Khen bé đúng cách

Muốn lời khen của bạn có hiệu quả, cần phải khen trẻ đúng lúc (kịp thời), đúng nơi, đúng mức và khách quan.

Việc khen ngợi trẻ đúng cách rất cần thiết vì các em còn đang ở lứa tuổi phát triển về thể chất và tâm trí. Trẻ chưa có khả năng tự đánh giá bản thân một cách khách quan, chưa biết phê phán đúng mức nên trẻ hay bị ngộ nhận. Việc cha mẹ và người lớn khen trẻ thế nào để đạt hiệu quả là một vấn đề chúng ta cần lưu tâm đến.

Khi nào khen trẻ

Có những cha mẹ tự hào về con cái, cứ khách đến nhà là bắt con trổ tài nào là nói tiếng Anh, nào là hát, múa đọc thơ,… rồi khen ngợi trẻ không tiếc lời. Có cha mẹ cho con ăn diện thật đẹp ở những nơi không thật cần thiết để chứng tỏ trẻ hơn hẳn các trẻ khác, làm mọi người phải trầm trồ,… Cha mẹ luôn muốn con mình được mọi người nhìn nhận nhưng do vô tình hay cố tình đã đưa trẻ vào sự phô trương không cần thiết, có thể làm cho trẻ trở nên kiêu căng, giảm ý thức đánh giá khả năng của trẻ. Lạm dụng khen ngợi trẻ sẽ làm trẻ cảm thấy lời khen không có giá trị.

Nếu sử dụng đúng mức lời khen sẽ duy trì hành vi tốt, tạo động lực cho trẻ vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo sự tự tin và từng bước tạo dựng nhân cách sau này. Lời khen của cha mẹ, ông bà, giáo viên đối với trẻ làm cho trẻ phấn khởi vì trẻ cảm nhận được sự quan tâm và tôn trọng.

Muốn lời khen của bạn có hiệu quả, cần phải khen trẻ đúng lúc (kịp thời), đúng nơi, đúng mức và khách quan.

Cách khen trẻ

Khi khen trẻ, bạn nên dùng lời nói kết hợp với ánh mắt nhìn trẻ, cùng với cử chỉ biểu cảm như gật đầu tán thưởng hoặc vỗ tay, bắt tay trẻ tùy theo tình huống khi đó.

Bố mẹ hay ông bà không nên lạm dụng việc ra điều kiện với trẻ. Nếu cứ ra điều kiện con phải làm thế này, thế kia rồi bố mẹ sẽ thưởng thì con bạn dần dần sẽ trở thành người thực dụng. Đến một lúc nào đó, trẻ lại trở thành người ra điều kiện ngược lại, điều đó hoàn toàn không tốt cho sự phát triển nhân cách trẻ. Ví dụ bạn nên nói “con xứng đáng được đi nghỉ biển đợt này vì con đã cố gắng học tốt” mà không nên nói ”nếu con học giỏi, mẹ sẽ thưởng cho con đi nghỉ biển”.
Khi khen trẻ, bạn nên tránh dùng từ “nhưng”, ví dụ khi bạn nói “con mặc áo đẹp quá nhưng con cài cúc bị lệch rồi” sẽ làm cho con bạn xấu hổ và lần sau trẻ sẽ ỷ lại, không tự mặc áo nữa. Gặp phải trường hợp này, bạn không nên bắt lỗi của trẻ mà hướng dẫn trẻ cách cài cúc áo. Khi con bạn đã cài cúc được rồi, bạn khen con “Ồ! vậy là con đã biết cài cúc áo rồi nhỉ” thì trẻ sẽ rất thích, vì trẻ đã cố gắng làm thành công.

Trẻ chỉ cảm thấy tự tin thật sự khi trẻ có cơ hội để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Khi trẻ thành công thì lời khen của cha mẹ mới mang đến tác dụng tích cực. Cha mẹ, ông bà cũng như thầy cô cần khen ngợi sự cố gắng của trẻ chứ không chỉ khen ngợi kết quả công việc, học tập của trẻ. Ví dụ: một trẻ nhỏ mới tập vẽ, dù vẽ chưa đẹp nhưng trẻ rất chăm chỉ ta cũng nên khen động viên sự cố gắng của trẻ. Những sự khuyến khích này sẽ giúp trẻ có động cơ vượt khó khăn để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình. Ngược lại, nếu ta lại khen trẻ vẽ đẹp, nặn giỏi, trẻ lại tưởng là trẻ đã giỏi rồi, trẻ sẽ giảm sự quyết tâm vượt qua hạn chế của mình và không cố gắng nữa. Trong những trường hợp này, bạn nên khen ngợi động cơ hành động của trẻ, như là khen sự tập trung chú ý, sự chọn lựa thích hợp, tính bền bỉ cố gắng luyện tập,…

\"\"
Ảnh minh họa

Khen trẻ theo độ tuổi

Tùy theo lứa tuổi của bé mà ta có lời khen thích hợp.

– Đối với trẻ nhỏ mới tập đi tập nói, bạn nên dùng ánh mắt, nụ cười, vỗ tay, vẫy tay kết hợp với lời nói âu yếm khích lệ trẻ tự tin tập luyện thành thục.

– Đối với trẻ lên 2 – 3 tuổi, bạn nên chỉ bảo cụ thể cho trẻ trong sinh hoạt, vui chơi. Ví dụ: con giúp mẹ bỏ hết đồ chơi vào thùng này nhé. Khi trẻ đã làm xong thì bạn nên khen bé như: con của mẹ ngoan quá, đã cất hết đồ chơi rồi đấy!

– Trẻ 4 – 6 tuổi đã có ý thức hơn, bạn nên khen ngợi động cơ của trẻ gắn với việc làm của trẻ. Ví dụ: bạn nói “Ôi, con của mẹ thật là ngoan khi biết nhường em bé đồ chơi” cùng với sự âu yếm xoa đầu con hoặc ôm trẻ vào lòng làm trẻ thấy vui thích. Khi khen trẻ nên chú ý đến sự công bằng và nhất quán trong lời khen của mọi người trong nhà. Ví dụ trẻ nhặt được đồ chơi mang về nhà, người thì bảo trẻ mang trả, người lại khen con may mắn.

Khen ngợi trẻ quá nhiều cũng làm trẻ nhàm chán vì nhiều khi trẻ biết rằng sớm muộn gì thì trẻ cũng biết bạn khen suông. Vì vậy, bạn phải thường xuyên quan sát trẻ để phát hiện những khả năng của trẻ, vì mỗi trẻ có một khả năng giỏi ở mặt này hay mặt khác. Hãy khuyến khích mỗi sự nỗ lực thể hiện của trẻ. Cùng với lời khen trẻ, tùy từng điều kiện có thể có những phần thưởng thích hợp mang giá trị tinh thần, có tác dụng khích lệ trẻ hơn nữa. Lời khen thích hợp có tác dụng tạo lập lòng tự tin, giúp trẻ có cách sống lạc quan, tích cực và phát huy năng lực của mình một cách tốt nhất.

BS Quách Thúy Minh

Nguồn : bau.vn