Những suy nghĩ sai lầm mẹ thường mắc phải về việc chủng ngừa các bệnh nguy hiểm cho trẻ

Chỉ cần giữ vệ sinh thì chẳng lo trẻ bị tiêu chảy? Tiêm ngừa nhiều bệnh một lúc không đảm bảo an toàn cho trẻ?… Đó là những hiểu lầm tai hại khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng, hoang mang, từ đó bỏ qua cơ hội chủng ngừa đúng thời điểm, giúp trẻ phòng chống những loại bệnh nguy hiểm.

Chỉ cần giữ vệ sinh thì chẳng lo trẻ bị tiêu chảy? Tiêm ngừa nhiều bệnh một lúc không đảm bảo an toàn cho trẻ?… Đó là những hiểu lầm tai hại khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng, hoang mang, từ đó bỏ qua cơ hội chủng ngừa đúng thời điểm, giúp trẻ phòng chống những loại bệnh nguy hiểm.nhung-suy-nghi-sai-lam-me-thuong-mac-phai-ve-viec-chung-ngua-cac-benh-nguy-hiem-cho-tre-1

Chủng ngừa những căn bệnh nguy hiểm giúp bảo vệ trẻ một cách chủ động và góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng (ảnh minh hoạ)

Hiểu lầm 1: Chỉ cần vệ sinh cá nhân và môi trường tốt, trẻ sẽ không bao giờ mắc bệnh tiêu chảy, vì thế việc chủng ngừa vi rút rota sẽ không cần thiết nữa.

Sự thật: Việc giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay đúng cách, sử dụng nước sạch, vệ sinh đồ chơi bằng xà phòng… chỉ có tác dụng phòng ngừa nhiễm tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, những biện pháp vệ sinh trên không thể hoàn toàn ngăn ngừa nhiễm tác nhân gây bệnh có trong môi trường. Hầu như tất cả trẻ em đều sẽ có nguy cơ nhiễm vi rút rota. Do đó, để tạo miễn dịch chủ động bảo vệ sức khỏe còn non yếu của trẻ, giúp con được khỏe mạnh thì cha mẹ cần phải chủng ngừa vi rút rota cho bé đầy đủ và đúng thời điểm vàng (từ 6 tuần tuổi).

Hiểu lầm 2: Không nên chủng ngừa cho trẻ cùng một lúc từ hai bệnh trở lên vì có thể làm trẻ chịu nhiều tác dụng phụ hơn và khiến hệ miễn dịch của trẻ bị quá tải.

Sự thật: Các bằng chứng khoa học đã chứng minh rõ, việc chủng ngừa cho trẻ nhiều loại bệnh cùng lúc sẽ không làm phát sinh tác dụng phụ nào tác động lên hệ miễn dịch của trẻ. Thực tế, hàng ngày trẻ luôn phải tiếp xúc với hàng trăm tác nhân gây bệnh khác nhau. Đơn cử, chỉ một hành động đơn giản như ăn uống cũng góp phần đưa vào cơ thể trẻ những kháng nguyên mới và rất nhiều vi khuẩn sống ở mũi, miệng. Một đứa trẻ thật ra bị phơi nhiễm với kháng nguyên theo đường hô hấp còn nhiều hơn kháng nguyên từ việc chủng ngừa.

Trong khi đó, việc chủng ngừa nhiều loại bệnh cùng lúc sẽ làm giảm đáng kể số lần phải đến bệnh viện thăm khám, giúp tiết kiệm được thời gian và tiền bạc, tạo điều kiện dễ dàng hơn để trẻ có thể hoàn thành chủng ngừa đúng thời hạn. Đồng thời việc phối hợp tiêm chủng nhiều loại bệnh cùng lúc như bại liệt, ho gà, bạch hầu, uốn ván trong một mũi tiêm… sẽ làm số lần tiêm cho trẻ ít hơn, tránh phải chịu đau đớn nhiều lần.

Hiểu lầm 3: Chỉ cần tiêm 1 lần là cơ thể trẻ đã có đủ kháng thể để chống lại bệnh, không cần tiêm các mũi nhắc lại

Sự thật: Việc tiêm ngừa sẽ giúp trẻ có được kháng thể để chống lại một hoặc một số loại bệnh nguy hiểm dễ mắc phải trong thời thơ ấu. Tuy nhiên, có những vắc xin cần phải tiêm nhiều liều vì lượng kháng thể sau khi tiêm vắc xin này sẽ giảm dần theo thời gian và nếu không được tiêm bổ sung sẽ có nguy cơ giảm xuống thấp dưới ngưỡng bảo vệ, khiến trẻ vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh. Lịch tiêm khác nhau của các vắc xin hiện nay đã phải được nghiên cứu và đánh giá rất kỹ về hiệu quả và an toàn trước khi đưa vào sử dụng

Các mũi tiêm nhắc lại đóng vai trò giúp gợi lại trí nhớ của hệ miễn dịch để tái sản xuất lượng kháng thể mà cơ thể đã tạo ra sau đợt chủng ngừa đầu tiên, giúp cơ thể trẻ đạt được mức bảo vệ gần như tuyệt đối. Chính vì vậy, mẹ nên đưa trẻ đi tiêm đầy đủ các mũi tiêm nhắc lại để bảo vệ toàn diện và lâu bền cho con trước những tác nhân gây bệnh

Hiểu lầm 4: Bệnh bại liệt đã được kiểm soát nên không cần phải cho trẻ đi tiêm chủng nữa

Sự thật: Tuy bệnh bại liệt đã được thanh toán trên phạm vi toàn quốc, nhưng đây là loại vi rút rất dễ lây lan và vẫn còn tồn tại hoang dã ở một số quốc gia khác. Với bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, nguy cơ vi rút bại liệt lây truyền vào Việt Nam vẫn còn tồn tại. Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo tiếp tục thực hiện việc chủng ngừa để tạo miễn dịch bảo vệ và phòng tránh bệnh bại liệt cho đến khi căn bệnh này được thanh toán trên phạm vi toàn cầu

Đó là lý do mà các mẹ vẫn cần đưa trẻ đi chủng ngừa đầy đủ các bệnh được khuyến cáo, dù đó là những bệnh đã được kiểm soát ở nước ta.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống 


https://suckhoedoisong.vn/nhung-suy-nghi-sai-lam-me-thuong-mac-phai-ve-viec-chung-ngua-cac-benh-nguy-hiem-cho-tre–n158452.html

Nguồn : bau.vn