Tình trạng trẻ bị đi ngoài ra bọt: Mẹ nhất định phải biết những điều này để không mắc sai lầm!

Đi ngoài ra bọt, phân lỏng, có lẫn nhầy, nát, không thành khuôn… là những triệu chứng bạn đang gặp phải. Liệu đây có phải là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng này.

Hiện tượng đi ngoài ra bọt ở trẻ sơ sinh

Tháng đầu tiên sau khi sinh, trẻ thường đi tiêu sau mỗi cữ bú. Bé thường đi 5-10 lần trong một ngày, phân sệt, màu vàng sậm và tăng cân tốt thì không có gì đáng lo ngại. Nhưng trẻ sơ sinh đi ngoài có bọt cộng thêm chất nhầy rất có thể hệ tiêu hóa đang có vấn đề. Tình trạng trẻ sơ sinh đi ngoài có bọt kéo dài luôn khiến mẹ thấp thỏm không yên.

Nguyên nhân trẻ sơ sinh đi ngoài có bọt và nhầy

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bé sơ sinh đi ngoài ra bọt. Sau đây là những nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng này:

Hệ thống tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện

Chức năng đường ruột và tiết niệu của bé sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện vì vậy dẫn đến tình trạng đi ngoài có bọt. Nếu phân của trẻ sơ sinh hơi lỏng, có bọt và chất nhầy thì có khả năng đường ruột của bé bị kích thích và bé chưa tiêu hóa hết đường trong sữa.

Nhiễm khuẩn đường ruột

Các vi khuẩn như như Salmonella, Shigella, Staphylococcus, Campylobacter hay E. coli cũng có thể gây ra hiện tượng đi ngoài có bọt kèm theo tiêu chảy.

Nếu bị nặng bé có thể bị chuột rút, sốt. Bố mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để khám chữa.

Dị ứng sữa

Bé sơ sinh có thể bị dị ứng protein trong sữa dẫn đến đi ngoài có bọt kèm theo tiêu chảy. Ngoài ra bé có thể gặp các triệu chứng sau: đau bụng, có máu trong phân.

Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, dị ứng cũng có thể gây phát ban, sưng và khó thở.

Tình trạng trẻ bị đi ngoài ra bọt: Mẹ nhất định phải biết những điều này để không mắc sai lầm! - ảnh 1

Bé dị ứng sữa

Hội chứng kém hấp thu

Các bé mắc hội chứng kém hấp thu cũng dẫn đến tình trạng đi ngoài có bọt vì chất dinh dưỡng không được tiêu hóa hết.

Chế độ ăn uống của mẹ

Nếu bé đang bú sữa mẹ thì chế độ ăn uống của mẹ cũng sẽ ảnh hưởng đến bé. Nếu mẹ ăn các loại thức ăn nhuận tràng có thể khiến bé bị đi ngoài có bọt.

Xử lý thế nào khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy?

Khi bị tiêu chảy, trẻ thường quấy khóc, bú kém, đau bụng. Đi ngoài quá nhiều khiến trẻ bị mất nước dẫn đến mệt mỏi. Trẻ sơ sinh còn rất non nớt nên cha mẹ cần theo dõi trẻ và đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để bác sĩ khám, chẩn đoán, xác định nguyên nhân và đưa ra phương án điều trị kịp thời.

Lưu ý, không tự ý cho trẻ dùng bất cứ loại thuốc điều trị nào, kể cả men tiêu hóa nếu chưa có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là thuốc cầm tiêu chảy.

Cách phòng tránh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh

Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ chứa rất nhiều dưỡng chất quan trọng, đặc biệt là chất đề kháng giúp bảo vệ trẻ khỏi nhiều vi khuẩn gây hại.

Sữa mẹ được thiết kế phù hợp cho sự phát triển và giúp hệ miễn dịch của trẻ hoàn thiện. Do đó, nên cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để phòng chống tiêu chảy cũng như nhiều bệnh lý khác. Trẻ được bú sữa mẹ có tỷ lệ bị tiêu chảy ít hơn trẻ bú sữa công thức hoặc trẻ không được bú mẹ hoàn toàn.

Ngoài ra, người mẹ trong quá trình mang thai cũng nên chăm sóc thai sản tốt, tạo tiền đề sức khỏe cho trẻ, hạn chế nhiễm khuẩn trong giai đoạn chu sinh.

Trong thời gian cho con bú, đặc biệt là trong 1 – 2 tháng đầu, người mẹ cần đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng của mình. Vì các thức ăn mà mẹ ăn sẽ chuyển hóa thành sữa. Người mẹ nên ăn các thức ăn lành tính như: thịt nạc, rau ngót, trứng, tôm… hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn chế biến sẵn…

Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh còn rất non nớt, chưa hoàn thiện nên khi trẻ đi ngoài nhiều lần, với màu sắc phân bất thường thì các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên khoa Nhi để các bác sĩ thăm khám, tìm ra nguyên nhân và đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. Sau đó, các bác sĩ có thể chỉ định trẻ sử dụng thuốc trong một số trường hợp cần thiết, cha mẹ tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng bất cứ loại thuốc điều trị nào, kể cả men tiêu hóa, thuốc cầm tiêu chảy để tránh tình trạng dị ứng, tương tác thuốc,…

Tình trạng trẻ bị đi ngoài ra bọt: Mẹ nhất định phải biết những điều này để không mắc sai lầm! - ảnh 2

Bên cạnh đó các mẹ cần:

  • Giữ cho bé đủ nước: Khi trẻ sơ sinh đi ngoài có bọt kèm tiêu chảy, điều quan trọng là mẹ cần tránh cho bé mất nước. Hãy tiếp tục cho bé uống sữa mẹ hoặc sữa công thức như bình thường nếu bé không bị nôn.
  • Tránh xa đường: Mẹ không nên cho bé các loại nước có đường nếu bé đi ngoài có bọt kèm theo tiêu chảy. Chúng sẽ khiến tình trạng của bé thêm tồi tệ.
  • Thay tã thường xuyên: Mẹ nên thay tã cho bé thường xuyên để giúp bé khô ráo, thoải mái. Nếu bé khó chịu mẹ hãy cố gắng an ủi và dỗ dành bé.
  • Vệ sinh sạch sẽ: Quần áo và chăn đệm của bé cần giặt riêng để tránh sự lây lan. Mẹ nên rửa tay thường xuyên khi chăm sóc cho bé.

Các mẹ hãy cùng tham khảo để hệ tiêu hoá của con yêu trở nên ổn định hơn nhé!

Hồng Phúc

Nguồn: http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/tinh-trang-tre-bi-di-ngoai-ra-bot-me-nhat-dinh-phai-biet-nhung-dieu-nay-de-khong-mac-sai-lam-a179384.html

Nguồn : bau.vn