Mỗi ngày mẹ dành khoảng 30 phút đọc truyện cổ tích cho thai nhi, sau này con thông minh, sáng dạ

Đọc truyện cổ tích cho thai nhi là một phương thức giúp bé phát triển trí não ngay từ trong bụng mẹ được rất nhiều ông bố, bà mẹ tin tưởng và áp dụng. Bên cạnh đó, nó cũng giúp tình cảm của mẹ và bé ngày càng gắn kết hơn.

Đọc truyện cổ tích cho thai nhi là một trải nghiệm thú vị mang lại rất nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé trong suốt quá trình mang thai.

Khi nào mẹ có thể bắt đầu đọc truyện cổ tích cho thai nhi?

truyen co tich cho thai nhi

Thời điểm thích hợp nhất để mẹ bắt đầu đọc truyện cho thai nhi là vào tuần thai thứ 18 của thai kỳ. Lúc này, thai nhi đã bắt đầu “đọc vị” được âm thanh. Cho tới cuối tam cá nguyệt thứ 2, thai nhi bắt đầu nghe được. Các âm thanh từ tiếng tim đập, tiếng thở đến tiếng nói cười của mẹ đều được bé ghi nhớ. Vì thế mẹ hãy đọc truyện cho bé nghe mỗi ngày để tình cảm mẹ con thêm gắn kết mẹ nhé!

Lợi ích của đọc truyện cổ tích cho thai nhi

  1. Đọc truyện cổ tích cho thai nhi giúp bé phát triển kỹ năng ngôn ngữ trong tương lai. Nghe kể truyện mỗi ngày khiến vốn từ của bé trở nên phong phú hơn, khả năng học hỏi và tiếp thu của bé cũng tốt hơn.
  2. Đọc truyện cũng là một cách để gắn kết tình cảm mẹ con. Qua suốt quãng thời gian được nghe mẹ kể truyện, bé sẽ có cảm giác gần gũi, thân thuộc với mẹ hơn. Giọng của mẹ sẽ được bé ghi nhớ và nhận ra và phân biệt với các giọng nói khác ngay khi vừa sinh ra. Thật kỳ diệu và tuyệt vời phải không?
  3. Sự lặp đi lặp lại việc đọc truyện trong một khoảng thời gian dài cũng giúp bé tăng khả năng tập trung hơn khi chào đời.
  4. Lắng nghe mẹ đọc truyện mỗi ngày sẽ là tiền đề quan trọng để con phát triển não bộ, khả năng ngôn ngữ và cảm xúc trong tương lai.
  5. Việc đọc truyện khi mang thai với những mẩu chuyện nhẹ nhàng, vui vẻ sẽ khiến tâm trạng mẹ bầu trở nên phấn chấn, lạc quan và loại bỏ được những suy nghĩ tiêu cực. Đọc truyện cũng là phương pháp giúp mẹ bầu hạn chế được tình trạng trầm cảm sau sinh khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, mẹ cũng nên nhớ hãy đọc truyện cho bé khi tâm trạng đang thoải mái nhé. Cố gắng đọc truyện cho bé khi tâm lý mẹ đang buồn bực sẽ gây tác động xấu tới thai nhi.

Gợi ý một số cho mẹ một số truyện cổ tích nên đọc

truyen co tich cho thai nhi

Đọc truyện cổ tích cho thai nhi xuất hiện nhiều ngôn ngữ giàu hình ảnh sẽ khiến bé có một vốn từ thật phong phú. Truyện cổ tích sẽ là cánh cổng đầy phép màu mở ra những thế giới mới lạ và diệu kỳ, kích thích trí tưởng tượng của trẻ và giúp trẻ sớm rèn luyện cảm xúc, sống tích cực hơn. Đây là một số truyện cổ tích bau.vn gợi ý cho mẹ:

Truyện cổ tích cho thai nhi: Con cóc là cậu ông trời

truyen co tich cho thai nhi

 

Thuở xa xưa, Ngọc Hoàng cai quản tất cả các việc trên trời và dưới đất. Ngọc Hoàng giao cho thần Mưa chịu trách nhiệm làm mưa cho tất cả các con vật và cây cỏ có nước uống. Nhưng đã ba năm nay, không có một giọt mưa nào. Khắp nơi đất đai nứt nẻ, cây cỏ khát nước chết rụi, các con thú cũng chết dần chết mòn vì khát. Muôn loài đều kêu than ai oán, vậy mà trời đâu có thấu.

