Khách ở quê ra

(bau.vn) Người ở thành phố có bà con ở quê, chắc chắn sẽ rơi vào hoàn cảnh đôi ba lần tiếp đón họ hàng. “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” nên đôi khi, họ cứ vô tư nhờ vả mà chẳng đếm xỉa gì đến cái khó của người khác.
Bởi trong điều kiện nhà cửa chật chội, hạn hẹp sẽ không tránh khỏi những xáo trộn, mâu thuẫn nảy sinh. Làm sao để tránh cho mình những khó chịu, tạo thoải mái cho khách, ứng xử thế nào khi có khách ở quê ra? Đó không chỉ là chuyện riêng của mỗi gia đình mà là chuyện chung của nhiều người dân thành phố hiện nay.

Những chuyện dở khóc dở cười

Môi trường sống ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, hành vi và lối sống của con người. Người thành phố vốn bận rộn với và không thích quan tâm đến chuyện riêng người khác, những người ở quê lại quen với lối sống làng xóm. Sự tiện nghi của người thành phố đôi khi lại là nỗi khốn khổ của những người ở quê. Trái lại, lối sống thoải mái của khách ở quê lại gây ra không ít rắc rối cho gia chủ.

* “Xe ôm” bất đắc dĩ: Năm nào, nhà chị Hương cũng trở thành điểm trọ ăn, ở của mấy đứa cháu đi thi đại học. Hôm ấy, vừa tới công ty, chồng chị gọi điện: “Bố cái Trang đưa nó ra thi nhưng lại thêm ông trưởng họ đi theo nữa. Mình không về tiếp đón sẽ bị cho là khinh người nhà quê, không chu đáo, rồi lại điếc tai ra. Em về ngay nhé”. Mặc dù bức bối, chị Hương đành xin nghỉ làm, vội vàng về nhà niềm nở, hỏi han, cơm nước. Hôm đi thi, lẽ ra, bố cháu đón đưa nhưng ông không quen đường Hà Nội nên tiện đường đi làm, chồng chị bất đắc dĩ trở thành ông xe ôm luôn. Và rồi, chuyện ấy không hề đơn giản bởi anh phải bỏ cả công việc để chầu chực đưa đón, tuy không vất vả nhưng lại tốn rất nhiều thời gian.

* Ôi cái điếu cày: Nhà anh Hoàng có ông bác đưa con đi chữa bệnh tá túc mấy hôm. Vốn ở quê nghiện hút thuốc lào, lên Hà Nội thèm quá mà không bói đâu ra ống điếu. Nể bác, anh tất tả sang ông bán nước bên cạnh mượn cái điếu cày. Khốn nỗi, ông lại thoải mái như ở quê, cho nước vào điếu rồi và “rít” vang cả nhà. Tệ hại hơn, nửa đêm, ông bác cứ thi thoảng tỉnh giấc làm vài “bi”, rồi cứ thế mà nhổ ra góc tường. Sáng ra, nước điếu lênh láng chảy ra gầm bàn uống nước, vàng khè cả sàn nhà. Chị vợ biết được, tức lồi mắt, móc máy vài câu chê “cái khu bốn” nhà anh. Đau hơn hoạn nhưng Hoàng vẫn cố giữ vẻ mặt tươi tỉnh, đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

 * Bữa cơm gia đình: Hôm ấy, tôi đến chơi đúng lúc nhà anh Đại đang ăn cơm. Hỏi ra mới biết, gia đình có khách ở quê vừa lên chơi. Bữa ăn của một gia đình dân văn phòng ở thành phố không nói  bạn cũng biết, chẳng ai nói với ai câu nào, chỉ có mỗi cái ti vi thao thao bất tuyệt. Vậy mà ông khách lại vui chuyện, có thêm chén rượu, ông càng rôm rả hơn. Chuyện nhà quê xê ra chuyện thành phố, chuyện trên trời, dưới đất, ông cụ lôi ra kể hết. Chị vợ khó chịu thì ngọt nhạt xỏ xiên, còn anh chỉ biết “ừ à” cho qua, rồi gắp cho ông lia lịa để “hãm phanh”. Hai đứa nhỏ thì cười ré lên vì được nghe những chuyện chúng chưa bao giờ được nghe, được biết. Chứng kiến khi ấy tôi cảm thấy chạnh lòng, quê hương bỗng trở nên dúm dó chẳng khác nào cái túi xách đựng đồ đạc của khách đang quây lại một đống nơi góc nhà kia…

Ứng xử ra sao?

