Nguyên nhân gây thừa cân ở trẻ em
Tình trạng tích tụ mỡ quá mức và bất thường của cơ thể được gọi là thừa cân béo phì, gây hậu quả xấu cho sức khỏe. Sự mất thăng bằng về năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao hàng ngày là đặc điểm chung của trẻ thừa cân
Trẻ em trở nên thừa cân và béo phì vì nhiều lý do. Các nguyên nhân phổ biến nhất là yếu tố di truyền, ít hoạt động, chế độ ăn uống không lành mạnh hoặc kết hợp tất cả các yếu tố này. Chỉ một số ít các trường hợp trẻ bị thừa cân được gây ra bởi một vấn đề sức khỏe nào đó, chẳng hạn như vấn đề về nội tiết tố. Một cuộc kiểm tra thể chất và một số xét nghiệm máu có thể loại trừ khả năng tình trạng y tế là nguyên nhân gây béo phì.
Mặc dù vấn đề cân nặng cũng do yếu tố di truyền gây ra, nhưng không phải tất cả trẻ em có tiền sử gia đình béo phì sẽ bị thừa cân. Trẻ em có cha mẹ hoặc anh chị em thừa cân có thể có nguy cơ bị thừa cân cao hơn, tuy nhiên điều này có liên quan đến thói quen ăn uống và sinh hoạt của gia đình.
Tổng mức ăn và hoạt động của trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định cân nặng của trẻ. Ngày nay, nhiều trẻ em không dành nhiều thời gian để hoạt động thể chất. Ví dụ, một đứa trẻ trung bình dành khoảng bốn giờ mỗi ngày để xem tivi. Khi máy tính và trò chơi điện tử ngày càng trở nên phổ biến, số giờ không tập luyện thể chất của trẻ ngày càng tăng lên.
Trẻ bị thừa cân có nguy cơ mắc những bệnh gì?
Trẻ thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc một số bệnh sau:
– Hàm lượng cholesterol cao
– Huyết áp cao
– Bệnh tim
– Bệnh tiểu đường
– Các vấn đề về xương
– Các vấn đề về da như phát ban nhiệt, nhiễm nấm và mụn trứng cá
Trẻ thừa cân, béo phì có nguy cơ cao huyết áp gấp 3 lần, nguy cơ xơ vữa động mạch gấp 7 lần và nguy cơ mắc bệnh mạch vành gấp 2 lần so với trẻ có cân nặng bình thường.
Thừa cân béo phì ở trẻ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường và các bệnh mãn tính khác ngay khi trẻ còn nhỏ cũng như lúc trưởng thành.
Làm sao để biết trẻ bị thừa cân?
Hầu hết các bà mẹ đều không biết chính xác kích thước cơ thể của con mình, nhưng rất hài lòng với kích thước của con mình. Những người không hài lòng thường tìm cách để con mình trông lớn hơn.
Điều này hoàn toàn không tốt nếu đứa trẻ đã có cân nặng hợp lý hoặc đang thừa cân. Bởi nếu bạn mong muốn con bạn lớn hơn, bạn có thể khuyến khích trẻ tăng cân.
Một em bé khỏe mạnh có phải là một em bé mũm mĩm? Nhiều người tin rằng một đứa bé mũm mĩm là dấu hiệu của việc nuôi dạy con tốt, nhưng điều này không còn chính xác nữa. Trẻ em mũm mĩm có nhiều khả năng trở thành người trưởng thành bị thừa cân hoặc béo phì – đặc biệt là nếu cha mẹ của trẻ nhầm tưởng trẻ bị thiếu cân và cố gắng để trẻ tăng cân.
Như hiện tại, khoảng 1 trong 3 trẻ em ở Mỹ bị thừa cân hoặc béo phì trước 5 tuổi. Tỷ lệ béo phì ở trẻ em tại Mỹ đã tăng gấp 3 lần kể từ những năm 1970. Nếu cha mẹ thậm chí không thể xác định rằng con mình bị thừa cân, họ sẽ không thể ngăn con mình bị thừa cân hoặc béo phì.
