Nghiện mạng xã hội: Những hệ lụy nguy hiểm!

Nghiện mạng xã hội là một kiểu nghiện thói quen, khó bỏ và khó điều trị hơn nghiện chất như nghiện rượu, nghiện thuốc lá, nghiện ma túy… Nghiện mạng xã hội gây ra những rối loạn tâm thần rất nguy hiểm như: trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, rối loạn cơ thể, tự sát hoặc gây hấn...

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, con người có thêm một phương thức để thu nhận thông tin. Việc phổ biến các mạng xã hội như facebook, twitter, instagram, zalo… giúp cho những thành viên trong cộng đồng dễ dàng nắm bắt các thông tin mới từ bạn bè hay xã hội. Tuy nhiên, đi kèm với những lợi ích là những tác hại đến sức khỏe nói chung và sức khỏe tâm thần nói riêng.

Nghiện mạng xã hội gây nhiều hệ lụy về sức khỏe tâm thần.

Những tác hại của nghiện mạng xã hội

Trước hết, việc sử dụng facebook lâu dài dẫn đến suy giảm các hoạt động sống bình thường của cơ thể như giấc ngủ và ăn uống. Lý do dẫn đến các rối loạn này do việc sử dụng facebook thường vào những thời điểm nghỉ ngơi như bữa ăn, giờ nghỉ trưa, giờ đi ngủ. Khi sử dụng vào các khung giờ bữa ăn sẽ làm xáo trộn nhịp sinh học, phá vỡ các cơ chế điều hòa thể dịch, nội tiết của bản thân dẫn đến khó tiêu hóa, khó hấp thu, đầy bụng, chán ăn, ăn không ngon miệng, dễ gây đau dạ dày – đại tràng. Sử dụng facebook vào khung giờ ngủ dẫn đến hay mệt mỏi, khó ngủ, hay thức khuya, ngủ không sâu giấc, dễ thức giấc… Những rối loạn này còn có thể do việc tác động từ những thông tin trên facebook như nhận được những bình luận tiêu cực hay tự ti về ngoại hình của bản thân mà nhịn ăn hoặc ăn uống không khoa học.

Là một kênh để thu nhận thông tin, tuy nhiên các thông tin trên facebook đều không được kiểm chứng, dẫn đến có nhiều thông tin không chính xác, sai lệch nội dung hoặc những thông tin “đùa”, “câu like”, “giật tít” làm cho người dùng thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, hồi hộp, lo lắng… Điều này dẫn đến những rối loạn bệnh lý như rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn stress… Một số người trẻ tuổi (dưới 26 tuổi) là độ tuổi chưa định hình phát triển vỏ não, phát triển nhân cách khi sử dụng facebook sẽ dẫn tới những rối loạn nhân cách kiểu hoang tưởng, tự đề cao bản thân, chống đối xã hội, tính vị kỷ, ích kỷ, một số có các hành vi kích động và gây hấn.

Trầm cảm cũng là một hậu quả của facebook với người dùng. Việc giao tiếp “ảo” làm giảm nhu cầu của giao tiếp trực tiếp, dẫn đến người dùng ít nói chuyện, ít tiếp xúc với mọi người. Các thông tin và bình luận tiêu cực trên facebook khi không được nhìn nhận tỉnh táo cũng dẫn đến những biểu hiện buồn bã, chán nản, bi quan, tuyệt vọng… Nhiều người dùng đã tự tử khi nhận phải những bình luận ác ý hoặc bị tẩy chay, cô lập trên facebook. Việc sử dụng facebook lâu dài dẫn đến mất ngủ, lo lắng, căng thẳng…, những yếu tố này là điều kiện thuận lợi để khởi phát trầm cảm, làm nặng hơn biểu hiện của trầm cảm và ngược lại. Thậm chí, nhiều người dùng không muốn giao tiếp thực mà chỉ ở nhà thực hiện các giao tiếp “ảo”.

Trên hết, sử dụng facebook có thể gây nghiện. Việc nghiện facebook là một kiểu nghiện thói quen, khó bỏ và khó điều trị hơn nghiện chất như nghiện rượu, nghiện thuốc lá, nghiện ma túy… Những biến đổi trong não bộ của người nghiện mạng xã hội giống như nghiện ma túy hoặc chất kích thích.

Biểu hiện và đặc điểm nghiện mạng xã hội

Khi sử dụng liên tục từ 3 giờ mỗi ngày, trong thời gian từ 1 tháng trở lên, người dùng đã có khả năng nghiện facebook. Ngoài ra, nghiện facebook còn có những biểu hiện và đặc điểm sau:

Luôn muốn sử dụng, kiểm tra mạng xã hội, hoặc muốn tăng thời gian truy cập mạng xã hội không kiểm soát được.

Dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả của các công việc khác của bản thân như học tập, làm việc, chăm sóc bản thân và người xung quanh.

Thay đổi hành vi, thói quen, sở thích cũ sang các hành vi “ảo” trên mạng xã hội: check-in, cày like, chụp ảnh tự sướng… không kiểm soát.

Việc truy cập mạng xã hội là điều đầu tiên và cuối cùng bắt buộc phải thực hiện trong ngày.

Cảm thấy bồn chồn, buồn bực, bứt rứt, khó chịu, căng thẳng hoặc rối loạn hành vi khi không được dùng hoặc bị cấm sử dụng mạng xã hội.

Có những rối loạn tâm thần do sử dụng mạng xã hội: trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn chống đối xã hội, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, rối loạn cơ thể, tự sát hoặc gây hấn.

Không từ bỏ được, dù đã biết tác hại.

Những việc cần làm khi có biểu hiện nghiện mạng xã hội

Giảm bớt, kiểm soát thời gian sử dụng mạng xã hội.

Thiết lập kế hoạch, mục tiêu hoạt động trong ngày, ưu tiên các công việc chính như học tập, công tác, chăm sóc bản thân, nghỉ giải lao thường xuyên tránh cơ thể mệt mỏi.

Tập thể dục, đặc biệt vào buổi sáng, các khoảng thời gian hay sử dụng mạng xã hội, làm một hành động khác mang tính chất tích cực để thay thế.

Dành thời gian nhiều hơn cho người xung quanh, tận dụng mọi cơ hội có thể trò chuyện trực tiếp với bạn bè và người thân thay bằng sử dụng mạng xã hội để trò chuyện.

Đến các cơ sở y tế, gặp gỡ các bác sĩ và cán bộ tâm lý khi cần thiết.

Hãy luôn ghi nhớ rằng, bạn đang sống trong thế giới thực, mọi tương tác của bạn trong thế giới “ảo” chỉ mang tính chất hỗ trợ, chứ không phải là thay thế.

Nguồn : bau.vn