Nâng niu bé trong ta mẹ

Trẻ mới sinh ra thường rất mỏng manh vì thế nhiều bà mẹ thường sợ bế vì họ nghĩ làm tổn thương tới bé. Bác sĩ Lan Hương (BV Quân đội 108 Hà Nội) cho biết: các bà mẹ không nên quá lo lắng vì bé sơ sinh tuy nhỏ nhưng rất dẻo để mẹ có thể bồng bế và nâng niu được. Bác sĩ cũng khuyên các bà mẹ luôn luôn phải giữ chặt bé và lưu ý một số điều sau đây:

– Nhẹ nhàng: Khi bé khóc đòi bế, tuyệt đối bạn không được kéo nhanh và mạnh tay để nâng bé lên vì xương của bé rất yếu, bị lôi mạnh sẽ làm ảnh hưởng tới bé. Mẹ phải từ từ và nhẹ nhàng nhưng phải thật vững chắc để bế bé lên.


– Giữ chặt bé: Hầu hết các bé đều được thích bế chặt, vì vậy mẹ phải ôm sát bé vào lòng. Mẹ có thể vươn người lên hoặc cúi người xuống khi bế bé lên hay đặt bé xuống. Bạn cũng nên lưu ý, bé chưa thể tự giữ thẳng đầu được nên phải giữ chặt đầu và cổ của bé.


– Cách bế bé: Bạn luồn một tay bên dưới cổ và đầu, tay còn lại đưa xuống đỡ dưới vùng lưng bé. Sau đó nâng nhẹ bé lên và không được để đầu bé ngả về phía sau, đặt đầu bé vào lòng khuỷu tay của bạn để đầu bé không thể quay lại được. Bạn có thể bế bé với nhiều tư thế khác nhau như: bế nằm sấp, bế kề sát với vai và ngực mẹ.


 


\"\" 


 Vai trò của người cha


Một số bà mẹ thường cảm thấy mình là người có trách nhiệm chính đối với em bé mới sinh. Nhưng theo bác sĩ tâm lý thì hầu hết các ông bố đề háo hức muốn nhìn thấy bé và chăm sóc cho bé càng sớm càng tốt. Các bà mẹ không nên lo lắng mỗi khi bố bế hoặc chăm sóc em bé. Bố và con có thể hiểu nhau nhiều hơn thông qua việc nâng niu, bồng bế. Chăm sóc em bé trong giai đoạn này cũng là cơ hội cho các ông bố gần gũi, hiểu con, thương con cũng như thương vợ nhiều hơn.


 


Lưu ý khi bế bé


Nhiều ông bố, bà mẹ thường có thói quen mỗi khi bé khóc là vội vàng bế bé rồi đung đưa, rung lắc bé trên đôi tay của mình. Tuy nhiên, theo bác sĩ Lan Hương thì đây là một việc làm hoàn toàn sai và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Vì giai đoạn này não của bé rất yếu và đang trong giai đoạn phát triển nên khi rung, lắc có thể làm tổn thương đến não của trẻ như chảy máu não, chảy máu võng mạc, có thể gây nên giảm thị lực hoặc mù. Các chấn thương khác có thể gặp ở cổ hay cột sống, hay xương sườn. Những tổn thương lâu dài do rung, lắc gây ra có thể làm trẻ chậm phát triển trí tuệ, thị lực kém, rối loạn hành vi nói và nghe, động kinh, tổn thương kỹ năng định hướng, và nhận thức của trẻ.


 


Việc nâng niu bé trong vòng tay của cha mẹ sẽ làm cho tình cảm giữa cha mẹ và con cái trở nên gần gũi, thân thiết, gắn bó nhiều hơn. Bằng vòng tay ấm áp của mình các bậc cha mẹ hãy trao yêu thương nhiều nhất tới bé yêu của mình.


 Nguyễn Vương


 


 

Nguồn : bau.vn