Giữ ấm cho bé

Thời tiết khô và lạnh của mùa đông khiến các bé thường mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Vậy làm gì để giữ ấm cho bé?

Giữ ấm cho bé sơ sinh
Khi bé ở nhà, bạn cần chú ý giữ ấm các phần quan trọng, dễ bị nhiễm lạnh nhất trên cơ thể bé như: lòng bàn chân, tay, chỏm đầu (thóp) và ngực bé bằng cách đội mũ và đi tất tay, tất chân cho bé. Bạn nhớ thay tã lót ngay sau khi bé đi vệ sinh để bé không bị ướt hay nhiễm lạnh. Các bác sĩ khuyên rằng nên để bé sơ sinh trong phòng với nhiệt độ ổn định từ 24 – 260C là thích hợp nhất.
Khi cho bé ra ngoài, cần cho bé mặc đủ ấm nhưng vẫn thoáng khí. Nên chọn chất liệu quần áo lót của bé bằng cotton (có độ mềm, mịn và ấm áp). Khi vào trong phòng ấm, bạn nhớ cởi bớt đồ cho bé, nếu không bé có thể bị nóng, ra nhiều mồ hôi và bị nhiễm lạnh.
Đừng quên tắm nắng cho bé vào buổi sáng (khoảng 9 – 10 giờ sáng vào ngày thường và 10 – 11 giờ vào những ngày đông) và nên sử dụng quạt sưởi có hơi ẩm nếu trời lạnh.
Với những em bé sinh non hoặc có vấn đề về sức khỏe, bên cạnh việc giữ ấm như các bé bình thường thì bé cần được chăm sóc đặc biệt để sớm thích nghi với môi trường bên ngoài. Một phương pháp giữ ấm đơn giản, nhưng hiệu quả được các bác sĩ khuyến khích là phương pháp Kanguru.
Bạn hãy hình dung chú Kanguru (chuột túi) dùng túi da trước ngực giữ ấm cho con. Người mẹ ấp bé vào ngực khoảng 30 phút/1 lần, mỗi ngày làm 1 – 2 lần, sao cho da mẹ tiếp xúc với da bé. Sau đó, có thể kéo dài đến vài giờ, thực hiện 2 – 3 lần trong ngày. Sau từ ba tuần đến một tháng, trẻ đã có thể thích nghi với nhiệt độ thông thường, đồng thời nhiệt độ cơ thể trẻ cũng ổn định hơn. Lúc đó, trẻ sẽ tự rời mẹ. Phương pháp này rất tốt vì hơi ấm của mẹ giúp ổn định nhiệt độ cơ thể trẻ, tránh được nguy cơ suy hô hấp.



\"\"
\"\"


Bé trong độ tuổi mẫu giáo
Bé trong độ tuổi này thường phải đi ra ngoài nhiều hơn. Vì vậy, cha mẹ cần đặc biệt chú ý giữ ấm cho bé trong những ngày tiết trời lạnh giá. Buổi sáng khi đưa bé đến lớp, nếu thấy trời có sương muối và lạnh buốt, hãy cho bé mặc hai áo lót, rồi mặc áo gi-lê ấm để giữ kín ngực mà tay bé vẫn cử động thoải mái. Đồng thời, cho trẻ đeo khẩu trang hoặc trùm khăn voan mỏng và quàng khăn kín cổ để tránh bé bị nhiễm lạnh dẫn đến ho, sổ mũi, sưng phổi,…
Với những bé ra mồ hôi trộm ban đêm, bố mẹ nên cho bé mặc áo lót cotton bên trong, lau mồ hôi khi bé bị ướt, khi bé khô ráo rồi mới mặc thêm đồ ấm. Bạn cũng nên cho bé đi một đôi tất mỏng, thấm nước để giữ ấm chân, tránh đi tất quá dày vì bé sẽ khó chịu và nhiều bé sẽ tháo tất ra.
Một số bà mẹ có kinh nghiệm giữ ấm cho bé bằng cách đơn giản là lấy những chiếc áo cotton dày hoặc áo len cũ của bố mẹ mặc cho con khi ngủ. Thực ra, cách này cũng giống như cho bé nằm túi ngủ nhưng dễ chịu hơn vì bé không bị gò bó tay chân.
Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung lượng nước uống cho bé hàng ngày. Có thể vào mùa đông, bé ít bị khát nhưng bạn vẫn nên tăng cường cho bé bú hoặc sử dụng nước hoa quả tươi. Các nghiên cứu khoa học chứng minh rằng, các loại nước hoa quả giàu vitamin C như: nước cam, chanh, bưởi,… có khả năng tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch và khiến bé không bị lạnh giá

Vương Minh

Nguồn : bau.vn