuyên nói chuyện với con không? Mình nghĩ rằng, trao đổi thông tin là cơ sở tốt nhất để làm phong phú ngôn từ cũng như phát triển kỹ năng nghe – nói của trẻ. Dù bé có nói được hay không, bạn cũng nên thường xuyên nói chuyện, tâm sự, kể chuyện… với con. Dạy con nói những từ từ dễ đến khó, đọc tên các đồ vật, đồ chơi, các món ăn… khi bạn chơi cùng hoặc lúc cho bé ăn. Thường làm như vậy nên 20 tháng tuổi, bé nhà mình đã nói được rất nhiều.
* Hải Vân (Van.haidocquangminh@yahoo.com): Nghe nói là, muốn trẻ nhanh nói thì mình phải nói nhiều với con. Bé nhà mình 16 tháng đã bập bẹ biết nói, nên mình thử chơi trò chơi gọi điện thoại xem sao. Mình lấy điện thoại đồ chơi ra, rồi “a lô”, “bà ơi”, “ba ơi”, đọc tên bé, gọi tên đồ vật… rất nhiều lần. Sau đó, bé đã bắt chước gọi điện thoại giống như mẹ và nói thêm được rất nhiều từ mới. Ngoài ra, khi con đòi thứ gì, mình đọc tên thật rõ tên cái đó, cho bé quan sát kỹ miệng mẹ phát âm, khuyến khích bé nói theo rồi mới đưa cho bé.
* Lan Anh (Bc.k53Hn@gamil.com): Con mình 18 tháng mà vẫn hầu như không nói được từ nào. Bé cũng thích rất thích xem TV và xem từ rất sớm. Ở nhà, bé rất nghịch nhưng ra ngoài thì lại vô cùng nhát. Mình cho con đi nhà trẻ lúc 18 tháng, bé khóc suốt 3 tuần đầu tiên. Nhưng chỉ sau 1 tháng, con bắt đầu quen, không khóc nữa và rất thích chơi với các bạn. Đặc biệt 2 tháng sau, con đã biết nói và hiểu người khác nói. Đến nay, đi học được tròn 1 năm, con đã nói nhiều, hát nhiều và thuộc khá nhiều từ tiếng Anh nữa. Mình nghĩ, nếu có trẻ bị chậm nói, các mẹ nên cho con đi học. Việc tiếp xúc sớm với các bạn sẽ giúp bé bớt nhút nhát và nhanh biết nói hơn.
Nguồn : bau.vn