Đẻ mổ

Việc đẻ mổ không đơn giản như nhiều người vẫn tưởng. "Bầu" đã có cuộc trao đổi với BS Hoa Hồng về vấn đề này như sau

Nên đẻ mổ khi nào?
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, mổ đẻ chỉ nên tiến hành trong những trường hợp bắt buộc do không thể đẻ thường. Chỉ sinh mổ trong những trường hợp sau:
– Kích thước của thai nhi và khung xương chậu không tương xứng.
– Thai phụ không có cơn co tử cung hoặc rối loạn cơn co mà không điều chỉnh được bằng thuốc.
– Cổ tử cung của thai phụ có sẹo hoặc thai phụ có u tiền đạo: U xơ tử cung ở thấp, u nang buồng trứng hoặc u ở cổ tử cung,… cản trở đường ra của thai nhi.
– Mẹ bị rau tiền đạo, rau bong non, sa dây rau, suy thai trong khi chuyển dạ, ối vỡ sớm, thai quá ngày, tiền sản giật, sản giật, tim, hô hấp, suy thận nặng.
– Ngôi thai bất thường (ngôi mặt cằm ở sau, ngôi trán, ngôi ngang, ngôi mông).
– Có vết mổ cũ ở tử cung (mổ đẻ dưới 24 tháng, sẹo bóc tách u xơ, cắt vách ngăn tử cung, mổ khâu các chấn thương cũ ở tử cung do vỡ).
– Đang mắc bệnh Herpes sinh dục.
– Có bệnh tiểu đường cần chấm dứt thai kỳ sớm.

Tại sao không nên mổ đẻ?
– Thai nhi ra ngoài bằng đường sinh của người mẹ sẽ thuận theo tự nhiên.
– Khi mẹ đẻ thường, em bé có hệ hô hấp khỏe mạnh hơn các em bé được mổ lấy ra. Khi sinh thường, các cơn co tử cung dồn dập, kích thích bé hô hấp. Còn trong trường hợp mổ lấy thai, trẻ sơ sinh sẽ có nguy cơ bị suy hô hấp do trung khu hô hấp chưa được chuẩn bị.
– Đẻ mổ có thể gây ra các tai biến ở mẹ. Thống kê cho thấy tỷ lệ sản phụ tử vong khi đẻ mổ cao gấp 4 – 5 lần đẻ thường. Việc đẻ mổ gây chảy nhiều máu do khi mổ chạm phải động mạch tử cung; nguy cơ viêm nội mạc tử cung; nhiễm trùng vết mổ có thể phải cắt tử cung trong thời gian hậu phẫu; tai biến phẫu thuật do phạm phải các cơ quan lân cận như ruột, bàng quang, niệu quản; dính ruột hoặc tắc ruột; viêm tắc tĩnh mạch ở vùng chậu. Hơn nữa, đẻ mổ cũng khiến thai nhi dễ gặp các tai biến như: bị chạm thương trong khu phẫu thuật, hít phải nước ối,…

Nên mổ đẻ mấy lần? Vì sao?
Chỉ được mổ đẻ 2 lần và khoảng cách an toàn giữa hai lần mổ là 5 năm. Mổ trên 2 lần có nguy cơ rất cao: dễ nhiễm trùng, toác vết mổ, nứt vết mổ (vỡ tử cung), chảy máu, dính ruột, tắc ruột và các tai biến gây nguy hiểm cho tính mạng mẹ và con

Lưu ý sau khi mổ đẻ:
– Uống nước, ăn sớm (uống, ăn thức ăn lỏng khi chưa trung tiện (đánh hơi), ăn bình thường khi đã có trung tiện). Ăn đủ chất, đủ lượng, uống đủ nhu cầu, tránh kiêng khem vô lý.
– Ngủ 8 giờ/ngày. Tôn trọng giấc ngủ trưa.
– Vận động sớm sau khi mổ: Ngày đầu sau mổ phải ngồi dậy ít nhất 2 lần, ngày thứ 2 có thể đi lại.
– Vệ sinh hàng ngày: Rửa vùng sinh dục ngoài ít nhất 3 lần/ngày; theo dõi ra máu, đau bụng, sốt và ra dịch hôi; lau người thay đồ sạch hàng ngày; sau 2 – 3 ngày có thể tắm nhanh bằng nước ấm.
– Vệ sinh vú và cho con bú sớm sau mổ.
– Thực hiện các biện pháp tránh thai.

Ngọc Bích

Nguồn : bau.vn