Nỗi ám ảnh rụng tóc sau sinh

Ngừng lo lắng, không chải tóc quá nhiều hay cắt tóc ngắn là những cách giúp chị em không bị chứng rụng tóc làm phiền nữa.

Trong thời gian mang thai, bạn được mọi người khen rằng tóc trông rất khỏe và bóng mượt. Đó là do sự ảnh hưởng của quá trình mang thai, nhờ vào chế độ ăn uống lành mạnh và lượng a-xít folic hàng ngày bạn nạp vào cơ thể. Tuy nhiên, thông thường sau khi sinh khoảng 2 – 3 tháng các bà mẹ mới bắt đầu bị rụng tóc. Nhiều bà mẹ thấy sợ hãi khi tóc rụng như trút. Đừng lo lắng, đó là hiện tượng hoàn toàn bình thường và có rất nhiều phụ nữ phải đối mặt với tình huống tương tự sau khi sinh nở.

Nguyên nhân gây rụng tóc sau sinh

Khoảng 90% tóc luôn luôn ở giai đoạn ‘mọc’ (phát triển), kéo dài từ 2 – 6 năm, khoảng 10% ở giai đoạn không mọc hay còn gọi là nghỉ ngơi, kéo dài từ 2 – 3 tháng. Mỗi 2 – 3 tháng tóc ở giai đoạn không mọc sẽ rụng đi để thay thế bằng tóc mới. Trong thời gian mang thai lượng estrogen tăng lên nên số lượng tóc ở giai đoạn nghỉ ngơi sẽ ít đi và do đó ít tóc rụng hơn. Sau khi sinh nở, mức estrogen giảm xuống đột ngột và số lượng tóc ở giai đoạn nghỉ ngơi tăng lên, điều này dẫn đến rụng tóc nhiều hơn. Không phải tất cả phụ nữ đều gặp phải tình trạng rụng tóc sau sinh. Thông thường, tóc dài sẽ rụng nhiều hơn so với tóc ngắn.

Rụng tóc sau sinh là nỗi lo của nhiều chị em (Ảnh minh họa: Internet)

Giải pháp hạn chế tình trạng rụng tóc sau sinh

1. Ngừng lo lắng

Tình trạng rụng tóc sau sinh có tên y khoa là Telogen Effluvium. Nó là một hiện tượng bình thường và sẽ không làm cho bạn hói đầu. Ngay cả với những người bình thường, căng thẳng cũng gây ra rụng tóc, vì vậy nếu bạn cứ giữ những phiền muộn và lo lắng về việc rụng tóc sau sinh thì sẽ không thể cải thiện được tình trạng đâu.

2. Tránh buộc tóc quá chặt

Sử dụng các loại dây buộc tóc, các loại kẹp tóc hay thắt bím tóc đuôi ngựa có thể kéo căng sợi tóc quá mức và tạo áp lực lên da đầu. Tóc bị kéo căng quá chặt có thể dẫn đến rụng tóc nhanh hơn.

3. Tăng cường dinh dưỡng cho cơ thể

Trong quá trình mang thai, nhờ có chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng và lành mạnh nên tóc và da của mẹ trông khỏe và đẹp hơn. Rau, củ, quả và các loại hạt không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn chứa chất chống oxy hóa và các phê-non giúp bảo vệ nang tóc. Vì vậy, tăng cường dinh dưỡng sẽ góp phần thúc đẩy tóc phát triển khỏe hơn.

4. Bổ sung vitamin

Đôi khi lượng thức ăn chúng ta nạp vào cơ thể không đủ tất cả các khoáng chất và vitamin cần thiết. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung vitamin B tổng hợp, kẽm, vitamin E, vitamin C và biotin. Các loại vitamin này sẽ thúc đẩy quá trình phát triển của tóc và ngăn chặn tóc rụng nhiều.

Chị em nên tránh những hóa chất có hại cho tóc để tránh rụng tóc thêm (Ảnh minh họa: Internet)

5. Nói không với các hóa chất liên quan đến tóc

Nếu bạn gội đầu hàng ngày hay cách ngày, hãy lựa chọn loại dầu gội đầu tự nhiên hoặc chứa thảo dược không có hóa chất gây hại cho tóc. Việc dùng các loại dầu gội chứa nhiều hóa chất sẽ làm tóc yếu đi và dễ gãy. Tránh sấy tóc với nhiệt độ cao và sử dụng hóa chất tạo kiểu tóc để ngăn chặn tóc bị giòn.

6. Không chải tóc quá nhiều

Chải tóc quá thường xuyên có thể khiến tóc bị ma sát bởi lược, dễ bị tổn thương, xơ gãy hơn và rụng nhiều hơn. Tốt nhất bạn nên dùng lược răng thưa để chải tóc khi tóc còn hơi ẩm sẽ giúp giảm bớt áp lực lên tóc và loại bỏ bớt tóc rối.

7. Cắt tóc ngắn

Sau khi sinh nở bạn sẽ rất bận rộn và không có nhiều thời gian để chăm sóc tóc. Cách tốt nhất là nên cắt tóc ngắn bớt để dễ dàng chăm sóc, giúp tóc chắc khỏe, giảm bớt áp lực lên chân tóc và do đó sẽ rụng tóc ít hơn. Các mẹ thân mến, hiện tượng tóc rụng sau sinh sẽ dần hết theo thời gian. Vì thế, đừng quá lo lắng và hãy kiên nhẫn làm theo những cách trên sẽ giúp bạn duy trì mái tóc khỏe mạnh hơn.

Nguồn : bau.vn