Nếu bị polyp sẽ không mang thai được?
Không đúng, vì rất nhiều phụ nữ bị polyp vẫn có thai bình thường. Polyp nằm bên trong tử cung (đôi khi có thể trượt ra ngoài và đi vào âm đạo), gây cản trở cho việc thụ thai. Khi đã thụ thai thành công, polyp lại là nguyên nhân chính gây sảy thai, động thai. Ngoài ra, polyp tử cung có thể là nguyên nhân gây nên các bệnh khác như lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang… Vì thế, chị em cần đi thăm khám phụ khoa, nhằm phát hiện và phẫu thuật loại bỏ polyp trước khi dự định mang thai. Đặc biệt, với những phụ nữ vô sinh và phải mang thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm, polyp có thể làm tăng nguy cơ bị sảy thai, nên cần cắt bỏ trước khi đặt phôi vào buồng tử cung.
Có phải khi mang thai mới bị polyp?
Không phải, vì polyp có thể xuất hiện trước khi mang thai, nhưng khó phát hiện ra. Đến lúc mang thai, gặp hiện tượng ra máu âm đạo nhiều, đi thăm khám và siêu âm chuyên sâu mới phát hiện. Đối với những bà bầu bị polyp tử cung, nếu không có gì nguy hiểm thì bác sĩ có thể chấp nhận để bạn “sống chung” với nó. Sinh xong, mới phẫu thuật cắt bỏ. Nếu cắt polyp ở người đang mang thai, nguy cơ viêm nhiễm và sảy thai là rất cao.
“Sống chung” với polyp thì thai nhi có bị ảnh hưởng không?
Về mặt sức khỏe hay những liên quan đến sự phát triển hình thái của thai nhi, thì polype không gây ảnh hưởng gì. Ngoài việc rất dễ bị sung huyết và chảy máu, nếu khối polype nhỏ và chảy máu ít sẽ không ảnh hưởng đến thai, nếu nhiều thì mới có nguy cơ sảy thai. Căn cứ vào mức độ lớp cụ thể của polype, các mẹ có thể tham khảo và tuân theo chỉ định của bác sĩ, để nhận được sự tư vấn an toàn nhất cho mình và thai nhi ở thời điểm hiện tại.
Làm sao có thể tự đoán được bị polyp tử cung?
Dấu hiệu nhận biết dễ nhất là tình trạng ra máu bất thường. Khi có hiện tượng này, nhiều người chỉ cho rằng đó là rối loạn kinh nguyệt, dẫn tới chủ quan không thăm khám và điều trị. Nếu để lâu, có thể gây viêm nhiễm, thậm chí có nhiều polyp biến chứng thành ung thư cổ tử cung. Chị em cần đặc biệt lưu ý, là polyp thường gặp ở những người có chu kỳ kinh nguyệt không đều (quá ngắn hoặc quá dài), chảy máu giữa các chu kỳ, chảy máu nhiều quá mức trong chu kỳ, xuất huyết âm đạo sau tuổi mãn kinh, hoặc thấy ra máu ít hay nhiều khi quan hệ.
Sau sinh, cần xử lý polyp thế nào?
Việc xử lý polyp trước hoặc sau khi mang thai rất đơn giản, với các phương pháp khác nhau. Tùy vào vị trí, kích thước, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp như cắt polyp và đốt chân cuống polyp bằng điện để ngừa tái phát.
Tường Lâm (Tạp chí Bầu)
Nguồn : bau.vn