Người tốt nhất để xác định xem con bạn có thừa cân hay không chính là bác sĩ chuyên khoa. Để xác định xem con bạn có thừa cân hay không, bác sĩ sẽ đo cân nặng và chiều cao của trẻ và tính chỉ số BMI hoặc chỉ số khối cơ thể của bé, để so sánh giá trị này với các giá trị tiêu chuẩn. Bác sĩ cũng sẽ xem xét tuổi và mô hình tăng trưởng của con bạn.
Cách khắc phục tình trạng thừa cân ở trẻ
Nếu bạn có một đứa trẻ thừa cân, điều rất quan trọng là bạn cho trẻ biết rằng, bạn sẽ luôn đồng hành cùng trẻ. Cảm xúc của trẻ về bản thân thường dựa trên cảm xúc của cha mẹ về chúng, và nếu bạn chấp nhận con bạn ở bất kỳ cân nặng nào, chúng sẽ cảm thấy tích cực hơn về bản thân. Điều cũng quan trọng là bạn cần nói chuyện với trẻ về cân nặng của chúng, cho phép trẻ chia sẻ mối quan tâm của trẻ với bạn.
Không khuyến khích cha mẹ áp đặt con cái về cân nặng của chúng. Thay vào đó, cha mẹ nên tập trung vào việc dần dần thay đổi các hoạt động thể chất và thói quen ăn uống của gia đình. Bằng cách tham gia vào toàn bộ các hoạt động của gia đình, mọi người đều được áp dụng thói quen lành mạnh và trẻ bị thừa cân không cảm thấy đơn độc.
Ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ, các mẹ thường không nhận thức được chính xác về kích thước cơ thể hoặc tình trạng cân nặng của trẻ. Nhận thức sai lầm này có thể dẫn đến việc khuyến khích trẻ ăn nhiều hơn mức cần thiết.
Cha mẹ là nhân tố mang tới nhiều ảnh hưởng đến trẻ, đặc biệt là khi trẻ còn nhỏ. Đây là thời điểm hợp lý để khuyến khích trẻ ăn trái cây và rau quả.
Bên cạnh đó, bạn có thể cần sự hỗ trợ của bác sĩ nhi khoa để biết được chính xác về tình trạng cân nặng của trẻ cùng sự tư vấn kịp thời từ các chuyên gia. Có nhiều các để cả gia đình cùng thực hiện những thói quen lành mạnh, đặc biệt quan trọng nhất là việc tăng cường hoạt động thể chất, chẳng hạn như:
– Bạn cần thường xuyên luyện tập thể thao: Nếu con bạn thấy rằng bạn thường xuyên luyện tập hoạt động thể chất, chúng sẽ học theo và duy trì những hoạt động này cho đến hết đời.
– Lập kế hoạch cho các hoạt động nhằm mục đích cho cả gia đình tập thể dục, như đi bộ, đi xe đạp hoặc bơi lội
– Hãy nhạy cảm với nhu cầu của trẻ: Trẻ thừa cân có thể cảm thấy không thoải mái khi tham gia vào một số hoạt động. Điều quan trọng là giúp con bạn tìm các hoạt động thể chất mà chúng thích và điều đó không gây khó khăn với trẻ.
– Hãy nỗ lực để giảm thời gian của bạn và gia đình dành cho các hoạt động ít vận động, chẳng hạn như xem TV hoặc chơi trò chơi điện tử.
– Hạn chế trẻ thừa cân uống nước trái cây và soda
– Khuyến khích trẻ tăng cường các hoạt động thể chất phù hợp với từng lứa tuổi
Bất cứ cách tiếp cận nào cha mẹ lựa chọn để thực hiện đối với một đứa trẻ thừa cân, mục đích ở đây không phải là ép buộc trẻ phải hoạt động thể chất quá sức và tuân theo chế độ ăn uống nghiêm ngặt, mà là để tận dụng tối đa các cơ hội mà bạn và gia đình được luyện tập thể thao, hoạt động thể chất và tăng cường sức khỏe.
Thùy Linh
Nguồn: http://bau.vn/be-yeu/tin-47812/mon-an-dam-la-mieng-tu-bap-ngo.html
Nguồn : bau.vn