Làm gì khi bé tò mò về giới tính?

Một số phụ huynh giật mình khi thấy trẻ nhỏ chưa đến 10 tuổi đã tò mò về giới tính của nhau. Thậm chí, có bé biết thích các bạn khác giới và tỏ ra bẽn lẽn trước các bạn mình thích. Vậy có phải là bé phát triển sớm không và các bậc phụ huynh cần phải làm gì khi gặp những biểu hiện đó?

Sự tò mò của bé

Bắt chước người lớn âu yếm nhau, trêu ghẹo bạn gái, nói lời thô tục hoặc có hành vi tự kích thích (thủ dâm), bé gái thích mặc đồ rất ngắn, có bé trai bảo mẹ: con thích cô bé kia,… là những biểu hiện của việc bé đã tò mò về giới tính.

Để hiểu tại sao có những trẻ lại hành động như vậy, trước hết, ta cùng tìm hiểu các giai đoạn phát triển giới tính ở trẻ em.

Giai đoạn đầu đời: (1 – 6 tuổi)

Từ 1 – 2 tuổi, bé trai hay tự sờ chim và coi đó như một trò chơi. Đây là hành vi tự khám phá cơ thể mình và là một biểu hiện của nhận thức. Tuy vậy, nếu người lớn không ngăn hành vi đó bằng cách đánh lạc hướng như cho bé chơi các đồ chơi khác thì lâu dần, nó sẽ trở thành tật xấu (thủ dâm) khó sửa.

Đến 2 – 3 tuổi, trẻ bắt đầu ý thức được giới tính của mình và của những người khác thông qua quan sát ăn mặc, đầu tóc, cách xưng hô,… Trẻ ở lứa tuổi này đã bắt đầu có nhận thức và muốn khám phá cái mới.

Vào lúc 3 – 4 tuổi, trẻ ý thức được sự khác nhau về giới tính và rất tò mò về bộ phận sinh dục của mình. Lúc này, bé trai thường tự hào về việc mình tè đứng và có khi còn thi nhau xem ai tè xa nhất. Bé trai rất sợ khi có ai dọa nếu bé hư sẽ bị “xẻo chim”. Bé trai quan tâm đến và biết rằng bạn gái tè bô mà không tè đứng như mình.

Tới 4 – 6 tuổi, bé rất quan tâm đến chuyện em bé được sinh ra như thế nào. Ở lứa tuổi này, bé trai và gái vẫn chơi cùng với nhau mà chưa thấy ngại ngùng.

Giai đoạn tiền dậy thì: (7 – 10 tuổi)

Trẻ 7 – 8 tuổi thường tự bàn chuyện với nhau về việc sinh đẻ theo sự tưởng tượng của mình và một số đã quan tâm để ý tới bạn khác giới.

Trẻ 9 – 10 tuổi bắt đầu bộc lộ xu hướng giới tính khá rõ và ý muốn khám phá ngày càng tăng. Bé trai và gái lúc này có xu hướng chơi riêng, ngồi riêng thành nhóm và có hiện tượng trêu nhau, gán ghép bạn gái này với bạn trai kia làm cho người bị ghép đôi cảm thấy ngượng nghịu khi gặp mặt. Đã xuất hiện những bức thư tình tuổi học trò hoặc một số trẻ đã thì thầm bàn tán về “chuyện ấy”. Trẻ hay tò mò hỏi người lớn về nhiều thứ. Trẻ muốn tìm hiểu về cơ thể người khác giới, thích bắt chước hành vi của người lớn.

Việc để ý và vô tình nhìn thấy từ bố mẹ, từ phim ảnh, trẻ thường muốn xâm nhập vào thế giới người lớn và “thí nghiệm” những gì mình nhìn thấy. Tất cả vì tính tò mò của trẻ.

\"\"
(Ảnh minh họa)


Giai đoạn dậy thì: (11 – 15 tuổi)

Tùy theo sự phát triển sinh lý của từng bé mà bé gái sẽ có kinh nguyệt và bé trai có “giấc mơ ướt” sớm hoặc muộn ở lứa tuổi này.

