Những điều nên biết về ngôi ngược

Trong số người có thai, tỷ lệ ngôi đầu chiếm hơn 95%, ngôi ngược khoảng 4%, ngôi ngang dưới 1%. Trong đó 40% ngôi ngược là thai non.

Có mấy kiểu ngôi thai
– Thai ngôi đầu: thông thường nhất, thai nằm theo hướng đầu quay xuống dưới, mông ở phía đáy tử cung.
– Thai ngôi ngược: thai nằm theo hướng ngược lại, mông ở dưới, đầu quay lên phía đáy tử cung (còn gọi là ngôi mông).
– Thai ngôi ngang: thai nằm đầu ở một bên và mông ở một bên của ổ bụng.

Tư thế của thai nằm trong tử cung
– 3 tháng đầu: nước ối nhiều,tử cung rộng nên thai có thể nằm theo các hướng khác nhau.
– 3 tháng giữa: tử cung to ra, đáy tử cung rộng phù hợp với thai lúc này có phần đầu to hơn mông nên thai thường ở tư thế ngược.
– 3 tháng cuối: thai uốn cong lưng, hai đùi và cẳng chân gấp lại cùng với khối mông khiến phần dưới trở nên to hơn phần đầu, vì thế thai quay đầu xuống dưới để mông quay lên phía đáy tử cung.
Khi người phụ nữ sinh, thai ngôi đầu là thuận hơn cả (đầu xuôi, đuôi lọt). Điều này cơ bản là đúng, tuy nhiên cũng có những ngôi đầu vẫn là ngôi đẻ khó hoặc không thể đẻ được (như ngôi trán, ngôi thóp trước, ngôi mặt).

Ngôi ngược
Khi đẻ, đầu của thai là phần quan trọng nhất lại ra sau cùng khiến cho thai rất dễ bị ngạt nặng, chưa kể đến việc đầu là phần to hơn mông và chân nhưng ra sau nên dễ bị mắc lại trong khung xương chậu càng làm cho tình huống trở nên nguy hiểm.
Vì thế, đỡ đẻ ngôi ngược là việc khó, đòi hỏi thầy thuốc phải có kinh nghiệm. Ngay cả các thầy thuốc lành nghề cũng không ai dám đảm bảo không để xảy ra tai biến đối với thai nhi. Vì vậy, tại Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới, các thầy thuốc thường khuyên các bà mẹ chấp nhận việc mổ lấy thai khi bắt đầu chuyển dạ.



Thai ngôi đầu là thuận lợi hơn cả cho việc em bé chào đời


Ngôi ngược có tránh được?
– Như trên đã nói, nếu đẻ non, tỷ lệ đẻ ngôi ngược sẽ cao hơn, vì thế cần chăm sóc thai nghén để bà mẹ không đẻ non. Đây là cách giảm tỷ lệ đẻ ngôi ngược.
– Ngôi ngược thường xuất hiện ở những bà mẹ có khung chậu hẹp, rau bám thấp, tử cung không bình thường (tử cung phát triển không đầy đủ, tử cung hình ống, tử cung đôi,…) hoặc do nước ối ít. Nếu vì 2 nguyên nhân trên thì không có cách nào thay đổi tư thế của thai khi nó đã là ngôi ngược.
– Trước đây, nhiều thầy thuốc đã khuyên các bà mẹ có tử cung bình thường mà bị ngôi ngược vào gần tháng đẻ là dành khoảng 1 giờ mỗi ngày để tập theo tư thế: quỳ đầu gối, đầu cúi xuống giường, mông chổng ngược lên để thai tự quay đầu xuống dưới (trở thành ngôi đầu). Có thầy thuốc còn làm thủ thuật xoay thai bằng cách day nắn bên ngoài thành bụng để thai quay đầu xuống dưới (vào lúc chưa chuyển dạ hoặc ngay khi mới bắt đầu chuyển dạ). Tuy vậy, những cách làm trên không phải bao giờ cũng thành công, có khi còn nguy hiểm cho thai nhi. Vì vậy, các bác sĩ hiện nay ít sử dụng.
Trường hợp người phụ nữ mang thai ngôi ngược nhưng không chấp nhận cuộc mổ lấy thai, nếu thầy thuốc có kinh nghiệm và đánh giá trọng lượng thai không quá lớn thì có thể cho sản phụ đẻ đường dưới với các phương pháp đỡ đẻ đặc biệt dành cho ngôi ngược. Tuy tỷ lệ đẻ thành công khá cao nhưng tất nhiên không thể an toàn như trường hợp xử trí bằng cách mổ


B.S Phó Đức Nhuận

Nguồn : bau.vn