Một hôm, các con vật họp bàn với nhau lại, chúng quyết định cử Cóc lên gặp Ngọc Hoàng. Cùng đi với Cóc có Cáo, Gấu và Cọp. Bốn con vật đi mãi, cuối cùng cũng lên đến cửa nhà trời. Ở cánh cửa có đặt một cái trống rất to. Theo tục lệ, nếu ai có điều gì oan ức, thì đánh trống lên, Ngọc Hoàng sẽ ra giải quyết. Cóc bảo Cáo, Gấu, Cọp nấp vào bụi rậm, còn Cóc thì nhảy lên đánh trống inh ỏi.

Ngọc Hoàng nghe tiếng trống liền sai một thiên thần ra nhìn xem ai. Thiên thần bước ra nhìn ngược nhìn xuôi mãi không thấy ai, chỉ thấy một con Cóc bé nhỏ ngồi trên trống. Khi biết Cóc có ý định gặp Ngọc Hoàng, thiên thần tỏ ý khinh bỉ Cóc, lẳng lặng đi vào và thưa với Ngọc Hoàng:

– Thưa Ngọc Hoàng, kẻ dám cả gan đánh trống ầm ĩ nhà trời là một con Cóc bé tí, xấu xí, thần hỏi nó đi đâu, nó nói lên gặp Ngọc Hoàng để kiện.

Ngọc Hoàng nghe thiên thần nói vậy thì giận lắm, bèn sai bầy gà ra mổ Cóc. Bầy gà vừa ló khỏi cửa, Cóc ra hiệu cho Cáo từ trong bụi rậm ra vồ gà.

Biết Gà bị Cáo bắt mất, Ngọc Hoàng liền sai Chó ra bắt Cáo. Chó chạy ra chỉ kịp sủa một tiếng đã bị Gấu ra chộp lấy tha đi. Ngọc Hoàng lại sai một toán lính ra trị Gấu. Lần này, Cọp xông ra quật ngã toán lính không chừa một người nào.

Ngọc Hoàng không ngờ Cóc tuy bé nhỏ mà lại khó trị như vậy, Ngọc Hoàng đổi giận làm lành sai thiên thần ra mời Cóc vào. Ngọc Hoàng hỏi Cóc:

– Cậu lên đây có việc gì?

Cóc thưa:

– Muôn tâu Ngọc Hoàng, đã 3 năm nay, chúng tôi không được một giọt mưa nào. Loài vật cử tôi lên đây để kiện trời, vì sao không làm mưa?

Ngọc Hoàng cho gọi thần Mưa đến. Té ra là thần Mưa mải rong chơi, tối về đắp chiếu nằm ngủ quên không làm mưa bị Ngọc Hoàng trách mắng, thần Mưa vội sai các con rồng phun nước ào ào xuống đất. Ngọc Hoàng đưa tiễn Cóc ra về và dặn:
– Từ nay về sau, nếu cần mưa thì Cóc nghiến răng ken két báo cho Ngọc Hoàng biết. Ta sẽ sai thần làm mưa ngay. Cóc không phải lên kiện trời nữa.

Cóc, Cáo, Gấu, Cọp từ biệt Ngọc Hoàng trở về. Khi bốn con vật đến nơi thì thấy nước đã tràn đầy hồ, ao, sông suối, cây cỏ, muôn loài uống nước thỏa thuê. Tất cả đều phục Cóc bé tí mà kiện được trời nên đặt ra câu hát:

“Con Cóc là cậu ông trời
Hễ ai đánh Cóc thì trời đánh cho”

Cậu bé Tích Chu

Ngày xưa, có một cậu bé tên là Tích Chu. Bố mẹ Tích Chu mất sớm, Tích Chu ở với bà. Hàng ngày bà phải làm việc quần quật để kiếm tiền nuôi Tích Chu, có thức ăn gì ngon bà cũng nhường cho Tich Chu. Ban đêm khi Tích Chu ngủ thì bà thức để quạt. Thấy bà thương Tích Chu, có người nói với bà:

– Bà ơi! Lòng bà thương Tích Chu cao hơn trời, rộng hơn biển. Lớn lên thể nào Tích Chu cũng không bao giờ quên ơn bà đâu.

