Phản xạ của trẻ sơ sinh

(bau.vn) Để bảo vệ mình trước những nguy hiểm có thể gặp phải, trẻ sơ sinh cũng có những phản xạ tự nhiên khác nhau. Các phản xạ này như bản năng riêng, xuất hiện ngay từ những tháng đầu đời, giúp trẻ tồn tại và duy trì sự sống.
Phản xạ khi sợ hãi (moro)

Phản xạ moro thường xuất hiện ở hầu hết trẻ sơ sinh từ 4 đến 5 tháng tuổi. Đây là những phản ứng bản năng để “phòng vệ” với một số trường hợp nguy hiểm có thể xảy đến với trẻ. Vào lúc cảm thấy sợ hãi với những âm thanh lạ hoặc có cảm giác như mình đang bị rơi xuống, phản ứng tức thì của trẻ thường là duỗi thẳng chân, cánh tay, ngón tay, cong lưng, thậm chí là cố gắng kéo đầu chạm xuống phía vùng ngực.

Phản xạ bàn chân (babinski)

Khi cả vùng bàn chân của bé bị cù nhẹ từ gót cho tới ngón chân, các ngón chân của bé sẽ tự động cong lên và xòe hẳn ra như hình quạt. Riêng ngón chân út có thể sẽ dạng ra rộng hơn. Phản xạ này có thể diễn ra khi bé được từ sáu tháng đến hai năm tuổi.

Phản xạ vùng miệng (rooting)

Khi bạn chạm nhẹ vào vùng má của em bé, ngay lập tức bé sẽ quay ngay ra hướng má bị chạm. Lúc này, trẻ thường mở miệng khá rộng, dường như đã sẵn sàng cho việc ti mẹ. Phản xạ này giúp bé “định vị” được vị trí vùng ngực mẹ cũng như vị trí của chai sữa mà bạn định cho bé bú. Phản xạ rooting có thể xuất hiện khi bé được từ ba đến bốn tháng. Vào lúc bé đang ngủ hoặc ngái ngủ, phản xạ sẽ chậm hơn lúc bình thường.

Phản xạ bước đi

Bạn có thể giữ em bé trong tư thế đứng ở một vùng mặt phẳng nào đó bằng cách giữ vững vùng dưới cánh tay, để cho cánh tay và chân của bé được tự do, thả lỏng. Bạn sẽ thấy em bé chạm xuống vùng mặt phẳng rồi nhấc chân lên, bước đi từng bước một theo cách mà chúng ta chuyển động, chân nọ nối tiếp chân kia. Phản xạ này có thể được nhìn thấy rõ nhất khi bé được từ bốn ngày tuổi đến hai tháng tuổi. Tuy nhiên, phản xạ này không có khả năng dự báo sớm ngày biết đi thực sự của trẻ.


Phản xạ nắm chặt bàn tay (palmar)

Khi giơ bàn tay hoặc ngón tay của mình ra trước bàn tay bé, bé sẽ nắm chặt lấy các ngón tay của bạn như không muốn buông rời. Trẻ sơ sinh nắm chặt tay bạn đến nỗi bạn có thể nâng bổng cả cơ thể bé lên mà không cần phải ôm hay giữ chặt lấy bé (nhưng nhớ đừng thử cách này và đưa bé lên quá cao so với mặt đất). Việc thử nghiệm phản xạ này chỉ nên được tiến hành dưới sự theo dõi của các chuyên gia y tế. Phản ứng này xuất hiện khi bé được từ ba đến sáu tháng tuổi.

Phản ứng phòng vệ khi bị xoay vùng cổ (tonic neck)

Hãy đặt bé ở tư thế nằm ngửa, rồi xoay vùng cổ của bé sang bên phải hoặc bên trái. Bạn sẽ quan sát được tư thế “phòng vệ” của bé khi quay nghiêng vùng cổ. Nếu quay cổ của bé sang hướng bên trái, bạn sẽ quan sát thấy chân và tay của bé ở bên hướng cổ quay sang sẽ duỗi thẳng, chân và tay còn lại sẽ hơi cong. Phản xạ này dường như là cảm giác an tâm không sợ bị ngã khi bé quay ngang, quay ngửa.

Phương Linh – tạp chí Bầu

Nguồn : bau.vn