Hôn thú không chỉ là tấm giấy

Những năm gần đây, trong số những học sinh giỏi, người trẻ vượt khó, sinh viên tài năng hoặc người thành đạt được xã hội công nhân và tôn vinh, không hiếm gặp những gương mặt là con của bà mẹ đơn thân nuôi con (single mom).
Bà mẹ ấy có thể là một nghệ sĩ hiện đại đầy cá tính, một nhân viên văn phòng rất yêu nghề, một chuyên gia bận rộn, một phụ nữ đã đi qua tuổi xuân của mình và được xếp vào nhóm quá lứa nhỡ thì, một người tự nguyện hay nhầm lẫn trở thành “người thứ ba”, một thanh niên xung phong hay cô giáo miền xuôi lên vùng cao dạy học, một phụ nữ đã qua một lần đò đi bước nữa nhưng lại sợ “bước hụt”,… Không ít người thầm hỏi: Người cha của những đứa con ấy là ai?

Việc không kết hôn ngày nay trở thành một lựa chọn “hấp dẫn” có lẽ một phần do người ta có khả năng làm điều đó – phụ nữ không cần chồng để cậy dựa, chu cấp, đàn ông không cần vợ để nấu nướng, giặt giũ, lau dọn. Trước kia người ta đặt ra nhiều “thủ tục” rườm rà khi cưới xin, nhưng lại dễ chấp nhận những bất ổn trong mối quan hệ, kiên trì thích ứng với những đòi hỏi của người bạn đời và cũng khó từ bỏ khi hôn nhân không mỹ mãn. Ngày nay trào lưu tục hóa gây nhiều sự đảo lộn ảnh hưởng trên gia đình: có nhiều dạng gia đình, có nhiều loại hôn nhân, tỷ lệ ly thân, ly dị tăng cao. Nhưng hôn nhân và gia đình truyền thống vẫn luôn là một nền tảng quan trọng để có sự phát triển lành mạnh cho xã hội, chính vì thế cộng đồng nhân loại đang cổ vũ và bảo vệ phẩm giá của hôn nhân và gia đình.

Ở Mỹ xu hướng chọn lối sống độc thân đã gia tăng từ năm 1960: 48% phụ nữ không kết hôn so với 44% ở đàn ông. Thực ra đa số những người độc thân vẫn muốn kết hôn nhưng chưa tìm thấy người vừa ý hoặc chưa chọn được thời điểm thích hợp. Một số khác thì hài lòng với cuộc sống không bị ràng buộc hoặc sống chung không hôn thú. Tuổi kết hôn cũng trì hoãn lâu hơn, vào những năm 60, đàn ông kết hôn khi 23 tuổi và phụ nữ 20. Còn vào năm 1998, đàn ông 27 tuổi và phụ nữ 25. Con số các cặp nam nữ làm bố mẹ không cần hôn thú cũng gia tăng: cứ 3 trẻ em được sinh ra thì 1 là từ những ông bố bà mẹ độc thân trên pháp lý.
Nếu lựa chọn cách sống chung không kết hôn thì cặp bạn tình sẽ gặp phải ít nhất 2 vấn đề bất lợi:
•    Về xã hội: người đời vẫn quan niệm rằng kết hôn là điều lý tưởng, là đoạn kết có hậu “happy ending” với tình yêu nam – nữ, nếu không kết hôn sẽ có cảm giác như bị thất bại hay thiếu hụt hoặc chưa ổn định. Từ \”độc thân\” cũng dễ gây hiểu lầm – thường đồng nghĩa với việc người đó sống một mình và thiếu kinh nghiệm về cuộc sống gia đình (ca dao có câu: chòng chành như nón không quai/như thuyền không lái như ai không chồng), mà trên thực tế họ vẫn có người cùng chung chăn gối, con cái, bạn bè, bổn phận và nghĩa vụ…
•    Về luật pháp: sự phân biệt tình trạng hôn nhân ảnh hưởng tới những cặp không hôn thú mỗi khi dính tới việc làm giấy tờ, di trú, bảo hiểm, nghề nghiệp, thuế, hợp đồng mua bán, thừa kế tài sản,…
Có rất nhiều lý do để các cặp tình nhân gắn bó với nhau mà không kết hôn. Một số phụ nữ không muốn trở thành người vợ, mà chỉ là bạn tình. Một số có những trải nghiệm kinh khủng về ly hôn và không dám mạo hiểm lần nữa. Một số lại sợ mất đi những quyền lợi. Những cặp cưới xin không hề cam kết cả về luật đạo cũng như luật đời này hầu như không tồn tại lâu và phần thiệt thòi thường nghiêng về phụ nữ và những đứa trẻ không có cha về pháp lý. Chúng ta cần phải hiểu rằng hôn thú là “giấy chứng nhận kết hôn” nhưng không chỉ là tấm giấy. Sự cam kết và hôn nhân thường đi đôi với nhau trong một giao ước bền vững, đòi hỏi tình yêu và sự trung thành từ hai phía. Nếu hai người đã tin tưởng gắn kết về tâm hồn và quyết định chia sẻ đời mình với nhau, sao không chính thức kết hôn? Chẳng phải hôn nhân là mục tiêu cuối cùng của tình yêu đôi lứa hay sao? Hôn thú đâu chỉ là tấm giấy, đằng sau nó là cuộc đời và số phận của đứa con.

Th.S BS Nguyễn Lan Hải
Sách Vì đó là người cha

Nguồn : bau.vn