Hãy trân trọng những vị khách ở quê ra bởi ai trong mỗi chúng ta cũng có quê hương. Do vậy, bạn nên trang bị cho mình những kinh nghiệm ứng xử sao cho khéo léo, hợp lý. Và trên hết, cần có một tấm lòng chân thành và cảm thông để cả khách lẫn gia chủ đều cảm thấy gần gũi, cởi mở với nhau.

* Hướng dẫn tận tình: Hướng dẫn khách cách sử dụng các phương tiện sinh hoạt như bình nóng lạnh, bếp ga, tủ lạnh… Chỉ cho họ dầu gội, dầu tắm, gương lược, kem đánh răng, bàn chải dành cho khách. Nhắc họ nơi để dép guốc, treo quần áo, giờ giấc sinh hoạt chung… Nói chung, tất cả những gì mình mong muốn ở khách thì đừng ngại ngần nói ra, mọi người sẽ rất vui vẻ đón nhận. Đây chính là cách giúp khách thích nghi với sinh hoạt của gia đình bạn.

* Nấu ăn chiều khách: Bạn đừng quên hỏi khách về chế độ ăn kiêng, khả năng thích nghi ăn uống để nấu những món ăn vừa phù hợp với gia đình mình lại vừa quen với khách. Giới thiệu những món ăn ngon của thành phố và nếu thoải mái thực sự, hãy chiêu đãi họ. Không ngại hướng dẫn họ cùng nấu ăn, thu dọn bếp núc với mình. Như vậy, khách thì thấy tự nhiên như ở nhà mà bản thân gia đình bạn cũng hào hứng với những đổi thay nhất thời trong trật tự cuộc sống.

* Tránh “bằng mặt mà không bằng lòng”: Chân tình nhắc nhở khách thích nghi với cuộc sống ở nhà mình như thói quen đi dép trong nhà, không xem ti vi quá khuya trong khi con bạn phải học hoặc đi ngủ đúng giờ, không hút thuốc rắc tàn khắp nơi, tắm không để nước tràn lênh láng… Bản thân khách khi phải “làm phiền” nhà bạn cũng rất ngại ngùng, họ sẽ không giận nếu được bạn chỉ dẫn mọi thứ để đôi bên hài lòng nhất. Nếu khách đi điều trị bệnh, hãy nhắc họ gọi điện báo trước để bạn thu xếp và chuẩn bị. Điều này đặc biệt có lợi cho khách vì bạn có thời gian hỏi và đưa ra những hướng dẫn cần thiết về bệnh viện, bác sĩ ngay khi họ đến.

*Thu xếp thời gian đi chơi: Bạn không thể hình dung, mỗi lần ra thành phố trở về nhà, họ có thể kể chuyện cả năm không hết. Với nhiều người, đến nhà bạn một lần cũng là cơ hội duy nhất trong đời. Có thể khi ấy, họ mới biết thế nào là đèn màu, bình nóng lạnh, kem, phở, đi thăm lăng Bác, vườn bách thú…Gia đình bạn sẽ tốn kém hơn một chút nhưng bạn sẽ vui vô cùng nếu biết rằng, những gì mình mang lại cho họ là dấu ấn cuộc đời, là kiến thức, văn hóa… mà bạn giúp họ lần đầu được cảm nhận và biết đến.

* Nghệ thuật cho quà: Đừng nghĩ người quê nghèo khó nên họ đến nhà mình là muốn nhờ vả, muốn xin xỏ. Loại trừ số ít trường hợp lợi dụng, thực tình cần lắm, họ mới nhờ cậy đến mình. Do vậy, không phải cho họ cái gì cũng được. Bạn cần nhớ, của cho không bằng cách cho. Khi khách ra về, bạn nên có những món quà nhỏ như cái khăn cho người già, gói kẹo cho trẻ nhỏ… Điều này thể hiện sự quan tâm đến họ hàng, cũng là cách giúp cho khách khỏi phải mất thêm khoản tiền nhỏ mua quà cho người thân. Những đồ đạc, quần áo còn tốt mà không dùng nữa, hãy nói để khách biết. Nếu họ đồng ý thì gói ghém cẩn thận tặng cho họ. Bạn cũng có thể thu thập báo chí, sách truyện cũ tặng họ. Món quà này thường không tốn kém mà lại đem đến rất nhiều ý nghĩa.

Phương Dung

Nguồn : bau.vn