Thế nhưng Tích Chu lớn lên lại chẳng thương bà. Bà thì làm việc vất vả, còn Tích Chu thì suốt ngày rong chơi với bạn bè. Vì làm việc mệt nhọc, ăn uống lại kham khổ nên bà bị ốm. Bà lên cơn sốt nhưng chẳng ai trông nom. vì Tích Chu còn mải rong chơi với bạn bè. Một buổi trưa, trời nóng nực, cơn sốt lên cao, bà khát nước quá liền gọi:

– Tích Chu ơi, cho bà ngụm nước nào. Bà khát khô cả cổ rồi!

Bà gọi một lần… hai lần… rồi ba lần… nhưng vẫn không thấy Tích Chu đáp lại. Khi Tích Chu về nhà thì thấy bà đã hóa thành con chim và vỗ cánh bay lên trời. Tích Chu hoảng quá kêu lên:

– Bà ơi, bà đi đâu? Bà ở lại với cháu. Cháu sẽ mang nước cho bà. Bà ơi!

– Cúc… cu… cu! Cúc… cu…cu! Chậm mất rồi cháu ạ. Bà khát quá, không thể chịu nổi, phải hóa thành con chim để bay đi kiếm nước. Bà đi đây! Bà không về với cháu nữa đâu!

Nói rồi chim vỗ cánh bay đi. Tích Chu vội chạy theo bà, cứ nhằm theo hướng chim bay mà chạy. Cuối cùng Tích Chu gặp chim đang uống nước ở một dòng suối mát. Tích Chu gọi:

– Bà ơi! Bà trở về với cháu đi. Cháu sẽ đi lấy nước cho bà. Cháu sẽ giúp đỡ bà. Cháu sẽ không làm cho bà buồn nữa đâu!

– Cúc… cu… cu, muộn quá rồi cháu ơi! Bà không trở lại được nữa đâu!

Nghe tiếng chim nói, Tích Chu òa lên khóc. Tích Chu thương bà và hối hận lắm. Giữa lúc đó một bà Tiên hiện ra. Bà Tiên bảo Tích Chu:

– Tích Chu ơi! Nếu cháu muốn cho bà cháu trở lại thành người thì cháu phải đi lấy nước suối Tiên cho bà cháu uống. Đường lên suối Tiên xa lắm, cháu có đi được không?

Cậu bé Tích Chu mừng rỡ vô cùng, vội vàng hỏi đường đến suối Tiên, rồi chẳng một phút chần chừ, Tích Chu hăng hái đi ngay. Tích Chu chạy mãi, chạy mãi vượt qua bao nhiêu rừng núi hiểm trở, cuối cùng Tích Chu cũng đến được suối tiên. Chú vội vàng lấy đầy bình nước mang về cho bà. Về đến nhà Tích Chu gọi to:

– Bà ơi! Bà ơi! Cháu mang nước về cho bà rồi đây. Bà mau uống đi.

Vừa được uống nước bà Tích Chu trở lại thành người. Tích Chu ôm chầm lấy bà vừa khóc vừa nói:

– Bà ơi! Cháu biết lỗi rồi, từ nay trở đi cháu sẽ luôn ở bên và chăm sóc bà.

Từ đấy, cậu bé Tích Chu hết lòng yêu thương chăm sóc bà. Hai bà cháu lại chung sống hạnh phúc bên nhau.

Những lưu ý khi đọc truyện cổ tích cho thai nhi

  • Mẹ nên đọc truyện cho bé nghe khoảng 2-3 lần mỗi ngày, mỗi lần 10-15 phút.
  • Mẹ nên chọn tư thế thoải mái nhất để đọc truyện cho bé.
  • Hãy chọn những cuốn sách có nội dung nhẹ nhàng và nhân văn.
  • Nên đọc to một chút để bé có thể nghe rõ hơn mẹ nhé!

Nguồn : bau.vn