Thời tiết nồm ẩm, phòng bệnh cho trẻ cơ địa dị ứng

Hãy cho trẻ ăn nhiều các loại rau củ quả nhiều hơn. Hạn chế đồ ăn béo.

Nền nhiệt độ ẩm thấp còn tạo điều kiện cho các vi-rút gây bệnh đường hô hấp, sốt phát ban, sởi, thuỷ đậu, rubella phát triển gây bệnh cả trẻ em và cả người lớn. Nồm ẩm dễ gây chứng đau đầu, mệt mỏi uể oải, ra nhiều mồ hôi, khó ngủ, nhất là các chứng ‘thấp’ như thấp khớp, thấp tim, hen…

Các nấm mốc, vi nấm rất phát triển khi trời nồm ẩm, lơ lửng trong không khí, bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu… rất dễ bị dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp, phát cơn hen suyễn nếu dị ứng với bụi nhà.

Trong điều kiện thời tiết như vậy, để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh ở trẻ em, các chuyên gia y tế khuyến cáo những điều như sau:

– Cho trẻ ăn nhiều các loại rau củ quả nhiều hơn. Hạn chế đồ ăn béo.

– Buổi sáng đi học nên mặc cho trẻ áo mỏng, thấm mồ hôi bên trong, ngoài khoác áo rét. Như thế sáng trẻ được mặc ấm, trưa nóng thì cởi bớt áo khoác để tránh mồ hôi thấm ngược dễ sinh cảm lạnh.

– Ban đêm trẻ hay ra mồ hôi nên đặt vào lưng trẻ tấm khăn xô, nếu sờ thấy lưng ướt thì lau lưng và rút khăn ướt ra, thay khăn khô vào để trẻ không bị mồ hôi làm nhiễm lạnh.

– Cần có sẵn vài chiếc khăn xô thấm nước để lau mồ hôi cho trẻ. Lau kỹ vùng đầu, lưng, gáy, lòng bàn tay, gan bàn chân, nơi ra nhiều mồ hôi

– Hạn chế cho trẻ tiếp xúc nóng – lạnh đột ngột, hạn chế ra ngoài trời.

– Vì các chứng bệnh đường hô hấp diễn tiến rất nhanh, do đó thấy trẻ ho, sốt, hắt hơi… cần đưa đi khám sớm để tránh bệnh chuyển nặng. Nên cho trẻ nghỉ học để chăm sóc ở nhà.

– Cho trẻ uống đủ nước, nhất là trẻ nằm ở phòng có quạt (đèn) sưởi, hoặc điều hòa hay bị mất nước. Nếu trẻ bị dính nước mưa cần thay quần áo nhanh, cho trẻ uống sữa, nước đường gừng nóng.

– Giữ ấm bàn chân, nơi rất nhạy cảm với môi trường bởi bị lạnh là ảnh hưởng đến hô hấp, tuần hoàn và suy giảm sức khỏe. Hãy cho trẻ đi tất, giầy ấm. Trước khi đi ngủ cần rửa sạch và ngâm chân trẻ trong nước ấm ngừa cảm lạnh, giúp bé dễ ngủ và ngủ ngon hơn.

– Trẻ đã từng mắc dị ứng, hô hấp càng cần hạn chế tiếp xúc với nấm mốc. Dọn dẹp, hút bụi đồ vật bị nấm mốc, đặc biệt là tủ sách lâu năm để tránh nhiễm bệnh vì hít phải bụi, mốc.

– Phòng ngủ nên có máy hút ẩm. Nếu dùng thảm trải sàn phải bảo đảm luôn khô ráo, thường xuyên hút bụi để tiêu trừ bọ mạt, bụi nhà là những tác nhân gây dị ứng, hô hấp.

Theo Phunutoday

Nguồn : bau.vn