Bánh được gói bằng lá cây chít (hoa của nó hay dùng làm chổi chít). Lá phải chọn lấy lá bánh tẻ xanh thẫm, lá vốn có viền rất sắc, có thể cứa đứt tay người nếu không cẩn thận. Lá sau khi lấy về được dùng khăn lau sạch, bỏ vào nồi luộc. Lá chít vốn cứng và giòn, nếu không luộc qua thì sẽ không dùng để gói được bánh.
Lá chít bỏ vào nồi đun sôi lên, lá chít vốn cứng và giòn, nếu không cho vào nồi luộc để lá mềm thì sẽ không dùng gói bánh được.
Lá chuối khô, hoặc thân cây chè đốn phơi khô, đốt thành gio, lấy thứ gio đó để nguội, bọc vào trong vải xô hoặc rổ tre kín mắt. Châm nước đun sôi để nguội vào bọc gio, hứng lấy thứ nước gio đó. Một bọc gio tùy theo ước lượng của người làm bánh mà châm nước cho vừa. Nước nhạt quá bánh sẽ không lên màu đẹp, nước đậm quá lại có mùi hăng hắc của gio, ăn không ngon. Nước gio được lọc rây qua vải cẩn thận, đun sôi lên, để nguội. Gạo nếp ngon sàng sẩy kĩ càng, đem ngâm trong nước gio trong khoảng hai tới ba giờ đồng hồ. Gạo nếp vớt lên có màu vàng nhạt, ấy là đạt, gạo để ráo nước là đã có thể gói bánh.
Người gói bánh dùng tay cuộn lá chít lại thành hình chiếc phễu nhỏ, dùng thìa con múc gạo nếp vào trong phễu, khéo léo gập các viền lá lại thành chiếc bánh hình chóp đều, dùng lạt nứa buộc xung quanh. Khi gói xong hết số gạo, những chiếc bánh được mang ra cắt bỏ rìa lá chìa ra, buộc lại thành xâu. Cho từng xâu bánh đó vào nồi đã chuẩn bị sẵn. Đem nồi bánh đun trên bếp trong suốt bốn đến năm giờ đồng hồ cho gạo nếp mềm ra, rền thành khối.
Bánh gio phải được để nguội mới được ăn, tránh ăn nóng vì sẽ gây đầy bụng, khó tiêu. Bánh gio bóc lớp lá gói, bánh ngon là khi cắn một miếng đầu tiên, bánh thơm thơm mùi lá gói và ta nhìn thấy trước mắt không còn là những hạt gạo nếp tơi nữa mà là một khối vàng trong dẻo như hổ phách hiện ra.Bánh gio đem chấm với thứ mật mía cũng vàng trong, thơm phức mùi đường mía. Có nhà không dùng mật mía mà thay thế bằng mật ong rừng. Tuy nhiên bánh gio chấm với mật mía vẫn là hợp vị hơn cả.
Nguồn : bau.vn