Nếu quên tiêm phòng uốn ván cho bà bầu sẽ gây ra nguy hiểm gì cho thai nhi?

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng thì việc tiêm phòng khi mang thai cũng rất cần được mẹ bầu quan tâm, tuân thủ thực hiện bởi nó giúp bà bầu va thai nhi khỏe mạnh hơn.

Tác dụng của việc tiêm phòng uốn ván khi mang thai

Để giải đáp thắc mắc cho câu hỏi “Bà bầu quên tiêm phòng uống ván có sao không?” thì trước tiên hãy đi tìm hiểu tác dụng của việc tiêm phòng uốn ván cho bà bầu.

Uốn ván là loại trực khuẩn có độc tố mạnh, do vi khuẩn Clostridium tetain gây ra và có khả năng gây tử vong cao cho người mắc bệnh. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh là người có vết thương hở ngoài da, bà bầu trong quá trình chuyển dạ, trẻ sơ sinh qua đường cắt rốn.

Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu là cực kỳ quan trọng

Môi trường sống của chúng là cống rãnh, phân gia súc gia cầm, đất cát, dụng cụ phẫu thuật không tiệt trùng kỹ… thông qua những vết thương hở. Loại vi khuẩn này có khả năng tồn tại rất cao ở môi trường bên ngoài, ngay cả khi đun sôi ở nhiệt độ cao thời gian dài cũng không tiêu diệt được. Tuy nhiên, rất may rằng loại vi khuẩn này không lây trực tiếp từ người sang người.

Chính bởi những ảnh hưởng to lớn nói trên mà việc bà bầu tiêm phòng uốn ván sẽ giúp tạo ra kháng thể, tránh lây nhiễm cho con trong quá trình sinh nở. Đồng thời, việc tiêm phòng cũng giúp mẹ giảm nhiễm trùng uốn ván sau sinh.

Bà bầu quên tiêm phòng uốn ván có sao không?

Trực khuẩn uốn ván phát triển tại vết thương hở, sau đó giải phóng độc tố và tấn công thần kinh làm người bệnh co cứng cơ, gây ra các tình trạng co giật. Thời kỳ ủ bệnh của uốn ván là khoảng 4-21 ngày. Người mắc bệnh có tỷ lệ tử vong từ 25-90%, đặc biệt là uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh, tỷ lệ tử vong rơi vào khoảng 95%.

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, tất cả phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản đều cần được tiêm phòng uốn ván để tạo kháng thể phòng ngừa uốn ván xâm nhập. Việc bà bầu quên tiêm phòng uốn ván sẽ là mối hiểm họa khôn lường nếu vô tình mắc phải bệnh vì khả năng gây tử vong ở trẻ khá cao. Do đó, mẹ nên ghi nhớ kỹ càng lịch tiêm phòng uốn ván khi mang thai theo chỉ định của bác sĩ để thực hiện kịp thời nhất.

Bà bầu cần tiêm phòng uốn ván khi nào?

Thời điểm tiêm phòng uốn ván cho bà bầu là tiêm VAT 2 mũi, tiêm vào 3 tháng giữa và 3 tháng cuối, mũi tiêm cuối thực hiện trước khi sinh 1 tháng.

Đối với bà bầu chưa tiêm uốn ván hoặc không rõ tiền sử vacxin có thành phần uốn ván trước đó sẽ được chỉ định tiêm 5 mũi tương ứng như sau:

  • Mũi 1: Tiêm sớm khi mang thai lần đầu.
  • Mũi 2: Ít nhất 1 tháng sau khi tiêm mũi 1.
  • Mũi 3: Ít nhất 6 tháng sau khi tiêm mũi 2 hoặc mang thai lần sau.
  • Mũi 4: Ít nhất 1 năm sau khi tiêm mũi 3 hoặc lần mang thai sau.
  • Mũi 5: ít nhất 1 năm sau mũi tiêm thứ 4 hoặc lần mang thai sau.

Đối với phụ nữ đã tiêm uốn ván với 3 mũi tiêm chưa có thành phần liều cơ bản thì cần tiêm uốn ván 3 mũi với thời gian tương ứng:

  • Mũi 1: Tiêm sớm khi mang thai lần đầu.
  • Mũi 2: Ít nhất 1 tháng sau tiêm mũi 1.
  • Mũi 3: Ít nhất 1 năm sau khi tiêm mũi 2.

Với phụ nữ đã tiêm đủ 3 mũi vacxin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản và 1 liều nhắc lại:

  • Mũi 1: Tiêm sớm khi mang thai lần đầu.
  • Mũi 2: Ít nhất 1 năm sau khi tiêm mũi 1.

Trường hợp phụ nữ mang thai lần đầu tiên, lịch tiêm phòng uốn ván sẽ thực hiện như sau:

  • Mũi 1: Tiêm khi mang thai được 20 tuần trở lại, không tiêm trước thời gian này vì thai nhi trước 20 tuần vẫn chưa phát triển ổn định.
  • Mũi 2: Tiêm sau mũi 1 ít nhất 30 ngày và trước ngày sinh ít nhất 30 ngày.

Trường hợp tiêm uốn ván cho bà bầu mang thai lần 2 cần dựa vào khoảng cách giữa lần đầu và lần 2 mang thai. Bà bầu nên tới gặp bác sĩ để được tư vấn và có lịch tiêm phòng tốt nhất, tránh gây nguy hiểm cho thai nhi.

Như vậy, khi có kế hoạch sinh con, bố mẹ nên tham khảo tìm hiểu lịch tiêm phòng vacxin trước khi mang thai. Tránh tình trạng bà bầu quên tiêm phòng uốn ván gây nguy hiểm cho thai nhi nhé.

Chung Vũ

Nguồn: http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/neu-quen-tiem-phong-uon-van-cho-ba-bau-se-gay-ra-nguy-hiem-gi-cho-thai-nhi-a169989.html

Nguồn : bau.vn