Chuyển công tác từ Hưng Yên lên Hà Nội, tôi lại càng “mù tịt” về các địa chỉ mua sắm ở đây. Bất giác, tôi chợt nhớ đến Hà Thanh, cô bạn thân người Hà Nội học chung với tôi từ ngày đại học. Hà Thanh cũng đang mang bầu. Tôi định nhờ Hà Thanh tư vấn mua sắm cho mình. Tôi đã để sẵn một số tiền kha khá trước khi gọi điện nhờ Hà Thanh bởi cô bạn của tôi vốn nổi tiếng là “thần mua sắm”.
Thời đại học, Hà Thanh luôn có những bộ đồ thời trang nhất. Các bạn trong lớp tôi để ý và xì xào rằng: “Hiếm khi thấy Hà Thanh mặc lại một bộ đồ đến 2 lần”.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, Hà Thanh giờ đã là một cô gái có gia đình và đang mang thai đứa con đầu lòng.
Tôi đến gặp Thanh kèm theo chút tò mò về cô bạn “nghiện” mua sắm của mình sẽ thay đổi như thế nào khi mang bầu. Tôi đoán chắc Thanh lại làm tôi phải choáng váng vì những bộ đồ bầu đắt tiền nhất, sành điệu nhất khoác trên người.
Đang loay hoay dựng xe, tôi đã thấy Thanh giơ tay vẫy vẫy. Dù mang bầu tháng thứ tám nhưng trông Thanh vẫn đẹp như ngày nào trong chiếc váy bầu màu xanh da trời có thêu một hàng hoa nhỏ ở chân váy. Thanh cười bảo:
– Cậu thấy cái váy này đẹp chứ?
– Rất đẹp. Chắc lại có một kho váy bầu đắt và mốt nhất Hà Nội rồi phải không bà cô “nghiện” mua sắm của tôi?
– Không! Mình chỉ chọn mua một số bộ cần thiết thôi. Tôi khẽ nhún vai và cảm nhận sẽ còn nhiều điều thú vị về Thanh nữa mà tôi sắp được biết.
Trong câu chuyện của mình, Hà Thanh kể với tôi về cuộc sống gia đình nhỏ của cô. Ra trường, Thanh làm phiên dịch cho một công ty liên doanh với nước ngoài. Lương của Thanh cũng chỉ được bốn triệu một tháng. Trong khi anh Hòa, chồng Thanh làm trong ngành kiểm toán nhà nước, lương cũng chỉ có ba triệu đồng. Không còn sự hỗ trợ của cha mẹ, Thanh và chồng phải “tự bơi” để lo trang trải cho cuộc sống hàng ngày của gia đình.
Mới đầu, sở thích mua sắm của Thanh vẫn phát huy mọi lúc mọi nơi. Vốn chiều vợ, Hòa không nói gì. Hàng tháng Hòa giao tất tiền lương cho Thanh để cô lo chi tiêu. Có tiền trong tay, Thanh cao hứng mua sắm không biết tiếc. Chưa quá nửa tháng mà số lương của hai vợ chồng đã hết veo.

Ban đầu, Hòa còn cười trừ cho qua và xin ứng lương bù vào chỗ thiếu hụt. Nhưng càng ngày, Hòa càng tỏ ra khó chịu với cách tiêu tiền của Thanh. Đúng lúc này, Thanh lại mang thai đứa con đầu lòng. Mọi khoản chi tiêu của đôi vợ chồng trẻ ngày càng bị thâm hụt nặng. Chính Thanh cũng nhận ra căn bệnh “nghiện” mua sắm của mình ngày càng trầm trọng. Cô đem chuyện gia đình tâm sự với mấy chị em trong lớp tiền sản. Họ cho Thanh những kinh nghiệm quý báu mà giờ Thanh vẫn thấy thật sự thú vị và rất hiệu quả.Đầu tiên, Thanh hạn chế việc ham mua sắm của mình bằng cách khi đi chợ không bao giờ mang nhiều tiền. Nhờ thế, dù có nhiều thứ muốn mua nhưng không có tiền trong túi nên đành chịu. Không lao vào mua sắm quá nhiều đồ bầu, Thanh chọn cho mình một vài bộ đầm có màu sắc trang nhã, có thể mặc đi làm và đi chơi. Ngoài ra, cô cũng tìm mua những chiếc áo có thun ở ngực và phần dưới xòe rộng. Thanh bảo: “Những chiếc áo kiểu này thường dành cho giới trẻ nhưng nếu biết chọn thì nhiều chiếc bà Bầu mặc cũng khá đẹp và lạ mắt. Hơn thế, sau khi sinh mình vẫn có thể mặc như áo bình thường”.
Thanh cũng tìm ra được giải pháp tiết kiệm khi mua đồ lót dùng khi mang bầu. Cô được một người bạn bật mí cho cách mua luôn áo ngực dành cho bà mẹ cho con bú. Loại áo này mặc được từ lúc mang bầu nhỏ đến khi bầu to, rồi mặc đến sau sinh luôn.
– Riêng khoản này, tiết kiệm được khá nhiều đấy – Thanh hóm hỉnh.
Hàng ngày, Thanh cũng đưa ra kế hoạch chi tiêu cụ thể làm sao cho bữa cơm gia đình đầy đủ chất nhất và vẫn tiết kiệm. Biết sữa bầu khó uống, nhiều chị em mua cả hộp to về uống không quen rồi bỏ dở rất phí, Thanh mua thử hộp giấy loại nhỏ về uống trước, hợp loại nào cô mới mua hộp to về dùng.
Mang thai đồng nghĩa với việc phát sinh nhiều chi phí. Tiền khám, tiền thuốc bổ, tiền siêu âm cũng chiếm một khoản không nhỏ trong quỹ tiền hàng tháng của gia đình. Thanh nghe theo lời khuyên bác sĩ, đi siêu âm theo đúng lịch và làm các xét nghiệm cần thiết. Tháng nào có mốc siêu âm quan trọng, ngay từ đầu tháng, Thanh đã để riêng một khoản cho việc siêu âm. Ngoài ra, Thanh dành riêng một khoản nhỏ cho việc mua báo để cập nhật những thông tin hữu ích dành cho phụ nữ mang thai. Bởi thế, Thanh rất chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe và làm đẹp cho bản thân.
Cứ như vậy, thời gian có bầu Thanh lại tiết kiệm được tiền và cân đối chi tiêu cho cả gia đình mà không bị thâm hụt. Chồng Thanh thấy vậy rất vui. Anh bảo với Thanh rằng tất cả cũng vì muốn để dành tiền cho việc sinh con và nuôi con sau này. Thanh cười mãn nguyện.
Nghe xong câu chuyện của Thanh tôi học được rất nhiều điều để làm sao bà Bầu không bị cuốn vào “cơn lốc mua sắm” dẫn đến tài khoản của gia đình không bị “lạm phát” nghiêm trọng.
Tôi chắc rằng nhiều bà Bầu nghe xong chuyện của Thanh cũng rút ra được kinh nghiệm cho mình.
Nguồn : bau.vn