Bạn cần biết những điều kiêng kỵ khi ngồi ăn cơm để tôn trọng người khác khi ngồi chung. Đó là văn hóa khiến chúng ta lịch sự và chuyên nghiệp hơn.
1. Điều kiêng kỵ khi ngồi ăn cơm là không cắm đũa thẳng vào chén cơm
Trong bữa ăn, bạn cần lưu ý đến một hành động tuy nhỏ nhưng thường bị nhiều người rất kiêng kỵ là cắm thẳng đũa vào bát cơm. Nguyên nhân là vì hành động này làm liên tưởng đến việc cúng cơm cho người đã khuất. Ngoài ra, bạn cần phải trở đũa trước khi định gắp thức ăn cho người khác cũng như tránh để đũa chấm trực tiếp vào bát nước chấm hay tô canh dùng chung.
Một số hành vi kém tế nhị khác mà bạn cần tránh có thể kể đến như là ngậm đũa, liếm đầu đũa… Nếu bạn phân vân rằng hành vi nào đó dường như là không được đẹp mắt và kém tinh tế thì tốt nhất là đừng làm nhé. Để yên tâm hơn thì bạn nên chuẩn bị sẵn sàng một đôi đũa riêng chỉ dùng để gắp thức ăn cho người khác. Một số người cho rằng không nên trở đầu đũa để gắp thức ăn vì đó là phần tay chúng ta cầm nắm, mang nhiều vi khuẩn.
2. Không rung đùi
Rung chân không chỉ là một thói quen kém lịch sự mà theo tướng số, nó còn là dấu hiệu của người nghèo đói. Một người hay rung chân được xem là luôn trong trạng thái không an ổn và khó tích lũy của cải.
Tục ngữ có câu “Nam đẩu cùng, nữ đẩu tiện” (Nam rung chân thì nghèo, nữ rung chân thì thấp hèn). Do vậy, không chỉ trong bữa ăn, mà những lúc khác bạn cũng hãy cố gắng bỏ thói quen rung chân.
Đặc biệt, thói quen rung chân này thường tạo sự phản cảm và gây khó chịu với hầu hết những người đối diện, đặc biệt là người lớn tuổi.
3. Điều kiêng kỵ khi ngồi ăn cơm là không gõ bát cơm
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều bậc phụ huynh cấm con mình dùng đũa hoặc thìa gõ vào bát ăn cơm. Âm thanh phát ra từ việc gõ vào bát được cho là thu hút những vong hồn lang thang, không nơi nương tựa về phá nhà.
Âm thanh ấy biểu tượng cho điềm dữ, không mấy thuận lợi cho gia chủ. Đặc biệt, người xưa truyền lại chỉ có ăn mày mới gõ vào bát để xin đồ ăn những người qua lại. Vì thế, việc gõ vào bát trong bữa cơm cũng được hiểu như nhà đang gặp cảnh khốn khó, túng thiếu và ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài lộc của gia chủ.
4. Quy tắc xới cơm
Nhiều người có cách múc cơm là xới nguyên một lần đầy chén cho nhanh gọn. Tuy nhiên, bạn không nên xới cơm một lần. Điều này được khuyên dạy là chỉ dành cho việc cúng người đã mất. Ngoài ra, bạn hãy chỉ xới khoảng 2/3 chén cơm thay vì bới cơm quá đầy. Điều này sẽ khiến người khác cảm thấy bất tiện khi muốn gắp thức ăn vào bát, thậm chí một số người sẽ cảm thấy bạn không lịch sự.
Bạn có thể múc cơm bằng khoảng 2 – 3 lần múc sao cho đầy khoảng 2/3 chén cơm. Nên làm một cách từ tốn, hãy chú ý một chút để cơm không bị rơi vung vãi ra ngoài miệng chén.
5. Không bới đồ ăn
Khi gắp thức ăn, không bới lộn xộn đĩa thức ăn đó để tìm miếng ngon nhất cho mình mà hãy gắp theo thứ tự, điều này còn thể hiện sự tôn trọng với những người cùng ăn với mình. Đây là điều mà những đứa trẻ nên học bởi nếu chúng chưa biết sẽ mắc lỗi này ngay cả khi lớn lên.
6. Điều kiêng kỵ khi ngồi ăn cơm- Không tạo tiếng ồn
Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước khác, mọi người đều cảm thấy khá khó chịu khi nghe thấy tiếng húp thức ăn soàm soạp và chứng kiến người đối diện nhai nhồm nhoàm đồ ăn trong miệng.
Theo các phép tắc hành xử trên bàn ăn mà cha ông ta để lại, ăn mà mở miệng không chỉ bất lịch sự mà còn gây ảnh hưởng tới người xung quanh. Tiếng soàm soạp phát ra khi uống trà, súp hay các đồ uống khác cũng bị coi là khiếm nhã.
Văn hóa ẩm thực nước ta không chỉ phong phú với nhiều món ăn ngon mà còn chú ý đến cách ăn uống lịch sự trong mâm cơm. Bạn sẽ thể hiện được phép lịch sự, chỉn chu, tôn trọng người khác và từ đó được nhiều người quý mến hơn.
Nguồn : bau.vn