Tập thể dục trong thời gian mang thai

Đi bộ là biện pháp luyện tập truyền thống được nhiều bà Bầu lựa chọn. Tuy nhiên, hiện có nhiều bài tập thể dục giúp các bà Bầu luyện tập hiệu quả, tiết kiệm thời gian hơn đi bộ rất nhiều.

Nên tập thể dục khi mang bầu?

Nhiều người cho rằng vận động thể lực trong thời gian mang thai sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của thai nhi. Thực tế không hoàn toàn như vậy. Nếu có phương pháp tập luyện đúng đắn thì sẽ giúp mẹ và bé nâng cao sức khỏe. Do đó, có thể khẳng định phụ nữ mang thai hoàn toàn yên tâm tập thể dục trong suốt thai kỳ.

Ích lợi của việc tập luyện

Mang thai và làm mẹ là niềm hạnh phúc vô bờ bến song cũng đem lại cho bạn rất nhiều những rắc rối và phiền phức: mệt mỏi, khó chịu, nặng nề, đau lưng, chuột rút, nhức đầu, buồn bực,… Nếu tập luyện thể dục, thể thao đúng cách, bạn sẽ đẩy lùi được những phiền phức này.

Tập thể dục giúp chị em mang bầu tăng cướng sức khỏe và sự dẻo dai cho cơ thể. Một số người khi tập thể dục còn cảm thấy vui vẻ, sảng khoái, yêu đời, giảm căng thẳng, mệt mỏi.

Ngoài ra, việc tham gia vào các lớp tập thể dục tạo cho bà Bầu cơ hội giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm, làm giàu thêm vốn kiến thức chuẩn bị cho bé yêu chào đời. Tập luyện đúng cách cũng giúp bạn dễ sinh hơn, ít đau hơn, và đặc biệt sẽ nhanh chóng lấy lại vóc dáng sau khi sinh.

Tập luyện hiệu quả

Để tập luyện hiệu quả, chị em phải tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản:

– Tuyệt đối không tự ý đề ra chương trình tập luyện cho mình nếu không tham khảo ý kiến bác sĩ.
 
– Bạn nên tham gia vào một lớp thể dục dành cho bà Bầu để có được những hướng dẫn thiết thực trong suốt thai kỳ và tập luyện hiệu quả.

– Bắt đầu tập luyện một cách nhẹ nhàng: khởi động nhẹ nhàng trước khi tập, bắt đầu tập bằng các bài tập vận động nhẹ nhàng, sau đó có thể tăng dần cho phù hợp.

– Không nên bắt đầu bằng những động tác hay bài tập quá mạnh, có thể ảnh hưởng không tốt, thậm chí gây hại cho thai nhi.

– Hãy ngưng tập khi cơ thể cảm thấy kiệt sức.

– Khi kết thúc bài tập, bạn không nên dừng lại đột ngột mà phải từ từ, nên làm một vài động tác điều hòa sau một đợt tập luyện căng thẳng.

Bổ sung năng lượng trong suốt thai kỳ, đặc biệt nên uống nhiều nước trong khi tập luyện. Ði bác sĩ ngay nếu bạn gặp các triệu chứng sau đây: chảy máu, đau bụng, đau tức ngực, chuột rút, sưng phồng bàn tay hay mắt cá chân, choáng váng, hơi thở ngắn, lên cân không đủ hay giảm cử động bào thai.

Lưu ý: Những trường hợp không nên luyện tập

Những phụ nữ đang có vấn đề về thể chất hay thai kỳ bị đe dọa như: bệnh về van tim, bệnh thận, quá béo phì, quá suy dinh dưỡng, áp huyết cao, đa thai, dọa sảy, ra máu, sảy thai liên tiếp… thì không nên tập thể dục.

Thông tin được cung cấp bởi:
TT Parentslink, 18/84 Chùa Láng, Đống Đa, HN

Nguồn : bau.vn