Bé gái thường dậy thì sớm hơn bé trai từ 1 – 3 năm. Cả bé trai và bé gái đều quan tâm đến vai trò của người bố trong chuyện sinh đẻ. Một số trẻ thích đọc những sách hoặc xem phim về yêu đương và tình dục. Chúng có thể đọc một mình hoặc chuyền tay nhau đọc. Hiện nay, trên thị trường có nhiều băng hình khiêu dâm gợi cho trẻ tính tò mò cao độ và một số có thể còn muốn “thử” như vậy.

Ở tuổi 15, các em gái thường có những thần tượng là những người lớn tuổi hơn, những ngôi sao điện ảnh hoặc ca sĩ, say mê những chuyện tình lãng mạn. Còn bé trai hay để ý đến những cô gái lớn tuổi, một số em lén lút sưu tầm ảnh khỏa thân,…

Nguyên nhân

Những hành vi lệch lạc giới tính của trẻ thường xảy ra ở những gia đình bố mẹ chưa quan tâm đến sự phát triển tâm lý của con một cách đầy đủ, hoặc do nhà cửa chật chội nên đã cho trẻ ngủ cùng phòng hoặc do chiều nên vẫn cho nằm chung dù trẻ đã lớn. Bên cạnh đó, do tác động của sách báo phim ảnh, băng hình sex ở thị trường cũng góp phần “đầu độc” tâm hồn non nớt của trẻ.

Nếu không phát hiện và ngăn ngừa sớm những hành vi lệch lạc giới tính sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ và tính cách sau này của trẻ, như: có thể quan hệ đồng tính, quan hệ tình dục sớm, phát triển giới tính lệch lạc, kém thích ứng, rối nhiễu hành vi ứng xử,…

Nhiều phụ huynh chờ đến khi con gái có kỳ kinh nguyệt mới mập mờ giải thích cho con về chu kỳ hàng tháng. Còn với bé trai thì thường là để mặc chúng tự mày mò vì nhiều người nghĩ đơn giản là tự trẻ sẽ biết những gì cần làm.

Nhiều cha mẹ thấy con tò mò giới tính đã quá hoảng hốt và đánh mắng trẻ làm trẻ sợ hãi, ức chế hoặc tức giận. Đó là điều sai lầm nên tránh vì sau đó không bao giờ trẻ dám chuyện trò về giới tính với cha mẹ và trẻ sẽ đi tìm hiểu bằng những cách khác.

Có nhiều phụ huynh khó trả lời câu hỏi của bé nên hay tìm cách trả lời qua loa hoặc bịa ra một cách nào đó cho xong chuyện như: bé được chui ra từ nách, con cò mang bé đến từ ngọn cây,… càng gợi sự tò mò nên bé càng hỏi nhiều.

Cha mẹ cần làm gì?

– Người lớn nên cư xử đúng mực trước mặt trẻ.

– Gần gũi, chia sẻ, bình tĩnh lắng nghe những lời giải thích của trẻ. Luôn trả lời câu hỏi về giới tính của trẻ một cách đơn giản, chân thực, nghiêm túc và khoa học. Có thể dựa vào sách báo để cung cấp thông tin về giới tính cho trẻ.

– Nên giải thích cho con hiểu những vấn đề nhạy cảm và phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Giáo dục giới tính sẽ giúp trẻ định hướng đúng và trẻ sẽ ít tò mò hơn.

– Nên cho trẻ ngủ riêng ngay từ sau 3 tuổi, để giáo dục cho trẻ tính tự lập và tránh xảy ra sự tò mò đáng tiếc.

– Tùy vào độ tuổi của trẻ mà giải thích nhiều hay ít về cơ quan sinh sản, nơi tạo ra em bé. Trẻ sau 10 tuổi mới có thể hiểu được những khái niệm về sự thụ tinh hoặc sự phát triển của các cơ quan “nhạy cảm”.

Trẻ muốn tìm hiểu về cơ thể, bắt chước hành vi người lớn là việc làm thể hiện trẻ đang lớn, muốn khám phá mọi thứ xung quanh để thích nghi cuộc sống. Điều quan trọng là trẻ cần được người lớn hướng dẫn cách tìm hiểu cho đúng.

ThS, BS Quách Thúy Minh
BV Nhi Trung ương

Nguồn : bau.vn